Tiết kiệm năng lượng, hướng đến nền kinh tế xanh

Ngày 1/4/2020, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 1328/KH-UBND thực hiện Chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020 - 2030, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Mục đích của Kế hoạch là tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các văn bản quy phạm có liên quan đến công tác sử dụng, tiêu thụ năng lượng trên địa bàn; huy động mọi nguồn lực cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Qua đó hình thành thói quen sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong mọi hoạt động của xã hội. Thực hiện và triển khai theo Kế hoạch, trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã đạt những kết quả khả quan, góp phần vào mục tiêu phấn đấu đạt mức tiết kiệm năng lượng 3,0 - 5,0% tổng tiêu thụ năng lượng toàn tỉnh so với dự báo hiện nay.

Kỳ I: Giảm chi phí, tăng hiệu quả

Dây chuyền sản xuất phân bón NPK-S của Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao.

Phú Thọ là một trong những địa phương có nền công nghiệp phát triển khá mạnh so với các tỉnh ở khu vực phía Bắc. Đây là lĩnh vực tiêu tốn rất nhiều năng lượng, chủ yếu là năng lượng điện, than và xăng dầu. Cùng với sản xuất công nghiệp, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh nhiều công trình xây dựng cơ sở hạ tầng được đầu tư quy mô lớn. Số lượng các tòa nhà cao tầng tăng lên, các bệnh viện, công sở, trường học... được đầu tư sửa chữa, xây mới theo hướng hiện đại. Tại các đô thị, thị trấn, thị xã, các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ được lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng ngày càng tăng, dẫn đến nguồn năng lượng chủ yếu trong lĩnh vực này là điện năng cũng tăng theo. Vì thế tiết kiệm năng lượng trong ngành công nghiệp đặt ra yêu cầu bức thiết.

Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật

Là một trong những đơn vị sản xuất phân bón lớn, Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao luôn đi đầu trong các phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật. Đến nay, đã có hàng trăm sáng kiến được ứng dụng vào sản xuất, làm lợi cho Công ty hàng chục tỷ đồng. Trong đó có nhiều sáng kiến hướng đến mục tiêu tiết kiệm năng lượng trong sản xuất.

Năm 2023, đề tài “Nghiên cứu và triển khai lắp đặt cải tạo thiết bị nhằm nâng cao hiệu suất vê viên dây chuyền NPK 1 từ 67% lên 75% góp phần nâng ca năng suất dây chuyền và hình thức hạt sản phẩm tiết kiệm chi phí điện, nhân công và nhiệt sấy sản phẩm” đã được giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh.

Xuất phát từ thực tế tại Công ty, dây chuyền NPK 1 đang sản xuất các loại sản phẩm NPK được tạo hạt bằng đĩa vê viên, sử dụng nước tuần hoàn của bể hấp thụ xử lý khí thải, có bổ sung nước mạng chung của Công ty. Tuy nhiên hiệu suất vê viên thấp dẫn đến định mức sử dụng năng lượng/tấn sản phẩm tăng cao do quá trình sấy, làm nguội, sàng sản phẩm và nghiền cục hồi lưu, đồng thời phát sinh bụi ảnh hưởng đến môi trường. Hình thức hạt sản phẩm không tròn đều, nhiều hạt méo, kích thước hạt không đồng đều.

Đồng chí Triệu Đăng Định - Phó trưởng Phòng Kỹ thuật cho biết: “Sau quá trình nghiên cứu khảo sát, đánh giá thực tế nhóm sáng kiến đã đề xuất cải tạo, bổ sung hoàn thiện thiết bị nhằm nâng cao hiệu suất vê viên tạo hạt tại Dây chuyền NPK 1. Với những sự cải tiến về kỹ thuật cũng như các thiết bị máy móc, sau khi đầu tư hệ thống thiết bị và vận hành ổn định đã nâng cao được hiệu suất vê viên tạo hạt NPK từ 67% lên 75% dải hạt từ 2÷4mm. Giảm đáng kể hiện tượng bám dính đáy đĩa, là nguyên nhân tạo nên những cục có kích thước lớn làm giảm năng suất dây chuyền. Góp phần nâng cao năng suất dây chuyền, cải thiện hình thức hạt sản phẩm NPK, giảm tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu, phát tán bụi”.

Bám sát các định hướng của Chính phủ, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM) đã xây dựng Chương trình sử dụng các chất thải phát sinh từ đời sống xã hội và từ các ngành công nghiệp (như rác thải rắn công nghiệp, rác thải nguy hại, chất thải nhựa, rác thải sinh hoạt, bùn thải nạo vét sông hồ, tro xỉ ngành nhiệt điện, xỉ luyện kim...) làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế cho việc sử dụng các tài nguyên thiên nhiên không tái tạo như than đá, đá vôi, đất sét...

Thực hiện chỉ đạo của Tổng Công ty Xi măng Việt Nam, Công ty Cổ phần Xi măng VICEM Sông Thao đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, cải tiến sáng kiến kỹ thuật và ứng dụng thành quả vào sản xuất. Trong đó đề tài “Nghiên cứu sử dụng tận thu than thải làm nhiên liệu phục vụ nung luyện Clinker” của Công ty đã vượt qua nhiều đề tài để giành giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh năm 2023.

Công ty Cổ phần xi măng VICEM Sông Thao ứng dụng các đề tài khoa học vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, bảo vệ môi trường.

Đối với ngành công nghiệp sản xuất xi măng, than là một loại nhiên liệu không thể thiếu. Tuy nhiên, trong điều kiện thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, nguồn nhiên liệu này đang ngày càng cạn kiệt, thị trường than thế giới có nhiều biến động mạnh, khó khăn và nhiều rủi ro. Đứng trước những khó khăn về sự khan hiếm nguồn nhiên liệu than và giá thành ngày càng tăng cao, gây ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, thì việc nghiên cứu tận thu lượng than thải ra trong quá trình nghiền sẽ là một bài toán vừa đem lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần bảo vệ môi trường. Do vậy đầu năm 2021, Đề tài “Nghiên cứu sử dụng tận thu than thải làm nhiên liệu phục vụ nung luyện Clinker” đã được nhóm tác giả Công ty Cổ phần xi măng VICEM Sông Thao nghiên cứu và ứng dụng.

Đồng chí Nguyễn Ngọc Xuân-Trưởng Phòng thí nghiệm cho biết: “Khi sử dụng than thải tiết kiệm được nguồn nhiệt năng còn dư địa trong than thải quay trở lại cho quá trình nung luyện Clinker từ đó sẽ giảm được nhiệt năng đưa vào quá trình nung luyện Clinker. Mặt khác, tỷ lệ sử dụng các nguyên liệu điều chỉnh cho bài phối liệu đều giảm; chất lượng Clinker đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật. Từ thành công của giải pháp này, hiện nay, Công ty Cổ phần xi măng VICEM Sông Thao đang nghiên cứu sử dụng than nhiệt trị thấp thay thế một phần than trong quá trình nung luyện clinker đem lại hiệu quả kinh tế cao”.

Thiết thực, hiệu quả

Trong bối cảnh nhu cầu năng lượng cho sản xuất và đời sống ngày càng tăng, tăng trưởng phụ tải điện liên tục ở mức cao, các nguồn tài nguyên than, dầu, khí đang dần cạn kiệt, phụ thuộc lớn vào nhập khẩu... sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả là giải pháp thiết thực, góp phần quan trọng bảo đảm an ninh năng lượng, phát triển kinh tế gắn với sản xuất xanh. Trong hành trình đó, nhiều doanh nghiệp đã và đang tích cực thực hành tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng sạch trong sản xuất.

Các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả được doanh nghiệp triển khai như: Bố trí quy trình sản xuất khoa học nhằm giảm tổn thất điện năng; cải tiến máy móc kỹ thuật, nâng cao hiệu suất hoạt động; áp dụng biện pháp cải tiến công nghệ, hợp lý hoá quá trình đốt nhiên liệu, gia nhiệt, làm lạnh và chuyển hoá nhiệt năng; giảm tổn thất nhiệt và điện năng trong quá trình truyền tải, phân phối, tiêu thụ điện năng; thu hồi năng lượng của chu trình thải để tái sử dụng...

Đồng chí Nguyễn Ngọc Linh-Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xi măng VICEM Sông Thao cho biết: Khi ứng dụng đề tài “Nghiên cứu sử dụng tận thu than thải làm nhiên liệu phục vụ nung luyện Clinker” đã tận thu được nguồn than thải ra trong quá trình nghiền than tránh lãng phí, đa dạng hóa nguồn nhiên liệu giúp đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh nguồn cung cấp than khan hiếm và giá than liên tục tăng mạnh. Về hiệu quả kinh tế, từ khi ứng dụng đã tiết kiệm cho doanh nghiệp trên 1 tỷ đồng mỗi năm”.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, một số nhà máy đã đầu tư sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng sinh học. Đặc biệt tại khu vực nông thôn đã có nhiều gia đình xây dựng mô hình hầm khí Biogas tiết kiệm năng lượng, lắp đặt bình nước nóng năng lượng mặt trời.

Trong công nghiệp, một số ngành chế biến nông sản như chế biến chè từ các lò thủ công; công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng còn sử dụng một số nguồn năng lượng từ cao su phế thải, nhựa, PE, PP... (như Công ty CP CTH, Công ty CP Giấy Việt Trì...) hoặc sử dụng sản phẩm lâm nghiệp như củi, mùn cưa thay thế than, dầu.

Phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, trên địa bàn tỉnh đang triển khai xây dựng 1 nhà máy xử lý rác thải kết hợp phát điện với tổng công suất 18MW, phát triển trên 200 hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất trên 3.100kWp.

Hiện nay, các ngành chức năng của tỉnh đã và đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng, chuyển giao, làm chủ, phát triển công nghệ về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; lồng ghép lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả vào các chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; tư vấn, hỗ trợ cho doanh nghiệp các giải pháp tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng; xây dựng các mô hình quản lý năng lượng, hỗ trợ kiểm toán năng lượng.

Mới đây, hội thảo tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cho các doanh nghiệp công nghiệp sử dụng năng lượng lớn do Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công thương, Sở Công Thương phối hợp với Công ty Điện lực Phú Thọ tổ chức đã phổ biến, nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả chủ trương về sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Từ đó, giúp doanh nghiệp thực hiện tốt kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm toán năng lượng.

Các đại biểu dự Hội thảo được tuyên truyền, phổ biến nội dung chính của Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; đồng thời được giới thiệu về giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời thân thiện với môi trường. Cùng với nâng cao quản trị doanh nghiệp, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là giải pháp quan trọng, giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi thế cạnh tranh. Đây cũng là giải pháp tạo điều kiện để doanh nghiệp hướng đến mục tiêu sản xuất xanh, bền vững.

Kỳ II: Yêu cầu từ thực tiễn

Thu Hà

Lượt xem: 6
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 235
Hôm qua : 1.027