Khoa học và công nghệ - “vắc xin” của doanh nghiệp trong đại dịch

Công nhân Công ty CP Cơ khí đúc Việt Nam vận hành máy hấp xốp - một công đoạn trong dây chuyền sản xuất của doanh nghiệp.

 

 Đại dịch COVID-19 đã và đang khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm lao động, thậm chí là phải tạm dừng hoạt động. Do vậy, để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất kinh doanh thì vấn đề đầu tư cho khoa học công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo là xu thế tất yếu.

 

Đi trước, đón đầu

 

Ngày 31/8/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định “Phê duyệt Chương trình Quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030”. Theo đó, mục tiêu chung của chương trình là hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên cơ sở áp dụng các giải pháp về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng. Từ đó, nâng tỉ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Từ năm 2017, hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001:2015 được triển khai, áp dụng vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Công ty CP Cơ khí đúc Việt Nam (KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì). Sau 5 năm, việc tiêu chuẩn hóa toàn bộ hoạt động quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất kinh doanh và được chứng nhận theo ISO 9001:2015 đã mang lại rất nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Hệ thống ISO 9001:2015 hoạt động trên cơ sở tự động hóa quy trình quản lý của doanh nghiệp, hỗ trợ trong việc đảm bảo đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Cơ khí đúc Việt Nam cho biết: “Trước đây, với những đơn hàng xuất khẩu có nhiều chi tiết khó, đòi hỏi tiêu chuẩn kỹ thuật cao, doanh nghiệp làm thủ công nên chất lượng còn kém. Từ khi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001: 2015, chất lượng sản phẩm được nâng lên rõ rệt. Doanh nghiệp nay đã tự tin làm những đơn hàng khó để xuất khẩu”. 

Bên cạnh việc trang bị hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, cải tiến kỹ thuật cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm. Từ đầu năm 2020, Công ty TNHH Phú Đạt Việt Nam (KCN Thụy Vân, thành Phố Việt Trì) đã đổi mới dây chuyền sản xuất máy kéo sợi PPPE. Trên nền tảng công nghệ đã có, dây chuyền có sự cải tiến hệ thống thay lưới, trộn tự động tạo ra thành phẩm hình thức mẫu mã đẹp, tỉ lệ phế liệu ít và khối lượng tăng lên. Ông Nguyễn Tiến Dũng - Kế toán trưởng Công Ty TNHH Phú Đạt Việt Nam cho biết: “Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm chi phí nhân công, doanh nghiệp đã có sự đầu tư cải tiến về kỹ thuật sản xuất. Theo đó, dây chuyền mới sẽ cho công suất cao hơn 30%”.

 

Những đổi mới về cơ chế, chính sách

 

Triển khai những quy định hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới hiện đại hóa công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên phát triển trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2013-2020, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ 89 doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh đầu tư, đổi mới công nghệ với tổng kinh phí hỗ trợ trên 22 tỉ đồng. Trong năm 2021, trên địa bàn tỉnh đã và đang triển khai 20 dự án KH&CN cấp Quốc gia. Các dự án đã chuyển giao, ứng dụng cho 53 quy trình công nghệ vào sản xuất và đời sống, đào tạo 69 kỹ thuật viên và tập huấn cho gần 2.000 người dân nắm bắt được các quy trình công nghệ tiên tiến về kỹ thuật canh tác nông nghiệp sạch theo hướng bền vững. 

Đối với doanh nghiệp, hoạt động đổi mới công nghệ đã mang lại hiệu quả rất lớn. Tình hình sản xuất, kinh doanh có sự tăng trưởng cả về doanh thu và tính cạnh tranh của sản phẩm đồng thời tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Tổng doanh thu của doanh nghiệp đổi mới công nghệ tăng 43,7%, thu nhập của người lao động tăng 24,8% (từ 6,5 triệu đồng/người/tháng lên 9 triệu đồng/người/tháng), nộp ngân sách Nhà nước tăng 30,3%.

Ngoài ra, hoạt động hỗ trợ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ và xây dựng, phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, các sản phẩm OCOP của tỉnh cũng được đẩy mạnh và mang lại nhiều kết quả. Giai đoạn 2014-2020, có 30 doanh nghiệp, HTX được hỗ trợ, công bố áp dụng tiêu chuẩn cơ sở cho các sản phẩm hàng hóa; 50 lượt doanh nghiệp thực hiện đăng ký sử dụng mã số, mã vạch và ghi nhãn cho sản phẩm theo quy định của pháp luật. 

Qua từng giai đoạn, các chính sách hỗ trợ của tỉnh cũng được bổ sung, hoàn thiện. Trong “Kế hoạch hỗ trợ, chuyển giao tiến bộ KHCN vào đời sống và sản xuất giai đoạn 2020-2025”, những lĩnh vực được hỗ trợ có sự cụ thể hóa so với giai đoạn trước bao gồm: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản; tiểu thủ công nghiệp; y dược và chăm sóc sức khỏe nhân dân; công nghệ thông tin và truyền thông... Giải pháp thực hiện được đề cập rõ ràng, nhất quán và tích hợp giữa nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, tập huấn với huy động tối đa các nguồn lực, đa dạng hóa nguồn vốn cho các hoạt động chuyển giao, khuyến khích huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách đến từ doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và người dân tham gia vào chương trình. 

Đồng chí Khổng Danh Đạt - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho biết: “Trong giai đoạn 2021-2025, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các giải pháp hỗ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm dựa trên nền tảng KHCN và đổi mới sáng tạo. Trong đó, tập trung vào các nội dung: Hỗ trợ doanh nghiệp, HTX tiếp nhận công nghệ mới, xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN trong các lĩnh vực có lợi thế theo định hướng của tỉnh; tư vấn các doanh nghiệp, HTX áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng, hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, thực hành nông nghiệp tốt G.A.P; nông nghiệp hữu cơ, năng suất xanh đồng thời tạo lập, quản lý, khai thác và phát triển sở hữu trí tuệ đối với các sản phẩm, hàng hóa chủ lực, sản phẩm hàng hóa đặc thù, có lợi thế của tỉnh và các sản phẩm OCOP; khai thác sáng chế, giải pháp hữu ích được bảo hộ”.

Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, việc chủ động đầu tư, đổi mới KHCN được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phục hồi nhanh hơn trước sức tàn phá của đại dịch COVID-19, đóng góp những “gam màu tươi sáng” vào bức tranh kinh tế trong bối cảnh bình thường mới như hiện nay.

Lượt xem: 1.424
Nguồn:Theo baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 129
Hôm qua : 1.194