“Người là niềm tin tất thắng”

Đó là chủ đề cuộc giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức ngày 17/5/2021, tại Hà Nội nhằm cổ vũ khí thế thi đua sôi nổi của cả nước, thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch COVID -19 vừa phát triển kinh tế. Đặc biệt, là việc tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội khóa XV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 -2026 bước đầu đã thu được những kết quả quan trọng, hướng đến 131 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 -19/5/2021 vĩ đại và kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (ngày 5/6/1911- 5/6/2021).

 

 

Đồng chí Lê Mạnh Hùng phát biểu chỉ đạo cuộc giao lưu trực tuyến.

Đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương tham gia chỉ đạo chương trình "Người là niềm tin tất thắng" và trả lời giao lưu trực tuyến.

Tham gia giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các đồng chí: Bùi Quang Huy -  Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thường trực TW Đoàn; GS.TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương; PGS.TS Lý Việt Quang, Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; PGS. TS Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Thị Thu Hường, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giao lưu, thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Lê Mạnh Hùng đặc biệt biểu dương Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian vừa qua, gắn liền những sự kiện của đất nước, đã tổ chức nhiều cuộc giao lưu trực tuyến rất có ý nghĩa.

“Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nguồn động lực to lớn, sức mạnh tinh thần để nhân dân ta tiến hành công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, sẽ thực hiện thắng lợi tư tưởng, phong cách, đạo đức của Người, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống nhân dân, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng cũng như nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đồng thời làm cho mỗi người dân Việt Nam chúng ta hoàn thiện hơn về cách sống. Bởi lẽ, sống và làm việc, noi gương Bác giúp chúng ta làm việc ngày một tốt hơn, góp phần xây dựng đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như Bác Hồ hằng mong ước. Đồng thời thông qua đó xuất hiện những điển hình, nhân tố mới”. – Đồng chí Lê Mạnh Hùng khẳng định.

 

Toàn cảnh buổi giao lưu trực tuyến.

NHIỀU BÀI HỌC SÂU SẮC

Tại buổi giao lưu trực tuyến, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh) để lại cho chúng ta biết bao nhiêu bài học sâu sắc về mặt đạo đức, trí tuệ, nghị lực sống, đấu tranh và niềm tin lạc quan cách mạng.

Sự kiện Bác ra đi rời bến cảng Nhà Rồng ngày 05/6/1911 với tên gọi là Văn Ba thể hiện cách đi độc đáo của Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh). Sau này Người vượt qua những hạn chế của các thế hệ tiền bối, người độc lập tìm cho mình một con đường đi. Đó là hợp logic của con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đó chính là con đường giải phóng dân tộc và phát triển dân tộc Việt Nam hợp với xu thế của lịch sử. Tất cả điều đó đều dựa trên một nền tảng đầu tiên, động cơ, mục đích cao thượng và vĩ đại, đó là vấn đề đạo đức, trí tuệ Hồ Chí Minh. Người đã vượt qua những đường mòn, lối cũ để tìm phá một con đường, chọn con đường đi đến tận sào huyệt của kẻ thù, để tìm ra được bản chất của nó, để cuối cùng tìm ra con đường đánh đổ nó.  

 

GS.TS. Hoàng Chí Bảo.

Trong khi nghiên cứu hành trình tìm đường cứu nước, sự nghiệp cách mạng của người, Nguyễn Ái Quốc đã để lại cho thế hệ trẻ những bài học, những kinh nghiệm cũng rất đáng quý.

Thứ nhất, đó là xuất phát từ thực tiễn mà đến với lý luận, từ thực tiễn, kiểm chứng tính đúng, sai của lý luận và phát hiện những nhân tố lý luận mới. Đấy chính là sự sáng tạo đầy bản lĩnh của Nguyễn Ái Quốc.

Bác để lại cho chúng ta một luận điểm vô giá thực hành sinh ra hiểu biết, tiến lên lý luận lãnh đạo thực hành và sau này người tổng kết là sự thống nhất giữa lý luận thực tiễn là nguyên tắc tối cao là bản chất của chủ nghĩa Mác – Lênin. Cho nên Bác căn dặn chúng ta là học tập nghiên cứu chủ nghĩa Mác là nắm lấy tinh thần và phương pháp của nó chứ không phải thuộc lòng từng câu chữ như một con mọt sách hay là một con vẹt. Điều này tuổi trẻ hết sức đáng lưu ý để học tập Bác về phong cách và phương pháp tư duy độc lập sáng tạo.

Thứ hai, đến với chủ nghĩa Mác - Lênin đến với chân lý cách mạng của thời đại, phải giữ trọn lòng chung thủy. Đây là bài học cả về trí tuệ và đạo đức, có thể nói là rất thiêng liêng với tuổi trẻ Việt Nam hiện nay. Đi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin là phải giữ trọn lòng trung thành và muốn vậy thì phải có bản lĩnh vượt qua những cái danh lợi cá nhân. Một điểm nữa mà Hồ Chí Minh căn dặn tuổi trẻ chúng ta là trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng không giáo điều, không phải biệt phái mà là trung thành trên cơ sở độc lập, sáng tạo, phát triển.

Theo GS.TS. Hoàng Chí Bảo, thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay phải chuẩn bị hành trang của mình như thế nào để có thể không chỉ tiếp cận chân lý, thực hành chân lý mà còn chủ động hội nhập quốc tế chủ động đổi mới tư duy cách nghĩ, cách làm của mình để xứng đáng với lớp người hiện đại, thực hiện sự nghiệp cha anh để lại thì đấy là đôi điều, nói về thu hoạch, kinh nghiệm rút ra được cho tuổi trẻ từ việc nghiên cứu cuộc hành trình tìm đường cứu nước của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Hồ Chí Minh).

Đồng tình với ý kiến của GS.TS. Hoàng Chí Bảo, đồng chí Bùi Quang Huy cũng cho rằng, đối với thế hệ trẻ Việt Nam, sự kiện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước là nguồn cảm hứng, là tấm gương và động lực to lớn cho lớp lớp thanh niên noi theo. Điều đó được thể hiện ở một số điểm sau:

Một là, tuổi trẻ Việt Nam học ở Bác lòng yêu nước, thương dân vô hạn. Người ra nước ngoài không phải để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân mình, mà để tìm ra con đường cứu nước, cứu dân. 30 năm bôn ba ở nước ngoài, 28 năm trực tiếp lãnh đạo cách mạng nước nhà, lúc nào Người cũng đặt Tổ quốc, nhân dân lên trên hết, trước hết, thậm chí sẵn sàng hi sinh hạnh phúc cá nhân mình để cống hiến cho đất nước, cho nhân dân. Tấm gương sáng ngời của Bác về lòng yêu nước là nguồn cảm hứng để lớp lớp thế hệ trẻ Việt Nam noi theo, cả trong các cuộc kháng chiến trường kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay.

Đồng chí Bùi Quang Huy.

Hai là, tuổi trẻ Việt Nam học ở Bác ước mơ, hoài bão, khát vọng cao đẹp và hành động cụ thể để thực hiện ước mơ, khát vọng của mình. Trong bối cảnh đất nước ta đang chịu cảnh áp bức, nô lệ của Đế quốc, thực dân, rất nhiều phong trào đấu tranh theo ý thức hệ phong kiến, tư sản diễn ra rất sôi nổi và liên tục, nhưng tất cả đều không thành công, bởi những lựa chọn đó không phù hợp với yêu cầu thực tiễn của dân tộc. Mới 21 tuổi, nhưng người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có quyết định táo bạo thể hiện tư duy khoa học, thức thời và nhãn quan chính trị nhạy bén, đó là đi sang phương Tây xem họ làm thế nào rồi về giúp đồng bào ta. Điều đó truyền cảm hứng to lớn cho thế hệ trẻ, thôi thúc họ dám ước mơ, có khát vọng, luôn luôn sáng tạo, không đi theo lối mòn và sẵn sàng dấn thân, quyết tâm hành động để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Ba là, tuổi trẻ Việt Nam học ở Bác tinh thần, ý chí tự lực, tự cường. Người ra đi tìm đường cứu nước bằng hai bàn tay trắng, tự lao động, kiếm sống và làm cách mạng, chứ không dựa dẫm, phụ thuộc vào bất kỳ ai. Trong suốt quá trình lao động, hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Người cũng đã nhận được sự giúp đỡ nhiều mặt của nhiều người, nhiều nước nhưng sau cùng, Người vẫn chủ trương “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”... Ngày nay, trong thế giới phẳng, có rất nhiều trào lưu mới, ta có thể học những cái tinh hoa và phù hợp của từng trào lưu đó nhưng không phụ thuộc, không được dựa dẫm vào người khác, vào nước khác. Đặc biệt, mỗi thanh niên học Bác ở tinh thần độc lập, tự chủ trong việc xây dựng cuộc sống và mưu cầu hạnh phúc của riêng mình, tránh chờ đợi, trông cậy vào người khác.

Bốn là, Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước khi Người đang trong độ tuổi thanh niên. Người tham gia hoạt động cách mạng, đến với sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin, tìm ra chân lý cứu nước, cứu dân cũng trong tuổi thanh xuân của mình. Có lẽ vì vậy nên Bác Hồ đặc biệt coi trọng và đánh giá rất cao vai trò của thanh niên. Người sáng lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ngay khi trở về nước lãnh đạo cách mạng, Người đã tập trung chỉ đạo xây dựng và phát triển lực lượng cách mạng, đặc biệt chú trọng đến lực lượng những người trẻ tuổi. Năm 1941, Bác chỉ đạo thành lập Mặt trận Việt Minh và các Hội cứu quốc, trong đó có “Đội nhi đồng Cứu quốc”, nay là Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh và trao cho Đoàn phụ trách công tác thiếu nhi. Cùng với đó, Người đã chỉ đạo đổi tên Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương thành Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam. Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành sự quan tâm, chăm lo đến thế hệ trẻ của nước nhà. Những điều đó là động lực hết sức to lớn, giúp thế hệ trẻ ngày nay nhận thức được vai trò quan trọng và trách nhiệm của mình đối với đất nước, như chính Bác đã từng căn dặn “Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do các thanh niên".

CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG ĐẢNG VỀ ĐẠO ĐỨC

Theo PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc, quan điểm, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng là căn bản, toàn diên, sâu sắc và có giá trị xuyên suốt và bền vững. Trong đó, Hồ Chí Minh đặc biêt chú trọng xây dựng Đảng về đạo đức. Từ 23 điểm về tư cách người cách mệnh (1927) đến 12 điểm về tư cách môt Đảng chân chính cách mênh (1947) và khẳng định “Đảng ta là đạo đức là văn minh” (1960). Không ngừng rèn luyên, nâng cao đạo đức cách mạng theo những chuẩn mực là yêu cầu bắt buộc, thường xuyên đối với toàn Đảng và mỗi cán bô, đảng viên. Đảng không ngừng xây dựng vững mạnh về chính trị bảo đảm sự đúng đắn về Cương lĩnh, đường lối, phấn đấu vì đôc lâp dân tôc và chủ nghĩa xã hôi “làm tròn nhiêm vụ giải phóng dân tôc, làm cho Tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng”, không ngừng bản lĩnh chính trị.

PGS.TS. Nguyễn Trọng Phúc.

Đảng phải nâng cao trình độ lý luận, trí tuệ, “cán bộ của Đảng phải hiểu biết lý luân cách mạng”. Ra sức tu dưỡng chủ nghĩa Mác-Lênin, “dùng lâp trường, quan điểm, phương pháp chủ nghĩa Mác-Lênin mà tổng kết những kinh nghiêm của Đảng và cách mạng Viêt Nam” để đề ra đường lối, phương châm, bước đi thích hợp, kiên quyết chống chủ nghĩa xét lại, chủ nghĩa cơ hôi, bảo đảm sự thống nhất nhân thức, ý chí, hành đông trong toàn Đảng. Phải xây dựng Đảng vững mạnh về tổ chức, giữ nghiêm kỷ luât từ trên xuống dưới. Cán bộ phải là cái gốc của mọi công việc, mọi thành bại của cách mạng đều do cán bộ tốt hay kém. “Đảng phải nuôi dạy cán bô, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi môt người có ích cho công viêc chung của chúng ta” (Sửa đổi lối làm viêc - 1947). Đảng phải đoàn kết, thống nhất và gắn bó mât thiết với nhân dân. Những nôi dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng Hồ Chí Minh nêu ra vẫn giữ nguyên giá trị đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay.

Thống nhất với ý kiến trên, PGS.TS Lý Việt Quang chia sẻ, trong quá trình tổ chức và lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân cách cách mạng. Người xác định một nhân cách hoàn chỉnh phải gồm cả hai mặt Đức và Tài, hay có lúc được diễn đạt là Hồng và Chuyên, trong đó Đức được xác định là yếu tố có trước, là nền gốc của người cán bộ cách mạng, như là gốc của cây và ngọn nguồn của sông. Khi mở lớp huấn luyện lý luận chính trị để đào tạo cán bộ cách mạng – “những hạt giống đỏ” của cách mạng Việt Nam, bài giảng mở đầu của Người là “Tư cách của một người cách mệnh”, gồm 23 điều thể hiện 3 mối quan hệ cơ bản là với mình, với việc và với người. Theo Hồ Chí Minh chuẩn mực đạo đức cơ bản của người cán bộ mẫu mực gồm 4 chuẩn mực: “Trung với nước, hiếu với dân/ Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư/ Thương yêu con người/ Có tinh thần quốc tế trong sáng”.

PGS.TS Lý Việt Quang

Điều tài tình ở Hồ Chí Minh là Người đã sử dụng nhiều mệnh đề trong đạo đức của Nho giáo, như “Trung”, “Hiếu”, “Cần, Kiệm, Liêm, Chính”, ... nhưng được đưa vào những nội hàm mới, tạo nên những giá trị mới khác về chất so với đạo đức cũ, qua đó thực hiện cuộc cách mạng trong lĩnh vực đạo đức. Ngày nay, 4 phẩm chất đạo đức trên vẫn là những chuẩn mực đạo đức cơ bản của người cán bộ, đảng viên. Tất nhiên, nội hàm mỗi chuẩn mực cần được nhận thức, bổ sung, cụ thể hóa cho phù hợp với điều kiện mới và mỗi ngành, mỗi lĩnh vực công tác của mỗi cán bộ, đảng viên.

TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH HỒ CHÍ MINH LÀ NHỮNG GIÁ TRỊ QUÝ BÁU CỦA DÂN TỘC

Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta những giá trị hết sức quý báu. Giá trị đầu tiên có thể nói đó là bài học về vấn đề lựa chọn giá trị sống, lối sống và định hướng cho lẽ sống của mình. Lúc đầu, không ít người tán thành cùng đi với Bác, được thuyết phục trước nhiệt huyết và sự lôi cuốn cảm hứng của Bác, nhưng đến giờ phút chót chỉ có một mình Bác bước xuống tàu biển. Bác đưa hai bàn tay lên để nói rõ rằng dùng sức lao động của mình để kiếm sống, để tìm cách hoạt động và thực hiện cho được lý tưởng. Cho nên giá trị đầu tiên, rất quý báu đó là vấn đề động cơ lẽ sống, là sự lựa chọn giá trị sống vì nước, vì dân của Hồ Chí Minh. Đây là bài học rất cao thượng như Đảng ta đã đánh giá về Bác sau này.

Một giá trị nữa từ cuộc đời, sự nghiệp của Hồ Chí Minh để lại cho toàn Đảng và nhân dân ta đó là giá trị về niềm tin. Niềm tin của Người rất mãnh liệt, tin vào tương lai của Tổ quốc, tin vào dân tộc mình, tin và sức sáng tạo của Nhân dân mình và tin vào chiều hướng phát triển tốt đẹp của lịch sử. Cho nên bất luận trong hoàn cảnh nào Bác Hồ cũng vượt qua mọi thử thách, khó khăn, sóng gió, bài học về giá trị niềm tin vào lúc này với tuổi trẻ là rất có ý nghĩa.

 

Một bài học nữa là để hoạt động, để thực hiện được hoài bão, lý tưởng thì phải có tri thức, có phương pháp sáng tạo về mặt khoa học và đồng thời phải tìm được những lực lượng, những biện pháp để thực hiện cho được lý tưởng cao quý đó. Đây là bài học về mặt khoa học của Hồ Chí Minh, việc Người đã ở nước ngoài 30 năm, Người tiếp xúc với cả hai nền văn minh phương Đông và phương Tây để cuối cùng Người có được một trí tuệ uyên bác, có kinh nghiệm và vốn sống phong phú, từng trải cuộc sống để đem lại cho Người những cách ứng xử, cách xử lý rất linh hoạt trong cuộc đời, trong sự nghiệp. Người để lại một câu nói bất hủ là “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, tức là nguyên tắc thì phải giữ vững, niềm tin không bao giờ thay đổi, nhưng biện pháp, phương pháp hành động thì phải thiên biến vạn hóa mềm dẻo, linh hoạt cho phù hợp diễn biến đổi thay của cuộc sống. Lời ấy Bác đã từng tâm sự với cụ Huỳnh Thúc Kháng, người Bác tin cậy mà giao chức vụ quyền Chủ tịch nước thay Bác khi Bác đi Pháp vào tháng 5/1946.



Đặc biệt, Người kỳ vọng rất lớn vào thế hệ trẻ. Bác cũng  là người truyền cảm hứng vĩ đại cho dân tộc, nhất là đối với tuổi trẻ. Trong những lời dạy của Bác với thanh niên, có những lời dạy mà bây giờ sâu lắng đi vào bài ca truyền thống của Đoàn Thanh niên. Thanh niên không bao giờ đòi hỏi nước nhà hay Tổ quốc đem lại cho mình những gì mà phải luôn luôn tự hỏi mình đã làm gì cho Tổ quốc.

Đồng chí Bùi Quang Huy cũng cho rằng, ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn, với tên mới là Văn Ba, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã xuống tàu La Touche Tréville trong vai một người phụ bếp, mở đầu hành trình tìm đường cứu nước suốt 30 năm ròng rã. Ý nghĩa của sự kiện này đã được khẳng định và được nói rất nhiều nhưng có một khía cạnh khác cũng nên được nhắc tới, nhất là trong bối cảnh hiện nay, đó là tính truyền cảm hứng của sự kiện này đối với mỗi người Việt Nam, đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Yếu tố truyền cảm hứng của sự kiện này có thể được nhìn ở mấy góc độ:

Thứ nhất, cần tiếp tục tìm nhiều cách thức để lập thân, lập nghiệp, tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Ngày nay, nước ta đang thực hiện công cuộc đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng và nằm trong tiến trình thực hiện quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Công cuộc đó, sự nghiệp đó chưa có tiền lệ, chưa sẵn có mô hình để đi theo mà gần như là phải dò dẫm. Do đó, trong mỗi hoàn cảnh, mỗi điều kiện phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Đối với mỗi thanh niên, cần tìm tòi những phương thức làm, những mô hình khởi nghiệp mới sao cho đem lại lợi ích thiết thực cho bản thân, cho cộng đồng và cho xã hội.

Thứ hai, mạnh dạn tìm ra những lối đi mới chứ không bước trên lối mòn cũ. Bác Hồ đã không đi Nhật như cụ Phan Bội Châu, không đi Trung Quốc như cụ Nguyễn Thượng Hiền, không giống như cụ Phan Chu Trinh, không bạo động theo đường lối dân chủ như cụ Hoàng Hoa Thám… Bởi Người nhìn thấy các mặt tích cực nhưng cũng nhận ra nhiều điểm hạn chế của các lối đi. Và vì vậy, Người tìm một lối đi mới mà bấy giờ chưa ai nghĩ đến, đó là sang Pháp “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”; Người còn sang nhiều nước tư bản và các nước thuộc địa khác. Lứa tuổi thanh niên luôn gắn liền với sáng tạo. Sáng tạo cũng được coi là 1 thuộc tính riêng có của thanh niên. Vì vậy, trong quá trình lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp, yếu tố sáng tạo là không thể thiếu. Nhưng sáng tạo phải đặt trên nền tảng những gì đã có sẵn, từ yêu cầu của thực tiễn để phát triển lên, tích lũy giá trị tích cực, khắc phục hạn chế, như bài học về con đường cách mạng của Bác Hồ kế thừa từ truyền thống đấu tranh của dân tộc và đúc rút kinh nghiệm từ những bậc tiền bối đi trước.

Thứ ba, luôn học tập các trào lưu, các tiến bộ của nhân loại nhưng phải dựa trên năng lực của bản thân là chủ yếu. Là người đi khắp các châu lục, tiếp thu nhiều luồng tư tưởng cả cũ và mới lúc bấy giờ, Hồ Chí Minh đã học tập những tinh hoa của các luồng tư tưởng đó. Người xác định con đường cách mạng là theo chủ nghĩa Mác - Lênin nhưng cũng vận dụng học thuyết “tam dân” của Tôn Trung Sơn, từng chủ trương áp dụng chính sách kinh tế mới của Lênin, thực hiện tinh thần bác ái của các tôn giáo lớn… Thực tiễn cách mạng Việt Nam chúng ta cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, nhưng chúng ta đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước dựa trên sức mình vẫn là chủ yếu. Vì vậy, mỗi bạn trẻ ngày nay trong quá trình lập thân, lập nghiệp cần kết hợp hài hòa giữa năng lực tự thân và sự hỗ trợ bên ngoài, trong đó yếu tố tự thân, tự lập, tự chủ phải là chủ yếu.

Thứ tư, phải luôn luôn nỗ lực, phấn đấu và không được thỏa mãn. Cả quá trình tìm đường cứu nước của Hồ Chí Minh cũng như suốt cuộc đời cách mạng của Người, Người đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu. Đó là một tấm gương sáng cho tất cả chúng ta trong bối cảnh hiện nay. Từng cá nhân thanh niên hay bất kỳ cơ quan, tổ chức nào muốn thành công thì bản thân phải nỗ lực, đoàn kết và không ngừng phấn đấu.

 

 

Lượt xem: 763
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.857
Hôm qua : 1.416