Doanh nghiệp Việt đang trong cơ hội làm nên lịch sử, giờ chỉ cần “gió Đông”
“Cơ hội lịch sử” đang được nhiều doanh nhân nhắc đến khi nói về cơ hội đầu tư - kinh doanh năm 2024. Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đây là thời điểm doanh nhân Việt thể hiện rõ vai trò là “một trong những lực lượng nòng cốt” đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam |
CƠ HỘI LỊCH SỬ
“Khí thế của giới kinh doanh nước ngoài, nhất là các tập đoàn lớn, đang rất phấn chấn khi nhìn Việt Nam”, Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư khi bắt đầu cuộc trao đổi trước thềm năm mới 2024. Cuối năm 2023, lịch làm việc của Chủ tịch VCCI dày đặc cuộc gặp, làm việc với đại sứ các nước tại Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng như nhiều nhà đầu tư nước ngoài.
“Nhiều nhà đầu tư có mặt tại Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) tại San Francisco (Mỹ) vào cuối tháng 11/2023 đã chia sẻ với tôi, họ đang cảm nhận được cảm hứng phát triển của Việt Nam, cảm nhận được cơ hội lớn trong đầu tư - kinh doanh tại Việt Nam khi nghe bài phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng. Bối cảnh thế giới hiện có nhiều khó khăn, biến động bất thường, nhưng chính vì vậy đang tạo ra cơ hội lịch sử cho Việt Nam tranh thủ được tham gia và tạo vị thế mới trong các chuỗi giá trị quốc tế. Và đây cũng là cơ hội lịch sử của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam”, ông Công chia sẻ.
Thưa ông, năm 2024 đang được dự báo là một năm thách thức với cộng đồng kinh doanh Việt Nam khi kinh tế thế giới có thể phục hồi chậm, khó khăn trong hoạt động sản xuất - kinh doanh còn rất lớn. Vào thời điểm này, các doanh nghiệp, doanh nhân đang chia sẻ điều gì?
Sẽ tiếp tục là một năm khó khăn, các doanh nghiệp cũng nhắc đến điều này. Chúng ta cứ ngỡ Covid -19 là “cơn động đất” kinh hoàng rồi, nhưng không ngờ sau đó là những đợt sóng thần càn quét kinh tế toàn cầu và trong nước.
Năm 2023, Việt Nam lần đầu ghi nhận tăng trưởng xuất khẩu âm, nhiều doanh nghiệp khó khăn, tỷ lệ doanh nghiệp phải tạm dừng không hề nhỏ… Tuy vậy, phải khẳng định rằng, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam vô cùng lớn. Nhiều doanh nghiệp đã cố gắng duy trì hoạt động, giữ việc làm, thu nhập cho người lao động...
Nhưng điều mà các doanh nghiệp đang muốn nói nhiều hơn lại là cơ hội lịch sử để doanh nghiệp Việt Nam bước chân ra thế giới trong vị thế là đối tác xứng tầm với các doanh nghiệp toàn cầu, là khả năng tận dụng cơ hội lịch sử của nền kinh tế khi quan hệ đầu tư, thương mại với các nền kinh tế lớn nhất thế giới, gồm Hoa Kỳ, Trung Quốc được hy vọng cải thiện mạnh mẽ nhờ nâng cấp quan hệ ngoại giao. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam đã tự tin bắt tay với các đối tác chiến lược hàng đầu thế giới trong lĩnh vực công nghệ, AI…
Không phải bây giờ, cơ hội hợp tác, làm ăn với các doanh nghiệp quốc tế mới xuất hiện, nhưng khi nội lực chưa đủ, sẽ không thể nói đến khả năng tận dụng. Đây là lý do mà khi nhìn lại thời điểm Việt Nam mở cửa vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước, thời điểm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007, chúng ta vẫn hay nói đến những cơ hội bị bỏ lỡ.
Lần này, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đã có những bước tiến mạnh mẽ về trình độ, năng lực từng bước tiệm cận khu vực và thế giới. Họ đang nói đến khát vọng và sứ mệnh hướng tới mục tiêu đưa nền kinh tế Việt Nam gia nhập nhóm quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Ngay sau khi Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới được ban hành, nhiều doanh nhân đã nói đến vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt trong thực hiện các nhiệm vụ trọng đại của đất nước, trong việc xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập - tự chủ. Cơ hội để thực hiện khát vọng lớn của cộng đồng doanh nhân Việt Nam đang có điểm tựa vững chắc, thưa ông?
Về tư tưởng, giới doanh nhân đang nhìn thấy cơ hội lịch sử cho cho Việt Nam phát triển và mong muốn Đảng, Chính phủ quan tâm có các giải pháp mạnh, kịp thời để nắm bắt được cơ hội lịch sử này, tạo cú bật mới về tăng trưởng kinh tế. Đề đạt được, khát vọng của doanh nhân là không đủ.
Chính vì vậy, Nghị quyết 41-NQ/TW được đón nhận như là điểm tựa vững chắc khi gắn mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân với mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xác định có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong ngành, lĩnh vực then chốt, một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp…
Vì, so với thời điểm Nghị quyết 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế được ban hành, vào năm 2011, bối cảnh, tình hình trong nước, quốc tế đã thay đổi sâu sắc. Vai trò, vị thế của Việt Nam cũng được nâng cao khi đứng 37 thế giới về quy mô GDP, thứ 20 thế giới về tổng kim ngạch xuất nhập khẩu, là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do…
Đặc biệt, mục tiêu phát triển của đất nước được xác định ở một tầm cao mới, đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Bản thân đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng đã có sự chuyển biến mạnh mẽ, đông đảo, với trên 900.000 doanh nghiệp, hơn 5,1 triệu hộ kinh doanh, gần 30.000 hợp tác xã…
Tuy nhiên, cũng phải nói rõ, mọi mục tiêu sẽ không thể đạt được nếu việc tổ chức thực hiện không được triển khai nghiêm túc, đầy đủ ở các cấp, các ngành. Ngay trong Nghị quyết 41 cũng đã đặt yêu cầu chặt chẽ trong tuyên truyền, phổ biến, quán triệt và nhất là xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết.
VCCI đang triển khai nhiệm vụ được giao là tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển. Đặc biệt, nhiệm vụ xây dựng, vận động, thúc đẩy khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hóa kinh doanh được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của VCCI vì lợi ích sát sườn của cộng đồng doanh nghiệp.
Trong quý đầu năm 2024, các chương trình đào tạo doanh nhân Việt Nam đầu tiên sẽ được bắt đầu với sự tham gia của các đối tác của VCCI ở Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc). Mới đây nhất, chúng tôi đã làm việc với đặc phái viên của Thủ tướng Anh, đã nhận được sự đồng thuận trong hợp tác đào tạo doanh nhân Việt Nam…
Trong cơ hội lịch sử, chúng ta cần thế hệ doanh nhân đủ tầm để khai phá, tận dụng được.
“CHỈ ĐỢI GIÓ ĐÔNG”…...
Cách đây hơn 1 tháng, tại Hội nghị Gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp và giới doanh nhân toàn quốc năm 2023, phát triển đội ngũ doanh nhân, về liên kết, hợp tác doanh nghiệp và các hiệp hội doanh nghiệp, về vai trò và trách nhiệm của giới doanh nhân trong phát triển doanh nghiệp và cống hiến xây dựng đất nước Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu và khát vọng phát triển đất nước mà Đại hội XIII của Đảng đã đề ra là chủ đề được thảo luận.
Những yêu cầu về hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh tiếp tục được đặt ra như chìa khóa thúc đẩy tinh thần kinh doanh, niềm tin kinh doanh đang có phần trồi sụt sau những khó khăn, bất ổn của nền kinh tế cũng như trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Có phải những thách thức trong môi trường kinh doanh tiếp tục làm khó doanh nghiệp trong thực hiện vai trò, vị thế mới?
Đúng là muôn việc đủ cả, giờ chỉ đợi “có gió đông”. Chủ trương phát triển doanh nghiệp, doanh nhân đã có, môi trường kinh doanh Việt Nam chưa phải là tốt nhất, nhưng nằm trong nhóm tốt. Cơ hội phát triển mở rộng… Lúc này, có tinh thần kinh doanh, tinh thần vì sự phát triển trở lại, chắc chắn sẽ lập kỳ tích.
Hiện nay, chúng ta có nhiều khó khăn, nhưng thời kỳ đầu đổi mới nước ta còn khó khăn hơn nhiều, khi đó doanh nhân vốn liếng nhỏ bé, kiến thức, kinh nghiệm thị trường không có gì, còn cán bộ cũng đầy bỡ ngỡ với kinh tế thị trường, nhưng chính sự hưng phấn cùng tinh thần kinh doanh lập nghiệp, dám nghĩ, dám làm đã giúp Việt Nam đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số và thoát khỏi đói nghèo.
Sức mạnh tinh thần luôn là nguồn lực vô tận, một thế mạnh truyền thống của con người Việt Nam, cả trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nếu chúng ta giải phóng được sức mạnh tinh thần lúc này, tạo ra sự hưng phấn kinh doanh trong doanh nhân, hưng phấn dám nghĩ, dám làm trong cán bộ, chúng ta sẽ chớp được cơ hội lịch sử mà thế giới đang tạo ra cho Việt Nam và chắc chắn mục tiêu tăng trưởng kinh tế cùng khát vọng trở thành quốc gia phát triển sẽ thực hiện được.
Nói gọn lại, các doanh nhân đang mong chờ sự hưng phấn trở lại.
VCCI sẽ tiếp tục đấu tranh vì điều này?
VCCI có tiếp tục chiến đấu vì môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp, như mục tiêu mà Nghị quyết 41 đã đặt ra, như đã góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhưng nếu chỉ riêng VCCI, riêng doanh nghiệp hay riêng một đơn vị, tổ chức sẽ không thể làm được, mà cần sự chung tay, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Khi từng cán bộ công chức, mỗi bộ, ngành, địa phương, cơ quan quản lý nhà nước nghĩ đến việc làm thế nào để thúc đẩy tinh thần kinh doanh, để doanh nghiệp không chùn bước trước khó khăn, lấy đó làm mục tiêu xử lý công việc, “gió đông” sẽ nổi, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam sẽ tạo nên kỳ tích, cùng với nền kinh tế sớm thoát khỏi nhóm nước thu nhập trung bình thấp…