Gỡ khó cho doanh nghiệp nhà nước
Trong hơn ba năm qua, cùng với các thành phần kinh tế khác, hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN)- khu vực được xem là trụ cột của nền kinh tế đã phải chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19. Mặc dù vậy, theo đánh giá, hoạt động của các DNNN cơ bản ổn định, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh; tổng doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, giá trị vốn đầu tư phát triển thực hiện và thu nhập bình quân của người lao động tăng lên.
Sáu tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp nhà nước là 689.534 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch năm.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, tính đến hết năm 2022, tổng tài sản của DNNN đạt 3,8 triệu tỉ đồng; vốn nhà nước đang đầu tư tại các doanh nghiệp nhà nước là 1,69 triệu tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng doanh thu của các DNNN trên cả nước là 689.534 tỉ đồng, đạt 50% kế hoạch năm 2023; lãi phát sinh trước thuế thu nhập doanh nghiệp là 67.403 tỉ đồng, đạt 63% so với kế hoạch năm 2023. Ước cả năm 2023 tổng doanh thu của toàn khu vực DNNN đạt 1,41 triệu tỉ đồng, tăng 4% so với kế hoạch đề ra; trong đó, tổng lãi phát sinh trước thuế ước đạt 117.388 tỉ đồng.
Tuy nhiên, dù hoạt động có lãi, song các DNNN có lỗ lũy kế và nợ phải trả là khá lớn, bộc lộ nhiều hạn chế như hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh chưa tương xứng với nguồn lực nắm giữ. Mặc dù, khoảng 60% nguồn lực xã hội đang tập trung cho DNNN, nhưng khu vực này chỉ đóng góp gần 40% GDP, còn lại 60% của GDP là đóng góp từ doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); DNNN chưa thể hiện rõ vai trò nổi bật trong việc dẫn dắt, tạo động lực, thúc đẩy các thành phần kinh tế khác phát triển; chưa thực sự mạnh ở những ngành, lĩnh vực có ảnh hưởng, quyết định đến việc hỗ trợ nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế và của doanh nghiệp Việt Nam. Vẫn còn một số doanh nghiệp hoạt động thua lỗ, hiệu quả đầu tư chưa đạt như kỳ vọng, một số dự án có lỗ lũy kế lớn; việc xử lý các dự án thua lỗ, kém hiệu quả chưa được giải quyết triệt để...
Nếu nguồn lực của các doanh nghiệp nhà nước được cộng hưởng, khu vực này sẽ đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế.
Trước tình hình đó, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN, đồng thời tháo gỡ khó khăn cho các DNNN, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có buổi làm việc trực tiếp và cho ý kiến chỉ đạo về các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển đối với các DNNN. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ 12 nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới để nâng cao hiệu quả hoạt động, đổi mới khu vực DNNN, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, đó là: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển trên tinh thần phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí đầu vào, chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp. Các DNNN phải tăng cường đóng góp cho xây dựng chương trình, kế hoạch để thực hiện các mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, chiến lược 10 năm, kế hoạch 5 năm; đồng thời căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để cụ thể hóa bằng các đề án, dự án cụ thể. Tái cơ cấu DNNN sát tình hình thực tế, không chỉ tập trung tái cơ cấu vốn, mà phải nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn, nâng đời sống vật chất và tinh thần của người lao động. Các DNNN phải tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn của Nhà nước, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn đang triển khai. Các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các DNNN kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, trách nhiệm, dân chủ. Xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, các ưu đãi cần thiết với DNNN để phát triển nhanh, bền vững. Đề xuất những cơ chế, chính sách khuyến khích, bảo vệ, tạo động lực, truyền cảm hứng cho những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, tinh thần xây dựng chính sách là không cầu toàn, không nóng vội. Đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội, nhất là với những vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo, những người yếu thế, khó khăn, những người gặp hoạn nạn...; chăm lo cải thiện đời sống công nhân, người lao động. Các DNNN cùng nhau và cùng các cơ quan Nhà nước đẩy mạnh xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia. Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và quan hệ chính trị, ngoại giao rất tốt đẹp giữa Việt Nam với các nước trên thế giới. Các DNNN cùng nhau chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm, hỗ trợ, giúp đỡ khi gặp khó khăn thách thức, đoàn kết, thống nhất nhưng cạnh tranh lành mạnh, đúng luật pháp. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực trong các ngành mới nổi như chuyển đổi số, ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ... góp phần đào tạo nhân lực cho doanh nghiệp, các địa phương và cả nước.
Để DNNN phát huy vai trò dẫn dắt, cần có các chính sách về cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền, tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, tồn tại, vượt qua thách thức, phát triển bền vững, như: Quá trình cơ cấu lại DNNN, cơ chế sử dụng nguồn thu, chuyển nhượng vốn, cơ chế giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động, xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần, cơ chế giám sát... Muốn điều này có được hiệu quả, phải có sự chung tay, hỗ trợ của các bộ, ngành, các địa phương cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp trên tinh thần quyết tâm, đồng lòng, hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển.