DOANH NGHIỆP THỰC HIỆN CẮT GIẢM LAO ĐỘNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, có những tình huống hoặc điều kiện xảy ra khiến người sử dụng lao động đi đến quyết định cắt giảm lao động. Đây là điều không bên nào mong muốn, song vì tính chất chính đáng nên pháp luật lao động cho phép người sử dụng lao động thực hiện cắt giảm lao động. Tuy nhiên, việc này không được tiến hành tùy tiện mà phải phù hợp với quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ lao động. Ban Quản lý các Khu công nghiệp Phú Thọ tổng hợp một số quy định pháp luật liên quan đến các trường hợp người sử dụng lao động có thể thực hiện việc cắt giảm lao động như sau:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động theo khoản 3 Điều 34 BLLĐ năm 2019: “Hai bên thảo thuận chấm dứt hợp đồng lao động”, đây là phương án tối ưu nhất để doanh nghiệp (DN) thực hiện cắt giảm lao động, hạn chế tối đa các rủi ro về mặt pháp lý. Giữa người sử dụng lao động (NSDLĐ) và người lao động (NLĐ) phải có văn bản thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ). Nếu doanh nghiệp thực hiện theo phương án này thì phải thực hiện chi trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 và Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thực hiện trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ theo Điều 48 BLLĐ năm 2019.

2. NSDLĐ có thể thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 36 BLLĐ năm 2019: “… do dịch bệnh …mà NSDLĐ đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc”, cách này hiện nay các doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang áp dụng. Để thực hiện theo cách này DN cần lưu ý:

- Điều kiện để chấm dứt HĐLĐ trong trường hợp này: DN phải chứng minh được là do dịch bệnh (làm cho DN gặp khó khăn) và đã tìm mọi biện pháp khắc phục (những biện pháp khắc phục đó là gì?) nhưng vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

- Về trình tự thủ tục:

+ DN lưu ý phải có văn bản họp với Ban chấp hành công đoàn về những khó khăn, các biện pháp khắc phục và thời hạn khắc phục nhưng DN vẫn buộc phải giảm chỗ làm việc.

+ DN phải công khai với NLĐ về những khó khăn và giải pháp khắc phục đã thực hiện.

+ DN thực hiện thông báo chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại khoản 2 Điều 36 và Điều 45 BLLĐ năm 2019.

+ Thực hiện trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 48 BLLĐ năm 2019.

3. Chấm dứt HĐLĐ khi cắt giảm lao động do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế theo Điều 42 BLLĐ năm 2019:

DN lưu ý phải thực hiện các bước sau:

- Bước 1: DN xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động có sự tham gia của Công đoàn cơ sở theo quy định Điều 44 BLLĐ năm 2019.

- Bước 2: NSDLĐ trao đổi với Công đoàn cơ sở về việc cho thôi việc đối với người lao động theo quy định tại khoản 6 Điều 42 BLLĐ năm 2019 (phải có văn bản).

- Bước 3: DN gửi thông báo bằng văn bản cho UBND tỉnh trước 30 ngày khi tiến hành cắt giảm lao động và người lao động theo quy định tại khoản 6 Điều 42 BLLĐ năm 2019.

Nội dung thông báo bao gồm:

+ Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động và người đại diện theo pháp luật của người sử dụng lao động;

+ Tổng số lao động; số lao động cho thôi việc;

+ Lý do cho người lao động thôi việc; thời điểm người lao động thôi việc;

+ Kinh phí dự kiến chi trả trợ cấp mất việc làm.

Bước 4: Thực hiện trả trợ cấp mất việc làm theo quy định tại Điều 47 BLLĐ năm 2019 và Điều 8 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, thực hiện trách nhiệm của NSDLĐ khi chấm dứt HĐLĐ theo quy định tại Điều 48 BLLĐ năm 2019.

Trên đây là các trường hợp pháp luật quy định người sử dụng lao động có thể cắt giảm lao động làm ảnh hưởng đến công việc của người lao động khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Lượt xem: 3.195
Tác giả: Phạm Thị Thanh Tân
Nguồn:Phòng Quản lý Doanh nghiệp và Lao động Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 36
Hôm qua : 1.194