Phát triển hạ tầng giao thông, tạo động lực thu hút đầu tư

Xác định hệ thống giao thông có vai trò đi trước một bước để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, Phú Thọ đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, không chỉ tăng kết nối giữa các huyện, thành, thị mà còn hình thành liên kết vùng, tạo nên sức bật lớn cho tỉnh, tạo động lực thu hút đầu tư, góp phần thực hiện hiệu quả khâu đột phá cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025.

 

Những năm gần đây, hệ thống giao thông được đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.

Phát triển hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ

Giai đoạn 2011-2020 tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư mới, cải tạo nâng cấp hạ tầng giao thông, nhiều công trình quan trọng hoàn thành, đưa vào sử dụng, điển hình như: Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (đoạn qua địa bàn tỉnh có chiều dài 62km với năm nút giao lên xuống), 22km đường Hồ Chí Minh, 21,1km đường quốc lộ 32C đoạn qua thành phố Việt Trì, đường Trường Chinh kết nối Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-7, đường Phù Đổng, đường Vũ Thê Lang, đường Nguyễn Tất Thành đoạn từ nút giao với đường Hùng Vương đến Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, tạo thuận lợi phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, 20 dự án giao thông quan trọng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 đang thực hiện theo quy hoạch như: Đường giao thông liên vùng kết nối đường Hồ Chí Minh với quốc lộ 70B, quốc lộ 32C đi tỉnh Yên Bái, dự án đường nối quốc lộ 2 với đường tỉnh 323, dự án tuyến đường nối từ đường Hồ Chí Minh đến đường tỉnh 320C, xã Đông Thành, huyện Thanh Ba...; phối hợp với tỉnh Tuyên Quang xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ kết nối với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại nút giao IC-9, phối hợp với tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng cầu Vĩnh Phú qua sông Lô... tạo bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển du lịch của tỉnh, có tính liên kết vùng, góp phần từng bước hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại.

Hệ thống giao thông đường bộ trong tỉnh tương đối lớn với 1.379km đường cao tốc, quốc lộ, đường tỉnh, 10.903,6km đường giao thông nông thôn. Cùng với đường bộ, tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai được duy trì nhằm nâng cao khả năng khai thác, đảm bảo an toàn chạy tàu. Bộ Giao thông-Vận tải (GTVT) quan tâm nạo vét, khơi thông, đảm bảo giao thông đường thuỷ cho các phương tiện có tải trọng đến 200 tấn qua lại trên các tuyến sông Lô, sông Hồng, sông Đà; các bến thủy nội địa, bến cảng được cải tạo, nâng cấp, phục vụ nhu cầu vận tải hiện nay.

Ông Nguyễn Tiến Hùng-Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết: Để tạo điều kiện thuận lợi hơn trong kết nối liên vùng, với vai trò cơ quan tham mưu, Sở đã sớm đề xuất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường cao tốc, quốc lộ qua địa bàn tỉnh vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050… Những định hướng đề xuất điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT nhằm phát triển hệ thống giao thông hoàn thiện, hiện đại, đặc biệt là giao thông đối ngoại, giao thông liên vùng của tỉnh sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư; rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giữa miền núi và đồng bằng, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững. Khi các công trình hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ là điểm nhấn, sức bật quan trọng trong kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và cả khu vực, tạo sức thu hút các nhà đầu tư đến với Phú Thọ.

Các tuyến đường liên xã tại huyện Thanh Ba được đầu tư xây dựng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối giao thông vùng.

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư

Là huyện nằm trong vùng kinh tế động lực của tỉnh, Phù Ninh đã chỉ đạo quyết liệt các giải pháp huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tạo bước đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm, sớm đạt tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới. Ông Lê Phúc Tuất-Trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện cho biết: Năm 2022, huyện đã tập trung triển khai nhiều tuyến đường giao thông như: Đường huyện lộ P2 từ UBND xã Gia Thanh đi Cầu Vàng, đường QL2 đi hầm chui - Cụm công nghiệp (CCN) Đồng Lạng, đường Âu Cơ đi khu 1 xã An Đạo, đường QL2 đi K98 huyện lộ P3, đường Cơ động quân sự QL2 đi khu 6, đường giao thông kết nối từ ĐT325B đi CCN Bắc Lâm Thao - quốc lộ 2 - đường tỉnh 323H - đường huyện P2 (CCN Phú Gia), đường giao thông kết nối từ ĐT323 đến QL2 đi đường tránh thị trấn Phong Châu,... đồng thời chỉ đạo triển khai thực hiện đường giao thông nông thôn( GTNT) bằng bê tông xi măng theo kế hoạch tỉnh cấp với tổng chiều dài 13,93km, đáp ứng tiến độ đề ra.

Cùng với Phù Ninh, thực hiện khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư và kinh doanh được tỉnh tập trung chỉ đạo, đạt được những kết quả quan trọng. Nhiệm vụ trọng tâm về giải phóng mặt bằng được cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo quyết liệt, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, đầu tư tư nhân trọng điểm. Trong năm cơ bản hoàn thành mặt bằng cao tốc Tuyên Quang- Phú Thọ, đường liên vùng Phú Thọ - Yên Bái, thực hiện các dự án thuộc kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025, trong đó 18 tuyến đường kết nối các KCN, vùng nguyên liệu với các tuyến giao thông quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Không chỉ tập trung triển khai các dự án trọng điểm, chiến lược ở khu vực trung tâm, thành thị mà tỉnh còn đặc biệt chú trọng, quan tâm đầu tư hạ tầng giao thông ở các địa bàn vùng nông thôn, miền núi. Đến nay, tỉ lệ cứng hóa đường GTNT của tỉnh tăng nhanh, làm thay đổi bộ mặt nông thôn (năm 2010 đạt 26,6%, năm 2022 dự kiến đạt tỉ lệ 74%).

Năm 2022, Phú Thọ đã thu hút được 75 dự án, vốn đăng ký trên 29 nghìn tỉ đồng, trong đó 10 dự án FDI, vốn đăng ký 500 triệu USD, 65 dự án DDI, vốn đăng ký 17 nghìn tỉ đồng, tạo động lực, bổ sung năng lực tăng thêm, đóng góp tăng trưởng cao trong thời gian tới. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 10,4 nghìn doanh nghiệp, đạt gần 95% mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Giao thông thuận tiện cũng là cơ hội để tỉnh tăng cường hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển các dự án du lịch, dịch vụ trọng điểm ở thành phố Việt Trì và các huyện: Tam Nông, Thanh Thủy, Hạ Hòa, Tân Sơn… Nhờ đó, trong năm, hoạt động du lịch phục hồi và có nhiều khởi sắc, doanh thu du lịch ước đạt 2.650 tỉ đồng.

Năm 2023 được xác định là năm bản lề, có ý nghĩa quan trọng trong phấn đấu hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm năm 2021-2025. Để đạt mục tiêu phát triển hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và an toàn cần tiếp tục xác định giải phóng mặt bằng là nhiệm vụ trọng tâm, phấn đấu năm 2023 bàn giao được 300ha mặt bằng sạch để xây dựng hạ tầng KCN, CCN, hạ tầng giao thông... Quyết liệt thực hiện các dự án trọng điểm, nhất là đối với 12 dự án giao thông kết nối liên vùng, liên huyện, giao thông đối ngoại. Các dự án hạ tầng giao thông được lựa chọn và phân kỳ đầu tư trong thời gian tới sẽ là giải pháp hiệu quả để tiếp tục tạo nên diện mạo mới cho hạ tầng giao thông tỉnh, tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh, bền vững.

Thanh Nga

Lượt xem: 440
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 524
Hôm qua : 897