Giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng

Từ đầu năm đến nay, ngành Công nghiệp của cả nước gặp nhiều khó khăn, thách thức do kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động khó lường. Trong bối cảnh chung đó, sản xuất công nghiệp của tỉnh không tránh khỏi tác động và việc thực hiện các giải pháp để giữ nhịp sản xuất, duy trì đà tăng trưởng được tỉnh, cộng đồng doanh nghiệp tập trung thực hiện.

Công nhân Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao kiểm tra sản phẩm trước khi xuất bán ra thị trường.

Chủ động thích ứng

Trên địa bàn tỉnh, nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát huy hiệu quả cao cùng với sự tự chủ động của các doanh nghiệp trong sản xuất, tích cực tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm là động lực chính thúc đẩy ngành công nghiệp trong quý I/2023, tăng trưởng 10,3% so với quý cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp đã tổ chức, cơ cấu lại sản phẩm; một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ như chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ tăng 37%, sản xuất thiết bị điện tăng 99%, sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học tăng 25%... Đặc biệt, việc thu hút và triển khai các dự án đầu tư đã đóng góp không nhỏ đến phát triển công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quý I, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 8.900 tỉ đồng; thu hút đầu tư mới và mở rộng 19 dự án, trong đó 13 dự án trong nước tổng vốn đăng ký 1.520 tỉ đồng, sáu dự án FDI tổng vốn đầu tư 31,6 triệu USD. Một số doanh nghiệp tăng vốn, mở rộng sản xuất như Công ty TNHH Electro M Vina tăng vốn 4,7 triệu USD, Công ty TNHH Almus Vina tăng vốn 5 triệu USD, Công ty TNHH Innovation tăng vốn 8,5 triệu USD... là những điểm sáng trong hoạt động công nghiệp.

Tuy nhiên, những tháng đầu năm 2023, trên thế giới lạm phát ở mức cao tại nhiều quốc gia, tình hình chính trị một số nước có những diễn biến phức tạp, đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraina khiến giá xăng dầu và một số hàng hóa nhập khẩu tiếp tục có diễn biến khó lường. Trước tình hình chung đó, xu hướng thắt chặt chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ tại một số thị trường tiêu thụ dệt may, da giày, đồ gỗ, linh kiện điện tử lớn như Mỹ, EU khiến nhu cầu nhập khẩu giảm. Những yếu tố này đã tác động đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của một số ngành nghề cũng như doanh nghiệp trong nước nói chung, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng.

So với quý cùng kỳ năm trước, quý I năm 2023, nhiều sản phẩm công nghiệp chủ yếu có sản lượng giảm như: Mỳ chính giảm 34%, quần áo may sẵn giảm 21,7%, vải thành phẩm giảm 21,4%, giày thể thao giảm 11,8%, gạch lát giảm 7,9%, sợi toàn bộ giảm 6,5%, giấy và bìa các loại giảm 2,9%... Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế là đối tác lớn của Việt Nam tăng trưởng giảm sút, tổng cầu giảm tác động đến xuất, nhập khẩu hàng hóa. Tính chung bốn tháng, xuất khẩu của tỉnh ước đạt 3,5 tỉ USD, giảm 7,7% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt gần 2,7 tỉ USD, giảm 24,6%. Trong điều kiện giá cả vật tư đầu vào tiếp tục biến động, chi phí sản xuất tăng cao, một số sản phẩm chủ lực thiếu đơn hàng, giảm quy mô sản xuất, nhiều đơn hàng tồn kho, thách thức với sản xuất công nghiệp là khá lớn.

Chè là một trong những sản phẩm chủ yếu của tỉnh, sản lượng chè chế biến bốn tháng đạt trên 5.800 tấn, đây cũng là một trong những ngành hàng gặp khó khăn trong xuất khẩu. Công ty TNHH Chè Văn Võ Miếu ở xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn trung bình mỗi năm sản lượng sản xuất chè đạt 1.000 tấn chè đen, 500 tấn chè xanh. Ông Hà Văn Thương - Quản lý Công ty cho biết: “Thị trường xuất khẩu chè chủ yếu của Công ty là Nga và Trung Đông. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh, kinh tế một số nước suy thoái, khách hàng yêu cầu giảm giá, hoãn thời gian giao hàng hoặc hủy đơn hàng dẫn đến số lượng chè sau chế biến tồn kho hoặc tiêu thụ chậm. Trong khi đó, yếu tố đầu vào như giá cước vận tải quốc tế, công lao động, giá than, giá điện, giá chè nguyên liệu tăng khiến sản xuất và xuất khẩu khó khăn. Hiện nay chuẩn bị bước vào cao điểm sản xuất chè, doanh nghiệp cũng đang tìm kiếm đơn hàng mới, chấp nhận cả đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, chờ cơ hội thị trường phục hồi”.

Từ nay đến cuối năm, tình hình kinh tế thế giới dự báo vẫn có nhiều biến động, nhất là những vấn đề phụ thuộc vào chính sách điều hành của các quốc gia lớn trên thế giới cùng với sự tác động của thị trường bên ngoài, đòi hỏi sự nhanh nhạy của các doanh nghiệp. Đồng hành với doanh nghiệp, các sở, ngành, chính quyền địa phương tăng cường triển khai các giải pháp giúp doanh nghiệp tiết giảm chi phí, tiếp cận thị trường, thuận lợi hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Dây chuyền gia công cơ khí chính xác tại Công ty TNHH Công nghệ Cosmos 1, Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn

Ở nhiều ngành hàng, thị trường trầm lắng nhưng doanh nghiệp vẫn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để có thể chủ động tổ chức sản xuất ngay khi có tín hiệu khởi sắc. Đồng thời nhiều doanh nghiệp chuyển dịch đầu tư vào công nghệ, thích ứng được khi cơ cấu mặt hàng có thay đổi. Các doanh nghiệp cũng xây dựng kịch bản với những biến động thị trường, biến động lao động, tỉ giá, lãi suất… để ứng phó. Nhiều doanh nghiệp chia kế hoạch theo từng chu kỳ ngắn để có biện pháp thích ứng linh hoạt.

Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, huyện Lâm Thao hoạt động sản xuất cũng gặp nhiều thách thức do sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm phân bón cùng loại; giá nguyên nhiên liệu liên tục biến động, tình trạng thiếu quặng Apatit cho sản xuất supe lân... Trước tình hình đó, Công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Nhờ đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2022 của Công ty đạt 3.267 tỉ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ; quý I/2023, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 1.245 tỉ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Ông Phạm Thanh Tùng - Tổng giám đốc Công ty cho biết: “Để đạt hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với những biến động của thị trường, Công ty tập trung đổi mới phương thức quản lý; đa dạng hóa, phát triển sản phẩm mới; đổi mới phương thức bán hàng, phân phối sản phẩm. Công ty đã đưa ra nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách chiết khấu, khuyến mại, giá bán sản phẩm phân bón hợp lý, tăng khả năng cạnh tranh; tích cực phối hợp tổ chức hội nghị đầu bờ, mô hình trình diễn để hỗ trợ, hướng dẫn bà con nông dân cách sử dụng phân bón Lâm Thao theo đúng lượng phân bón cần thiết cho từng loại cây trồng, giúp cây trồng sinh trưởng, cho năng suất cao nhất. Không chỉ hướng vào thị trường trong nước, sản phẩm của Supe Lâm Thao đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Campuchia, Lào... Công ty cũng tích cực nghiên cứu, đưa ra thị trường nhiều sản phẩm mới như phân hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng vi sinh, supe lân vi sinh... với chất lượng vượt trội, phù hợp xu hướng phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững”.

Để ngành Công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, tỉnh triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như tăng cường tổ chức hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút các dự án mới đầu tư vào các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Đồng thời giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, đầu tư, xây dựng, đất đai, môi trường, tuyển dụng lao động... tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, cho các dự án đang khởi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đi vào hoạt động, đóng góp cho tăng trưởng và tạo việc làm; đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng tại các khu, cụm công nghiệp được triển khai quyết liệt. Thực hiện các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; tích cực triển khai hỗ trợ doanh nghiệp theo Quyết định số 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/1/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đồng chí Nguyễn Ngọc Anh- Phó Giám đốc Sở Công thương, thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp, tranh thủ nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, năng lượng, thương mại. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ban, ngành, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, Hội doanh nhân trẻ, Hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài của tỉnh... theo dõi, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đề xuất giải pháp tháo gỡ, giúp doanh nghiệp có điều kiện phát triển sản xuất, kết nối giao thương, phát triển thị trường...

Lượt xem: 192
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 40
Hôm qua : 1.181