Quy hoạch Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045

 

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ.

Ngày 15/4, Bộ Công thương đã tổ chức hội nghị trực tuyến thực hiện Đề án quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đồng chí Lê Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ dự và chỉ đạo hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ có lãnh đạo Sở Công thương và các ngành liên quan.

Theo báo cáo của Bộ Công thương, Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2016 – 2020 (Quy hoạch điện VII) và quy hoạch điện VII điều chỉnh đã cơ bản bảo đảm được cân đối về an ninh năng lượng Quốc gia. Cung cấp điện cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội với chất lượng ngày càng được cải thiện. Quy mô nguồn điện của Việt Nam năm 2020 tăng gần 2 lần so với năm 2015, đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và đứng thứ 23 trên thế giới. 99,47% người dân được cung cấp điện từ điện lưới Quốc gia. Việc sử dụng nguồn năng lượng tái tạo trong sản xuất điện phát triển mạnh, góp phần vào việc giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nhiều thành phần kinh tế đã tham gia đầu tư phát triển ngành điện, giảm gánh nặng từ đầu tư ngân sách. Các tổ chức, cá nhân ý thức hơn trong việc sử dụng năng lượng tiết kiệm…

Tuy nhiên, vẫn còn một số nguồn điện tại khu vực miền Bắc chậm tiến độ dẫn tới thiếu hụt công suất vào một số thời điểm. Năng lượng tái tạo phát triển nóng, quá quy hoạch vào cuối kỳ quy hoạch tại miền Trung và miền Nam. Tỉ lệ thực hiện lưới điện 500kV và 220kV chưa đạt yêu cầu quy hoạch dẫn đến quá tải tại một số khu vực…

Theo đề án, Quy hoạch điện VIII sẽ tập trung vào việc thực hiện chuyển đổi nhiên liệu từ than sang biomass và amoniac; giảm triệt để phát thải khí CO2 so với trước đây do không phát triển các nhà máy nhiệt điện than. Đồng thời tiếp tục thực hiện mạnh chuyển dịch năng lượng từ nguồn điện phát khí thải nhà kính sang các nguồn điện xanh. Khuyến khích phát triển mạnh các nguồn điện gió, điện mặt trời… trong đó tới năm 2030, các nguồn điện gió đạt 31,3% tổng nguồn điện. Tăng tính chủ động trong việc cung cấp điện, giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu...Theo tính toán, dự báo phụ tải công suất cực đại năm 2045 sẽ đạt 155.000 – 189.900MW; điện thương phẩm đạt khoảng 886,9 – 1.101,1 tỉ kWh, phù hợp với bối cảnh phát triển trong nước (đã xét đến mức thu nhập đầu người và bối cảnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế).

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cho biết: Quy hoạch điện VIII là quy hoạch ngành quốc gia rất quan trọng, cần phải sớm ban hành để làm cơ sở triển khai đầu tư xây dựng đồng bộ nguồn và lưới điện, bảo đảm vững chắc về an ninh cung ứng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững quốc phòng an ninh của đất nước. Vì vậy, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện Quy hoạch điện VIII  từ rất sớm và bài bản.

Phân tích về những hạn chế, tồn tại trong dự thảo Quy hoạch điện VIII, Bộ Công thương đã trình trước đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu các ngành liên quan phải tính được tổng công suất nguồn điện phù hợp để tránh lãng phí và phát huy hiệu suất của các nhà máy điện; lựa chọn điểm đặt nhà máy điện tại các địa phương hợp lý...

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành yêu cầu: Nhiều dự án trong Quy hoạch điện VII cần phải điều chỉnh, loại ra ngoài; một số dự án đã đưa vào Quy hoạch điện VIII trình Chính phủ vào tháng 3/2021 cần phải đưa ra khỏi quy hoạch nếu chưa hợp lý. Đồng thời các địa phương, đơn vị tiếp tục cho ý kiến, đề xuất về quá trình triển khai quy hoạch tổng nguồn công suất, phân bổ vùng, cơ cấu nguồn điện, hệ thống truyền tải điện... để có phương án phát triển điện lực tối ưu nhất…

Lượt xem: 1.305
Nguồn:Theo baophutho.vn Sao chép liên kết
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 129
Hôm qua : 1.181