Đồng hành cùng công nhân trong mùa dịch

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh, Công đoàn các KCN tỉnh trao tặng trang thiết bị phòng, chống dịch COVID-19 cho đoàn viên, CNLĐ Công ty TNHH công nghệ Namuga Phú Thọ.

 

(baophutho.vn) - Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch bệnh COVID-19 đã bùng phát bốn lần, tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp trên cả nước nói chung và tỉnh Phú Thọ nói riêng. Nhiều công ty không nhập được nguyên liệu để sản xuất, có những doanh nghiệp dù đã nỗ lực duy trì hoạt động nhưng lại không thể xuất khẩu hàng hóa, đời sống của người lao động gặp không ít khó khăn. Thời gian qua, các cấp Công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, đồng hành cùng đoàn viên, công nhân lao động từng bước khắc phục khó khăn, tích cực lao động sản xuất gắn với công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

 

Đẩy mạnh tuyên truyền

Chung tay cùng với các cấp, các ngành đẩy lùi dịch bệnh COVID-19, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của đoàn viên, CNLĐ trong phòng, chống dịch, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh đã chỉ đạo các cấp Công đoàn tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong bám nắm tình hình từ cơ sở, đẩy mạnh tuyên truyền tới CNLĐ chủ động, nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng khuyến cáo 5K của Bộ Y tế mọi lúc, mọi nơi; không lơ là, chủ quan, không hoang mang trước những thông tin không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội để chủ động ứng phó với dịch trong mọi tình huống. Các Công đoàn cơ sở (CĐCS) chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, chuyên môn đồng cấp và người sử dụng lao động tập trung rà soát, xây dựng các phương án phòng, chống dịch cho đoàn viên, người lao động…

Tại KCN Thụy Vân - KCN lớn nhất của tỉnh, tập trung đông CNLĐ, trong bối cảnh dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, thông qua các ứng dụng mạng xã hội, Công đoàn các KCN đã thành lập các nhóm công đoàn để cập nhật tình hình từ cơ sở, đồng thời thông báo và triển khai nhiệm vụ tới các CĐCS trực thuộc. Các doanh nghiệp đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp phòng dịch như: Khai báo y tế, phun thuốc khử khuẩn, kiểm soát, đo thân nhiệt người ra vào làm việc tại đơn vị, bố trí CNLĐ làm việc luân phiên, tuyên truyền CNLĐ giữ khoảng cách, không tập trung đông người, nghỉ giải lao tại chỗ, đeo khẩu trang trong quá trình làm việc, rửa tay sát khuẩn trước khi ra, vào công ty và trước khi ăn… tích cực tuyên truyền tới 100% CNLĐ chủ động trong phòng, chống dịch để bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Chị Vũ Thị Tuyết Lan- Chủ tịch CĐCS Công ty TNHH Công nghệ Cosmos1 cho biết: Hầu hết CNLĐ trong Công ty đều có điện thoại smartphone nên ngoài hình thức tuyên truyền trên loa phát thanh, chúng tôi còn nhắn tin tuyên truyền qua hệ thống zalo; thường xuyên cập nhật tin tức về tình hình dịch bệnh trong tỉnh qua Báo Phú Thọ, Đài PT-TH tỉnh; các triệu chứng, nguy cơ cũng như các biện pháp phòng dịch đăng tải trên trang Facebook của Công ty để mọi người có thể dễ dàng theo dõi, tìm hiểu và thực hiện. Nhờ đó 100% CNLĐ trong Công ty đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch cả trong và ngoài khu vực làm việc.

Không chỉ riêng KCN Thụy Vân, tại các khu, cụm CN trong tỉnh, ngoài tuyên truyền qua pa nô, áp phích, tờ rơi, tờ gấp, mạng xã hội, các cấp Công đoàn còn tổ chức tuyên truyền lưu động tới toàn thể đoàn viên, CNLĐ và quần chúng nhân dân chú trọng trong công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng, chống dịch bệnh, góp phần đảm bảo môi trường làm việc an toàn.

 Sát cánh cùng công nhân lao động

Thời gian đầu, dưới tác động của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, CNLĐ không có việc làm, giảm thu nhập… Đối với những CNLĐ xa quê lên thành phố làm việc phải thuê nhà ở lại càng thêm phần khó khăn. Nhằm giúp đỡ CNLĐ đang phải thuê nhà ở bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, LĐLĐ tỉnh đã vận động các chủ nhà trọ giảm tiền thuê phòng cho CNLĐ và nhận được sự đồng thuận của nhiều chủ trọ xung quanh KCN Thụy Vân, thành phố Việt Trì như ông Phùng Văn Thảo ở xã Thụy Vân, chị Bùi Thị Tiến ở xã Thanh Đình. Được biết, thời điểm đó gia đình ông Thảo có gần 40 phòng trọ cho thuê với giá 500.000 đồng/phòng/tháng. Dù khu trọ chưa có trường hợp CNLĐ phải trả phòng để về quê nhưng việc làm cũng phần nào bị ảnh hưởng. Khi được LĐLĐ tỉnh tuyên truyền, vận động, gia đình ông đã quyết định giảm từ 20-30% tiền thuê phòng cho những trường hợp CNLĐ khó khăn và gia đình có con nhỏ. 


     Thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa đẩy mạnh sản xuất, không ít doanh nghiệp trong tỉnh đã xây dựng phương án cho CNLĐ làm việc luân phiên, giảm bớt thời gian trong ca để đảm bảo toàn thể CNLĐ trong công ty đều có việc làm. Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho NLĐ, nhiều CĐCS đã chủ động đăng ký, phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức khám sàng lọc và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho CNLĐ, tiêu biểu như: Công ty TNHH Alim Global (huyện Thanh Thủy); Công ty TNHH Cima Việt Nam, Công ty TNHH may Hoa Sen Phú Thọ (huyện Phù Ninh); các công ty tại KCN Thụy Vân (thành phố Việt Trì)… 


Tháng 5 vừa qua, trong đợt dịch bùng phát lần thứ tư, vì trong doanh nghiệp có công nhân mắc COVID-19 nên nhiều CNLĐ Công ty TNHH Công nghệ Namuga Phú Thọ (KCN Thụy Vân) trở thành các đối tượng F1, F2, F3. Vừa phải nhanh chóng khống chế dịch, vừa duy trì sản xuất song Ban chấp hành CĐCS vẫn luôn quan tâm đời sống của NLĐ; tham mưu với Ban lãnh đạo Công ty hỗ trợ chi phí và trả lương đầy đủ cho 24 CNLĐ là F1 trong thời gian thực hiện cách ly y tế tập trung nhằm chia sẻ khó khăn, ổn định tâm lý của CNLĐ.

Thực hiện Quyết định 2606/QĐ-TLĐ của Tổng LĐLĐ Việt Nam về việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 trong đợt bùng phát dịch lần thứ tư, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Công đoàn rà soát, tổng hợp danh sách đoàn viên, CNLĐ thuộc đối tượng để xem xét và có quyết định hỗ trợ kịp thời cho trên 300 đoàn viên, CNLĐ với số tiền gần 300 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Hiền - CNLĐ Công ty TNHH Yakjin Việt Nam chia sẻ: “Ngoài hỗ trợ từ LĐLĐ tỉnh, CĐCS và Công ty cũng hỗ trợ thêm các nhu yếu phẩm và tiền mặt cho những CNLĐ khó khăn như tôi, động viên tinh thần, giúp chúng tôi có thêm động lực vươn lên trong cuộc sống”.

Ngoài các chương trình hỗ trợ đột xuất, từ năm 2020 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ 30 tấn gạo tới CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng việc làm do dịch bệnh; trao tặng hàng trăm nghìn khẩu trang y tế, nước rửa tay sát khuẩn do các doanh nghiệp có đông CNLĐ, góp phần chung tay cùng doanh nghiệp và NLĐ trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn cũng thường xuyên quan tâm, nắm bắt tình hình đời sống, việc làm, tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, CNLĐ để kịp thời báo cáo với Công đoàn cấp trên; từ đó tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực, phù hợp nhằm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, NLĐ.

Đồng chí Phạm Sơn - Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh khẳng định: Với tinh thần chống dịch như chống giặc, cùng cả hệ thống chính trị và nhân dân trong tỉnh, tổ chức Công đoàn tiếp tục phát huy tốt vai trò; phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Công đoàn luôn đồng hành, chia sẻ khó khăn cùng đoàn viên, CNLĐ; đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức… để mỗi cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ là một chiến sĩ, tự giác thực hiện và vận động đồng nghiệp, người thân chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch; để mỗi CĐCS là một pháo đài, là mái nhà bình yên của đoàn viên, CNVCLĐ trên toàn tỉnh

Lượt xem: 1.568
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 871
Hôm qua : 1.194