Thảo luận về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Sáng 2/11, Quốc hội thảo luận tại Tổ về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Đồng chí Bùi Minh Châu - Ủy viên BCH Trung ương, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cùng các đại biểu tham gia thảo luận với Đoàn ĐBQH các tỉnh Lạng Sơn, Hà Nam, Thừa Thiên Huế.

Tại buổi thảo luận, đa số các đại biểu tán thành việc ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) và cho rằng đây là hoạt động cần thiết, kịp thời, không chỉ nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập đặt ra trong thực tiễn mà còn nhằm thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện thể chế về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các ý kiến chỉ rõ, sau 12 năm thi hành, Luật hiện hành đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, bao gồm các vấn đề liên quan đến tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả thực thi các quy định của Luật, sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, các ý kiến nhất trí với quan điểm của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương là nhóm người có đặc điểm và hoàn cảnh khiến họ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp xảy ra (nếu có) trong quá trình mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ...”. Đồng thời đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung đối tượng “người nghèo”, “người già không nơi nương tựa” vào nhóm người tiêu dùng dễ bị tổn thương.

Về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Cầm Hà Chung, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Phú Thọ cho biết: Người tiêu dùng chính là chủ thể góp phần làm thiếu lành mạnh thị trường khi chấp nhận đặt mua và sử dụng các sản phẩm làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn với giá rẻ. Đại biểu đề nghị bổ sung quy định “Người tiêu dùng không đặt mua, sử dụng những loại hàng hóa làm giả nhãn hiệu của các thương hiệu lớn gây thiệt hại cho doanh nghiệp và uy tín quốc gia”.

Về giải quyết tranh chấp, trong bốn phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và cá nhân, tổ chức kinh doanh được quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án) thì thương lượng, hòa giải là phương thức được sử dụng phổ biến nhất, chiếm 80% phương thức xử lý các vụ việc khiếu nại của người tiêu dùng. Tuy nhiên, kết quả thương lượng, hòa giải nhiều khi không được các bên nghiêm túc thực thi do giá trị pháp lý của biên bản thương lượng, hòa giải thành là không cao. Phương thức Trọng tài và Tòa án không được nhiều người tiêu dùng lựa chọn do thủ tục phức tạp, thời gian giải quyết vụ việc khá dài, chi phí cao trong khi giá trị các vụ việc vi phạm quyền lợi người tiêu dùng thường thấ. Các ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để tăng tính khả thi của các phương thức giải quyết tranh chấp, đặc biệt là phương thức Tòa án (thủ tục rút gọn) và Trọng tài…

Liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung cho ý kiến vào: ề sự cần thiết ban hành, phạm vi sửa đổi và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật; Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; về chứng thư điện tử; Về chữ ký điện tử; về dịch vụ tin cậy; Về giao kết và thực hiện hợp đồng điện tử; Về giao dịch điện tử của cơ quan nhà nước; Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử. Liên quan đến nội dung Hợp đồng điện tử, theo đại biểu Nguyễn Thành Nam - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ, Luật Công chứng 2014 chưa đề cập đến việc công chứng hợp đồng điện tử; hiện nội dung này được quy định tại Nghị định 85/2021 CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2013 của Chính phủ về thương mại điện tử. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, đánh giá để có quyết định thống nhất về việc công chứng hợp đồng điện tử, việc xử lý vi phạm pháp luật và giải quyết tranh chấp trong giao dịch thông qua hợp đồng điện tử.

Chiều cùng ngày, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). Việc sửa đổi Nội quy kỳ họp Quốc hội tại kỳ họp này đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ lập pháp được xác định tại Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 05/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Lượt xem: 277
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 190
Hôm qua : 1.181