Kỷ niệm 67 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/4-1954-07/4/2021)

 

Hình minh họa

I. BỐI CẢNH

1. Từ 19/12/1946 toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta anh dũng thực hiện 2 nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, xây dựng căn cứ địa hậu phương tạo thế và lực mới cho ta

 - Thực hiện Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố.

Chiến dịch Việt Bắc Thu – Đông năm 1947 làm thất bại hoàn toàn chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của địch. Chiến thắng Biên giới năm 1950 ta giành quyền chủ động chiến lược trên chiến trường, chuyển hẳn sang liên tục tấn công và phản công địch. Quân ta càng đánh, càng mạnh, quân viễn chinh Pháp càng ngày càng lún sâu vào thế bị động, lúng túng. Vùng giải phóng mở rộng, chính quyền dân chủ nhân dân được củng cố. Chúng ta đã giải phóng các khu vực.

- Trong thời kỳ này (1946-1954) kinh tế nông thôn và sản xuất nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng nên cùng với việc động viên nông dân tích cực tăng gia sản xuất, Chính phủ đã từng bước thực hiện các chính sách về ruộng đất, giảm tô, giảm tức. Kinh tế xã hội đã có bước phát triển rõ rệt, sức sản xuất được giải phóng tạo nguồn lực để chúng ta thực hiện kháng chiến thành công.

Năm 1949, sắc lệnh giảm tô, giảm tức được ban hành, đồng thời tạm cấp ruộng đất thu được của thực dân Pháp và địa chủ bỏ chạy vào vùng địch tạm chiếm chia cho nông dân nghèo. Nhờ đó, trong các vùng giải phóng, sản xuất nông nghiệp phát triển, sản lượng lương thực năm 1954 đạt gần 3 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946, tốc độ tăng giá trị sản lượng nông nghiệp ở miền Bắc trong 9 năm kháng chiến đạt 10%/năm. Nhiều cơ sở công nghiệp quan trọng phục vụ quốc phòng và sản xuất hàng hóa tiêu dùng thiết yếu cho nhân dân được khôi phục và mở rộng.

Chỉ tính riêng từ năm 1945 đến tháng 4/1953 ở vùng tự do và đến tháng 7/1954 ở vùng mới giải phóng, nông dân miền Bắc đã được chia 475.900 ha ruộng đất và ở Nam Bộ, chính quyền cách mạng đã chia cho nông dân 410.000 ha. Do lực lượng sản xuất được giải phóng, sản xuất nông nghiệp vùng giải phóng đạt mức tăng trưởng khá. Sản lượng lương thực quy thóc đạt 2,95 triệu tấn, tăng 13,7% so với năm 1946, trong đó riêng thóc đạt 2,3 triệu tấn tăng 15,9%.

Công nghiệp và thủ công nghiệp kháng chiến được xây dựng, đặc biệt là công nghiệp quốc phòng đã góp phần không nhỏ đáp ứng nhu cầu chiến đấu và tiêu dùng. Ngoài số lượng lớn về vũ khí đạn dược, các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu được sản xuất ngày càng nhiều. Từ năm 1946-1950 đã sản xuất 20.000 tấn than cốc, 800 kg ăngtimoan. Từ năm 1950 đến cuối năm 1952 sản xuất được 29,5 tấn thiếc, 43,0 tấn chì. Những năm 1950-1954 đã sản xuất được 169,3 triệu mét vải, 31.700 tấn giấy.

Cùng với nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, sự nghiệp giáo dục-chống giặc dốt được coi là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, đi đôi với chống giặc ngoại xâm, giặc đói. Từ 1946 đến 1954 có 10,5 triệu người thoát nạn mù chữ.

2. Sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, thực dân Pháp càng lâm vào thế bị động, khốn quẫn

- Tính từ 1946 đến năm 1953, cuộc chiến tranh của người Pháp ở Đông Dương đã kéo dài 8 năm, Pháp lâm vào thế bị động đối phó trên hầu khắp các chiến trường, trong khi sự rối ren về chính trị, kiệt quệ về kinh tế đang bao trùm nước Pháp. Khoảng 90.000 quân bị loại khỏi vòng chiến đấu, không kể hàng chục vạn quân viễn chinh đang bị giam chân trên chiến trường Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam; tiêu tốn đến 2000 tỷ frăng. Chỉ trong vòng 8 năm tiến hành chiến tranh Đông Dương, nội các Chính phủ Pháp đã phải thay đổi 18 lần. 

- Nước Pháp hầu như không còn đủ sức chịu đựng gánh nặng chiến tranh Đông Dương. Tình thế buộc Quân đội Pháp muốn quyết chiến trận cuối cùng để đè bẹp quân chủ lực của ta và đã phải cầu viện sự trợ giúp của Mỹ.

- Tính đến năm 1954, 80% chiến phí của thực dân Pháp ở Đông Dương là do Mỹ chi trả. Tới năm 1953, Mỹ đã viện trợ cả kinh tế và quân sự cho Pháp tổng số tiền lên đến 2,7 tỷ USD, trong đó viện trợ quân sự là 1,7 tỷ USD. Đến năm 1954 Mỹ tiếp tục viện trợ cho Pháp 1,3 tỷ USD nữa. Cụ thể, Mỹ đã cung cấp cho Pháp 400.000 tấn vũ khí, gồm 360 máy bay, 347 tàu chiến các loại, 1.400 xe tăng và xe bọc thép, 16.000 xe vận tải, 175.000 súng cá nhân.

3. Trên thế giới,  hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa được hình thành là chỗ dựa vững chắc để ta đánh Pháp

Ngay sau Chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới diễn ra xu hướng hình thành hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa – đối lập gay gắt với nhau về chính trị và kinh tế.

Về chính trị: Mỹ, Anh và Pháp tiến hành hợp nhất các khu vực chiếm đóng của mình; thành lập Nhà nước Cộng hoà Liên bang Đức (9/1949). Tháng 10/1949, với sự giúp đỡ của Liên Xô, Nhà nước Cộng hoà Dân chủ Đức ra đời. Trên lãnh thổ nước Đức hình thành hai nhà nước với hai chế độ chính trị khác nhau. Các nước Đông Âu tiến hành nhiều việc quan trọng như: xây dựng bộ máy nhà nước dân chủ nhân dân, cải cách ruộng đất, ban hành các quyền tự do dân chủ v.v..

- Về kinh tế: Sau chiến tranh, Mỹ đề ra “Kế hoạch phục hưng châu Âu” (còn gọi là “Kế hoạch Mácsan”), nhằm viện trợ các nước Tây Âu khôi phục kinh tế, đồng thời tăng cường sự chi phối của Mỹ đối với các nước này. Nhờ đó, nền kinh tế các nước Tây Âu phục hồi nhanh chóng.

- Chủ nghĩa xã hội vượt ra khỏi phạm vi một nước và trở thành hệ thống thế giới. Năm 1949, nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ra đời, Hội đồng tương trợ kinh tế được thành lập. Thông qua đó, sự hợp tác về chính trị, kinh tế, mối quan hệ giữa Liên Xô với các nước XHCN ngày càng được củng cố, tăng cường. Tạo điều kiện và môi trường quốc tế thuận lợi, trở thành lực lượng quan trọng của quân và dân ta.

- Về viện trợ, từ tháng 6/1950 đến tháng 6/1954, Việt Nam nhận được của Liên Xô, Trung Quốc tổng cộng 21.517 tấn vũ khí các loại, trị giá 34 triệu đôla; bằng 0,85% lượng viện trợ mà Mỹ cấp cho Pháp.

4. Nhằm “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng, Kế hoạch Na-va được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua

- Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, Mỹ đã tìm cách nhảy vào Việt Nam, tăng cường viện trợ cho Pháp, lập hẳn cơ quan Viện trợ quân sự MAAG ở Việt Nam. Tháng 5-1953, với sự thoả thuận của Mỹ, chính phủ Pháp bổ nhiệm tướng Hăng-ri Na-va sang thay thế tướng Ra-un Xa-lăng làm Tổng chỉ huy quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Tháng 7-1953 “Kế hoạch Na-va” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng.

- Kế hoạch này chủ trương tăng quân Pháp và quân ngụy, rút bớt lực lượng chiến đấu về tập trung xây dựng thành lực lượng cơ động mạnh. Trong Đông Xuân 1953-1954, quân Pháp giữ thế phòng ngự, tránh những cuộc đụng độ trên diện rộng với ta ở miền Bắc, tập trung đánh chiếm miền Trung và Nam Đông Dương. Sang Đông Xuân 1954-1955, sẽ đem toàn lực ra quyết chiến với chủ lực ta ở miền Bắc, giành thắng lợi quyết định.

Về phía ta, dựa trên phương hướng chiến lược của Hội nghị lần thứ IV Trung ương Đảng họp tháng 1-1953 là: “Tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu, đánh chắc thắng”, tháng 9-1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp quyết định chủ trương tác chiến trong Đông Xuân 1953-1954 là mở những cuộc tiến công vào những hướng quan trọng mà địch tương đối yếu, buộc chúng phải bị động phân tán lực lượng đối phó với ta trên những địa bàn xung yếu mà chúng không thể bỏ. Bộ Chính trị nhấn mạnh phương châm hành động là “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt”. Nguyên tắc chỉ đạo tác chiến là: “Tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta; đánh chắc thắng, đánh tiêu diệt; chọn nơi địch sơ hở mà đánh, chọn nơi địch tương đối yếu mà đánh; giữ vững chủ động, kiên quyết buộc địch phải phân tán…”. Tây Bắc là một hướng chiến lược Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã lựa chọn.

Để phá tan kế hoạch Na-va, mở đầu kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954, ta chủ động mở các cuộc tiến công lên Tây Bắc, Trung Lào và Hạ Lào, Bắc Tây Nguyên, lấy Tây Bắc làm hướng chính. Tháng 11-1953, Đại đoàn 316 được lệnh tiến quân lên Tây Bắc, giải phóng Lai Châu, phần đất cuối cùng còn lại ở Tây Bắc nằm trong tay quân đội Pháp.

Bị uy hiếp ở chỗ sơ hở nhất, phát hiện ra Đại đoàn 316 đang hành quân hướng lên Tây Bắc, sợ mất Tây Bắc và hòng che chở cho Thượng Lào, trong 3 ngày từ 20 đến 22-11-1953, tướng Na-va vội vã tiến hành cuộc hành binh “Chuột biển” (casta), cho 6 tiểu đoàn dù thiện chiến và một số đơn vị pháo binh nhảy dù chiếm đóng thung lũng Điện Biên Phủ. Ngày 3-12-1953, Na-va hạ quyết tâm xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định: Tiếp nhận giao chiến với chủ lực Việt Minh ở Tây Bắc, lấy Điện Biên Phủ làm trung tâm. Ngày 5-12-1953, các đơn vị đồn trú ở Điện Biên Phủ được chuyển thành “Binh đoàn tác chiến Tây Bắc” (GONO) và ngày 7-12-1953 Na-va quyết định rút toàn bộ quân lính từ Lai Châu về tăng cường cho Điện Biên Phủ. 

Trước tình hình đó, Tổng Quân ủy ta nhận định: “Địch nhảy dù xuống Điện Biên Phủ căn bản là có lợi cho ta và chủ trương: Giữ địch ở lại Điện Biên Phủ và ta có thể đánh địch ở Điện Biên Phủ”. 

Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị họp nghe Tổng Quân uỷ báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến. Sau khi phân tích kỹ tình hình địch, ta, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ và phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. 

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị Ban Chấp hành trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh ra lệnh cho bộ đội chủ lực các mặt trận nhanh chóng bước vào tiến công địch. Các đại đoàn chủ lực được lệnh tiến quân lên Tây Bắc. Ngày 10-12-1953 ta tiến công địch ở Lai Châu, cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 bắt đầu.

II. DIỄN BIẾN CHIẾN DỊCH ĐIỆN BIÊN PHỦ

1. Về ý định sử dụng lực lượng, xây dựng trận địa Điện Biên Phủ

a) Về phía Pháp

- Theo kế hoạch của Tổng Quân ủy, Sư đoàn 316 đang đóng quân ở Thanh Hóa hành quân theo dọc Sông Mã, tiến về Tây Bắc tiêu diệt địch ở  thị xã Lai Châu.

- Để ngăn chặn bộ đội ta tiến đánh thị xã Lai Châu, ngày 2/11/1953, Na-va chỉ thị cho tướng Cô-nhi: từ ngày 15 đến ngày 20/11/1953, chậm nhất là ngày 1/12/1953, phải đánh chiếm Điện Biên Phủ để thiết lập một cứ điểm, ngăn chặn Việt Minh, bảo vệ cho Thượng Lào.

- Cuộc hành quân đánh chiếm Điện Biên Phủ của Pháp có bí danh là "Hải Ly", Chỉ huy là tướng Jean Gilles (Jin Gin- lơ). Ngày 20/11/1953, Pháp điều động 63 chuyến máy bay C-47 Dakota thả 3.000 lính dù đầu tiên xuống Điện Biên Phủ.

- Tại đây Pháp xây dựng thành 49 cứ điểm, 3 phân khu trung tâm, 8 trung tâm đề kháng gồm 17 tiểu đoàn, 7 đại đội độc lập với tổng số 16.200 quân tinh nhuệ nhất lúc bấy giờ. Pháp muốn kết thúc chiến tranh có lợi theo cách của Pháp.

Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ ra đời án ngữ miền Tây Bắc - Việt Nam, kiểm soát liên thông với Thượng Lào, làm bẫy nhử, thách thức quân chủ lực Việt Minh, theo kế hoạch của Pháp, quân Việt Minh sẽ bị nghiền nát tại đây.

- Tại đây, Pháp xây dựng hai sân bay: Mường Thanh và Hồng Cúm để đưa lực lượng, phương tiện đến. Đây là căn cứ không quân lục quân tốt nhất của Pháp lúc bấy giờ.

- Tướng Cô-nhi nhấn mạnh: Điện Biên Phủ là một căn cứ bộ binh, không quân lý tưởng, nó là "chiếc chìa khoá" ở Thượng Lào của Pháp.

- Pháp nói rằng: Điện Biên Phủ là cứ điểm Nà Sản ngủ 10 lần (Nà Sản là  cứ  điểm của Pháp ở Sơn La, tức là Nà Sản đã mạnh rồi, nhưng Điện Biên Phủ còn mạnh gấp 10 lần Nà Sản). Quân Pháp còn nói: đây là ung nhọt độc để thu hút Việt Minh.

- Nhưng một tiểu đoàn của Pháp đã nhảy dù trúng khu vực có 1 tiểu đoàn của ta đang tập dượt ở đó. Ngay từ đầu, ta đã gây cho Pháp một thất bại nặng nề, 16 tên bị tiêu diệt, 47 tên bị thương.

+ Về lực lượng: ở Điện Biên Phủ, Pháp có 16.200 tên, biên chế thành 12 tiểu đoàn và 7 đại đội bộ binh; 2 tiểu đoàn pháo binh 105 ly (24 khẩu) 1 đại đội pháo 155 ly (4 khẩu), 2 đại đội súng cối 120 ly (20 khẩu), 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng 18 tấn (trong đó có 10 chiếc M24  của Mỹ), 1 đại đội xe vận tải 200 chiếc, 1 phi đội máy bay gồm 14 chiếc (trong đó có 7 máy bay khu trục, 6 máy bay liên lạc trinh sát, 1 máy bay lên thẳng). Tất cả các khẩu pháo 155mm và 105mm và tất cả đạn dược của Pháp đều được đưa từ Mỹ tới.

- Hỗ trợ cho Điện Biên Phủ, có 100 máy bay C-47 Dakota, 16 máy bay C-119 của Mỹ. Ngoài ra Pháp có 48 chiếc B-26 Invader, 8 oanh tạc cơ Privater; và 227 chiếc máy bay cường kích khác.

- Điện Biên Phủ có hai sân bay, sân bay chính là Mường Thanh, sân bay dự bị là Hồng Cúm. Hai sân bay này nối sân bay Gia Lâm ở  Hà Nội và sân bay Cát Bi ở  Hải Phòng; trung bình mỗi ngày có 100 lần chiếc máy bay vận tải tiếp tế khoảng 200 - 300 tấn hàng, và thả dù khoảng 100 - 150 tấn xuống Điện Biên Phủ.

- Riêng khu trung tâm tập đoàn cứ điểm rộng khoảng 2,5 km2, nhưng Pháp bố trí 12 khẩu 105mm, 4 khẩu 155mm, 24 khẩu cối 120 và 81mm và một số dự trữ đạn dược đồ sộ (tương đương từ 6 đến 9 cơ số đạn, tức hơn 10 vạn viên)

+ Về chiến thuật: 16.200 tên được tổ chức thành 3 phân khu:

Một là, Phân khu phía Bắc, gồm đồi Him Lam, đồi Độc lập có nhiệm vụ án ngữ phía bắc, ngăn chặn con đường từ Lai Châu về Điện Biên Phủ.

Hai là, Phân khu Trung tâm, gồm các điểm cao phía đông, sân bay Mường Thanh, và các cứ điểm phía tây Mường Thanh; đây là khu vực mạnh nhất của quân Pháp, tập trung hai phần ba lực lượng (8 tiểu đoàn, gồm 5 tiểu đoàn chốt giữ và 3 tiểu đoàn cơ động).

Ba là, Phân khu phía Nam: thuộc cụm cứ điểm và sân bay Hồng Cúm 

 + Về chỉ huy: Chỉ huy trưởng cứ điểm: Đại tá Đờ cát xtơ-riTham mưu trưởngTrung tá Louis Guth

- Đánh giá về cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Na-va đã viết trong hồi ký của mình: "Tất cả đều có những cảm tưởng thuận lợi trước sức mạnh phòng thủ của tập đoàn cứ điểm và tinh thần tốt của đạo quân đóng ở đây. Không một ai mảy may tỏ ý lo ngại... Chưa có một quan chức dân sự hoặc quân sự nào đến thăm (bộ trưởng Pháp và nước ngoài, những tham mưu trưởng của Pháp, những tướng lĩnh Mỹ) mà không kinh ngạc trước sự hùng mạnh của nó cũng như không bày tỏ với tôi tình cảm của họ".

- Đặc biệt, trước khi trận đánh diễn ra, đích thân Phó Tổng thống Mỹ Richard Nixon (sau này trở thành Tổng thống) đã lên thị sát việc xây dựng cụm cứ điểm để "đảm bảo cho khoản đầu tư của Mỹ ở Đông Dương được sử dụng hiệu quả".

- Ngày 2/12/1953, tướng Nava hống hách ra lệnh cho cấp dưới chấp nhận giao chiến với Việt Minh tại Điện Biên Phủ.

b) Về phía ta

- Sau 8 năm kháng chiến, lực lượng đã mạnh lên gấp nhiều lần. Kể từ sau năm 1950 do nối thông biên giới với Trung Quốc, lại được sự viện trợ quân sự to lớn của Trung Quốc và Liên Xô, quân đội ta đã lớn mạnh rất nhiều, với các sư đoàn (đại đoàn) bộ binh và các trung đoàn pháo binhcông binh đã có kinh nghiệm đánh tiêu diệt cấp tiểu đoàn của quân Pháp trong phòng ngự kiên cố.

- Tuy vậy, trong lịch sử đánh Pháp, đến lúc này, ta chưa  đánh một tập đoàn cứ điểm nào của Pháp; địa bàn Điện Biên Phủ xa hậu phương 500 km, lương thực, thực phẩm không đủ, đường tiếp tế duy nhất lên Điện Biên Phủ là đường số 6, thì bị Pháp dùng pháo binh và máy bay khống chế. Đưa một khối lượng cơ sở vật chất đến đây quả thực là một việc phi thường.

Bộ Tổng Tư lệnh nhìn nhận rằng: trận Điện Biên Phủ là cơ hội đánh tiêu diệt lớn, tạo nên chiến thắng vang dội để chấm dứt kháng chiến trường kỳ; quyết định: "Tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để tạo nên một bước ngoặt mới trong chiến tranh, trước khi đế quốc Mỹ can thiệp sâu hơn vào Đông Dương".

- Vì vậy, từ phương châm chọn nơi địch yếu nhất, sơ hở nhất để đánh, 16 ngày sau Tổng Quân uỷ quyết định thay đổi kế hoạch chọn chỗ mạnh nhất của địch để đánh.

- Ngày 6-12-1953, Bộ Chính trị đồng ý mở chiến dịch Điện Biên Phủ, với phương châm: “Đánh nhanh thắng nhanh”.

- Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Bác Hồ giao cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Bí thư Đảng uỷ, kiêm Tư lệnh Mặt trận, trước khi ra trận Bác nói: “Bác giao cho chú toàn quyền, tướng quân tại ngoại, trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Tham mưu trưởng Chiến dịch: Thiếu tướng Hoàng Văn Thái

+ Chủ nhiệm cung cấp: Thiếu tướng Đặng Kim Giang

+ Chủ nhiệm chính trị: Lê Liêm.

- Ngày 14/1/1954 tại hang Thẩm Púa, Đại tướng Tổng tư lệnh và Ban chỉ huy mặt trận họp phổ biến mệnh lệnh tác chiến với phương án "đánh nhanh thắng nhanh" và ngày nổ súng dự định là 20/1/1954.

- Phương án này đặt kế hoạch tiêu diệt Điện Biên Phủ trong thời gian 3 ngày  2 đêm bằng cách: bắn 2.000 quả pháo vào lòng chảo Điện Biên Phủ, sau đó sử dụng bộ binh đồng loạt tiến công, thọc sâu, xung phong thì địch không kịp trở tay.

- Để thực hiện phương án “Đánh nhanh, thắng nhanh” ta huy động bốn đại đoàn bộ binh, một đại đoàn công pháo, gồm các đơn vị:

Đại đoàn bộ binh 304Danh hiệu: Vinh Quang; Tư lệnh: Đại tá Hoàng Minh Thảo; Chính ủy: Lê Chưởng; Tham mưu trưởng: Nam Long

Đại đoàn bộ binh 308:Danh hiệu: Quân Tiên Phong; Tư lệnh: Đại tá Vương Thừa Vũ; Chính ủy: Song Hào; Tham mưu trưởng: Nguyễn Hải

+ Đại đoàn bộ binh 312:Danh hiệuChiến Thắng; Tư lệnh: Lê Trọng Tấn; Chính ủy: Trần Độ; Tham mưu trưởng: Hoàng Kiện

Đại đoàn bộ binh 316:Danh hiệuBông Lau: Tư lệnh: Đại tá Lê Quảng Ba: Chính ủy Chu Huy Mân; Tham mưu trưởng: Vũ Lập;

+Đại đoàn công pháo 351:Mật danhLong Châu; Tư lệnh: Đào Văn Trường (quyền); Chính ủy Phạm Ngọc Mậu.

- Nhiệm vụ thọc sâu được giao cho Đại đoàn 308, đại đoàn chủ lực đầu tiên của Quân đội ta. Đại đoàn 308 sẽ đánh vào tập đoàn cứ điểm từ hướng tây, xuyên qua những vị trí trên cánh đồng Mường Thanh, thọc thẳng tới sở chỉ huy của Đờ cát xtơ-ri.

- Các đại đoàn 312316 có nhiệm vụ: đột kích vào hướng Đông, nơi có những cao điểm trọng yếu.

- Phương án này đã được Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy phê duyệt với sự nhất trí của đoàn cố vấn quân sự Trung ương  Đảng Cộng sản Trung Quốc.

+ Tại sao ta chọn phương án này vì: Nếu tổ chức đánh sớm, quân Pháp chưa tập trung đủ lực lượng và củng cố công sự thì có nhiều khả năng giành chiến thắng.

- Nhưng các đơn vị trọng pháo của ta hỏa lực chính của chiến dịch được xe kéo vào chiếm lĩnh trận địa còn 15 km nữa thì hết đường ô tô, phải kéo bằng tay. Dự kiến 3 ngày thì pháo binh sẽ được kéo vào đến trận địa, nhưng sau 3 ngày, pháo binh chỉ kéo được 5 km; chậm so với kế hoạch, vì vậy ngày nổ súng được Bộ Tư lệnh chiến dịch quyết định lùi lại 5 ngày; giờ nổ súng vào lúc 17 giờ ngày 25/1/1954.

- Sau đó, do tin về ngày nổ súng bị lộ, Pháp bắt được một chiến sĩ của Sư đoàn 312, ta cho rằng chiến sĩ này đã khai ra giờ nổ súng nên Pháp biết được, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định hoãn lại 24 giờ, chuyển sang 26/1/1954.

- Ngày 25/1/1954, tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng Võ Nguyên Giáp suy nghĩ: phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng Đại tướng quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”

2. Diễn biến chính của Chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điễn Biên Phủ được chia thành ba giai đoạn

 Giai đoạn 1:Từ 13/3 đến 17/3/1954, ta tiêu diệt phân khu phía Bắc của Pháp, lực lượng tiêu diệt các cứ điểm Him Lam, đồi Độc Lập và trung tâm đề kháng Bản Kéo.

- Để bảo đảm nguyên tắc trận đầu phải thắng, ta đã bố trí một lực lượng mạnh hơn quân Pháp 3 lần, nếu kể cả lực lượng dự phòng, gấp 5 lần. Ta có cả kế hoạch đề phòng pháo binh, máy bay chống phản kích của Pháp.

- Trận đánh đồi Him Lam

+ Cứ điểm Him Lam là một trong cứ điểm kiên cố nhất Điện Biên Phủ. Lúc 15 giờ ngày 13/3/1954, Đại đoàn 312 bắt đầu triển khai trận địa xuất phát xung phong.

+ Lúc 17 giờ 5 phút chiều ngày 13/3/1954, 40 khẩu pháo của ta cỡ nòng từ 75 đến 120 mm, đồng loạt nhả đạn. Một viên đạn pháo của ta bắn trúng Sở chỉ huy của Pháp ở đồi Him Lam; thiếu tá chỉ huy trưởng Paul Pégot cùng với ba sĩ quan khác bị chết; điện đài liên lạc của Pháp ở Him Lam bị hỏng, mất liên lạc với Trung tâm Mường Thanh ngay từ giờ đầu trận đánh.

+ Một kho xăng của Pháp bị pháo binh ta bắn cháy. Các trận địa pháo của Pháp ở Mường Thanh bị tê liệt. 12 khẩu trọng pháo và súng cối của Pháp bị đánh hỏng. Nhiều hầm, hào, công sự của Pháp bị sụp đổ.

+ Sau đợt bắn pháo dữ dội, bộ binh ta xuất phát tiến công. Đến 23 giờ 30 đêm, Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, xóa sổ hoàn toàn Tiểu đoàn 3 và nửa lữ đoàn lính Lê dương số 13 của Pháp, thu toàn bộ vũ khí, trang bị.

+ Ngày hôm sau, ta cho phép một xe zíp và một xe cứu thương của Pháp lên Him Lam để thu lượm thương binh.

(Trong hồi ký của chiến sĩ Pháp ở Điện Biên Phủ viết: Trung tá Piroth đã dành trọn một đêm (13 tháng 3) quan sát hỏa lực dần dần bị đối phương phản pháo chính xác một cách kinh khủng vào trận địa pháo của ông, hai khẩu pháo 105 ly bị quét sạch cùng pháo thủ, một khẩu 155 ly bị loại khỏi vòng chiến đấu, Piroth khóc và nói: "Mình đã mất hết danh dự. Mình đã bảo đảm với Đờ cát xtơ-ri và tổng chỉ huy sẽ không để pháo binh địch giành vai trò quyết định, và bây giờ, ta sẽ thua trận. Mình đi thôi).

- Trận đánh đồi Độc Lập diễn ra lúc 3 giờ 30 phút ngày 15/3/1954. Đến 6 giờ 30 phút ngày 15/3/1954, ta làm chủ đồi Độc Lập.

- Tại Bản Kéo quân địch đầu hàng.

- Như vậy, chỉ sau 5 ngày chiến đấu, cánh cửa phía bắc của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đã mở toang. Lực lượng phản kích Pháp không thể giành lại những vị trí đã mất, đặc biệt chỗ dựa của Tập đoàn cứ điểm là sân bay cũng bị uy hiếp nghiêm trọng.

- Ngày 20/3/1954, Tổng Tham mưu trưởng Pháp Êly, được phái sang Mỹ cầu viện. Êly phát biểu công khai: "Pháp không thể thắng được với phương tiện hiện có trong tay" và yêu cầu Mỹ tăng cường giúp đỡ vũ khí, đặc biệt là máy bay ném bom B-26, và nếu cần thì can thiệp bằng không quân.

- Đến ngày 23/3/1954, ta đã làm mất tác dụng việc cất cánh và hạ cánh của máy bay Pháp ở sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm; từ đó các máy bay của Pháp chỉ còn tiếp tế cho Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bằng cách thả  trên không xuống.

- Ngoài ra, pháo cao xạ của ta cũng trở thành nỗi kinh hoàng cho những viên phi công Pháp và Mỹ. Các loại máy bay chiến đấu vận tải, kể cả pháo đài bay B-24  của Mỹ liên tiếp bị bắn rơi trên bầu trời Điện Biên Phủ.

- Như vậy, sau ba trận chiến đấu của ta, quân Pháp ở Điện Biên Phủ đã tiêu thụ một số lượng đạn dược khổng lồ: 12.600 viên đại bác 105 ly, 10.000 viên đạn cối 120 ly, 3.000 viên đạn trọng pháo 155 ly, chiếm gần nửa số lượng dự trữ của chúng.

- Ngoài ra, 11 khẩu súng cối 120 ly của Pháp bị phá hủy, 4 khẩu đại bác 105, và 155 ly hỏng không sử dụng được.

- Trong khi đó, Quân đội Nhân dân Việt Nam chỉ bắn 20.700 quả 105mm, trong số này có 5.000 quả đoạt được từ máy bay của Pháp thả xuống cho quân Pháp, 11.700 quả là chiến lợi phẩm từ Chiến dịch biên giới.

+ Tống kết giai đoạn 1: Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống trên 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh; Pi rốt, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ bất lực trước pháo binh của ta đã dùng lựu đạn tự sát. 

Giai đoạn 2: từ 30/3 đến 30/4ta tiến đánh phân khu trung tâm, đặc biệt là các điểm cao quan trọng phía Đông, vây lấn bóp nghẹt Tập đoàn cứ điểm.

- 18 giờ ngày 30/3/1954, đợt tiến công thứ hai vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu.

+ Tại cao điểm C1, lần đầu tiên ta mở rào bằng đạn phóng bộc lôi. Bộc lôi nổ phá tung từng đoạn rào. Sau 5 phút tiểu đoàn 215 của ta đã dọn xong cửa mở qua bảy lớp rào dây thép gai của địch.  Các chiến sĩ xung kích của ta dùng lưỡi lê, lựu đạn lao lên đánh giáp lá cà. Trận đánh diễn ra đúng 45 phút. Toàn bộ một đại đội gồm 140 lính thuộc tiểu đoàn 1 trung đoàn 4 Ma rốc bị tiêu diệt hoặc bắt sống. Trong khi số thương vong của ta chỉ mất 10 người.

+ Tại cao điểm D1Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 sử dụng hai tiểu đoàn 166 và 154 tiến công. Chỉ sau 5 phút, ta đã phá xong ba lớp hàng rào và xung phong vào căn cứ. Bộ đội nhanh chóng thọc sâu chia cắt đội hình Pháp ra từng mảng để tiêu diệt. Sau hai giờ chiến đấu, ta đã chiếm toàn bộ đồi D1.

+ Tại cao điểm E, pháo của ta bắn đúng lúc Pháp đang thay quân giữa một đại đội của tiểu đoàn 3 Angiêri với đại đội của tiểu đoàn dù 5 tới thay thế.  Binh lính Pháp với đầy đủ trang bị đang tập trung ở đây không có hầm trú ẩn chạy xô vào nhau. Đại đội súng cối hạng nặng của Pháp chưa kịp bắn một viên nào đã bị pháo binh của ta tiêu diệt. Sau một giờ, ta đã chiếm toàn bộ cứ điểm đồi E.

+ Tại đồi A1, Pháp đã dựa vào địa thế tự nhiên của quả đồi A1, bố trí thành 3 tuyến phòng thủ. Ở tiền duyên là tuyến chống cự chủ yếu; ở giữa là tuyến trung gian có đặt trận địa hỏa lực; trên đỉnh đồi là tuyến cố thủ và sở chỉ huy. Trong cứ điểm đồi A1 có nhiều tuyến chiến hào và giao thông hào liên hoàn. Tất cả các lô cốt và hầm trú ẩn đều có nắp đậy, chịu được đạn  cối và pháo của ta. Lúc này Pháp dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào đồi A1. Các đợt xung phong của ta không vượt qua hàng rào lửa của Pháp. Quá nửa đêm, cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co. Mỗi bên giữ được nửa quả đồi.

Tổng kết giai đoạn 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho Tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Giai đoạn 3: từ ngày 1 đến 7/5/1954.

Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía tây và phía đông thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho tổng công kích.

- Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ trên đồi A1, công binh Trung đoàn 174, Đại đoàn 304 đã đào một đường hầm vào lòng đồi A1, sâu dưới hầm ngầm của Pháp. Một đội đặc biệt gồm 25 cán bộ, chiến sĩ do Nguyễn Xuyên Khung, cán bộ công binh của Bộ, trực tiếp chỉ huy. Công viêc này được tiến hành ngay trước mũi súng và tầm kiểm soát của lựu đạn Pháp.

- Ngày 5/5/1954, đường hầm ở A1 đã hoàn thành. Trong đêm, một tấn bộc phá được chia thành 50 gói, mỗi gói 20 kg, được đưa vào đặt dưới hầm ngầm Pháp. Để bào đảm an toàn, sáng ngày 6/5/1954, tiểu đoàn 255, Trung đoàn 174 phòng ngự trên đồi A1 được lệnh rút qua quả đồi khác. Tiếng nổ của khối bộc phá trên đồi A1 được chọn làm hiệu lệnh cho bộ đội xung phong trong đợt tiến công đó.

- Đúng 20 giờ 30, ngày 6/5/1954, một tiếng nổ trầm, trên đồi A1 có một đám khói lớn phụt lên. Khối bộc phá nổ cách hầm ngầm vài chục mét thổi bay chiếc lô cốt bên trên, diệt phần lớn đại đội dù 2 của Pháp đóng ở đây.  Đến 4 giờ sáng ngày 7/5/1954, trên Đồi A1 chỉ còn lại 34 lính dù. Quân dù đã sử dụng đến những viên đạn, quả lựu đạn cuối cùng. Viên chỉ huy Pugiê bị thương nặng và bị bắt.

- Sáng ngày 7/5/1954, lá cờ Quyết chiến Quyết thắng tung bay trên cao điểm A1, báo hiệu giờ tàn của tập đoàn cứ điểm.

- Đại đội 360, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 lúc này chỉ còn 5 người. Đại đội trưởng Tạ Quốc Luật dẫn đầu 4 chiến sĩ: Hoàng Đăng VinhBùi Văn NhỏNguyễn Văn Lam và Đào Văn Hiếu luồn lách dưới các làn đạn của những khẩu trọng liên 4 nòng của Pháp, băng qua cầu Mường Thanh, rồi nhảy lên mặt đất, dùng một lính ngụy  người Việt dẫn đường chạy tắt đến Sở chỉ huy của Đờ Cát. Sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ ở phòng ngoài sát cửa ra vào, lúc 17 giờ, ngày 7/5/1954 chiến sĩ vượt qua gian hầm thứ 2, tiến vào gian hầm của tướng Đờ Cát và các sĩ quan Pháp đang ở đấy. Tạ Quốc Luật nói bằng tiếng Pháp: "Các ông hàng đi. Các ông thua rồi. Các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ súng, đầu hàng và điện về Hà Nội không cho máy bay ném bom xuống Điện Biên nữa”

- Sau đó, 5 chiến sĩ ta dẫn giải tù binh lên khỏi hầm, đi về phía cầu Mường Thanh. 17 giờ 30, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312 báo cáo lên Đại tướng Võ Nguyên Giáp: "Toàn bộ quân địch tại khu trung tâm đã đầu hàng. Đã bắt được tướng Đờ Cát"

- Tại cụm phân khu Nam Hồng Cúm, quân Pháp âm mưu chạy sang Lào,  nhưng bị ta đuổi theo và tất cả đã bị bắt. Gần 11.000 quân Pháp còn lại tại Điện Biên Phủ đã bị bắt làm tù binh.

Tổng kết giai đoạn  3: Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

3. Kết quả chiến dịch

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 với đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ là một trận quyết chiến chiến lược, một trận tiêu diệt điển hình nhất, là trận đầu đánh thắng Mỹ, trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Đông Dương. Tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

*Về phía Pháp

- Về bộ binh Pháp: toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ bị tiêu diệt và bị bắt làm tù binh gồm 16.200 tên. Thiệt hại về phía Pháp là 1.747 tới 2.293 người chết, 5.240 tới 6.650 người bị thương, 1.729 người mất tích và 11.721 bị bắt làm tù binh.  Toàn bộ 17 tiểu đoàn bộ binh và lính dù, 3 tiểu đoàn pháo binh, 10 đại đội Quân đội Quốc gia Việt Nam bị tiêu diệt. Tổng số sĩ quan và hạ sĩ quan bị diệt và bị bắt là 1.706, gồm 1 thiếu tướng, 16 đại tá và trung tá, 353 sĩ quan từ thiếu úy đến thiếu tá. Ngoài ra còn có 2 phi công Mỹ chết và 1 bị thương.

- Về không quân, Pháp bị tổn thất 56 máy bay bị phá hủy (36 chiếc bị bắn rơi khi  đang bay, 20 chiếc đang đỗ tại sân bay), 186 phi cơ bị hư hại, 2 trực thăng bị phá hủy.

- Phía Mỹ có 1 phi cơ C119 bị bắn rơi. Về trang bị nặng, Pháp mất toàn bộ trang bị vũ khí, xe tăng và pháo binh ở Điện Biên Phủ. Quân đội Nhân dân Việt Nam thu giữ 28 đại bác, 5.915 súng các loại, 20.000 lít xăng dầu cùng rất nhiều đạn dược, quân trang quân dụng khác.

* Về phía ta:  Theo hồ sơ của quân y ta lúc bấy giờ, có 4.020 bộ đội hy sinh; 9.691 người bị thương; 792 mất tích. Hiện nay tại thành phố Điện Biên, có 3 nghĩa trang liệt sỹ mai táng những chiến sĩ Điện Biên: nghĩa trang đồi Độc Lập; nghĩa trang đồi Him Lam và nghĩa trang đồi A; lần lượt các nghĩa trang trên có 2.432 ngôi, 896 ngôi và 648 ngôi mộ, tổng cộng là 3.976 ngôi.

Do một trận lũ lớn vào năm 1954 cuốn trôi các bia mộ nên 3.972 mộ đều là liệt sỹ vô danh. Chỉ có 4 ngôi được đặt riêng biệt là mộ các anh hùng Bế Văn ĐànPhan Đình GiótTô Vĩnh DiệnTrần Can là còn biết được.

III. DƯ LUẬN QUỐC TẾ

Một là, Cộng hòa Pháp cho rằng: một sự kiện long trời lở đất làm lung lay tận gốc rễ thế lực thực dân đế quốc phương Tây, một tấm gương sáng và kinh nghiệm quí báu cho trào lưu giải phóng dân tộc khắp thế giới. Và điều quan trọng hơn cả là chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động thật sự đưa đất nước Việt Nam lên bản đồ thế giới và xác định chủ quyền dân tộc của người Việt.

Hai là, Algieri thì cho rằng: Điện Biên Phủ có một tầm quan trọng trong Thế giới thứ ba. Người Việt Nam có lẽ chưa ý thức ngay về điều đó. Một đất nước nhỏ bé với những phương tiện rất giới hạn đã trở thành một cường quốc quân sự và đánh bại được một cường quốc lớn. Đối với những người cách mạng không có nhiều phương tiện trong tay, kinh nghiệm Việt Nam giúp họ chống lại được những xu hướng phản cơ hội và thỏa hiệp. Ngày nay ta không thể nói ảnh hưởng đó lớn đến như thế nào vì chúng ta đang sống trong một bối cảnh khác, nhưng Việt Nam luôn là nguồn cảm hứng chính yếu cho các phong trào giải phóng”.

Ba là, dư luận Mỹ cho rằng: Chiến thắng Điện Biên Phủ được giải thích trước hết bởi cuộc chiến đấu anh hùng của dân tộc Việt Nam, bởi sự tài tình trong chỉ huy chính trị và quân sự, bởi sự ủng hộ mang tính quốc tế của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới; về phía nước Pháp - đó là "sự mù quáng của thế giới thuộc địa muốn được áp đặt sức mạnh và lợi ích của nó đối với một dân tộc".

Bốn là, ngày 5/10/2013, Ngoại trưởng Pháp khẳng định: Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đạt tới đỉnh cao vinh quang với tư cách là một nhà chỉ huy quân sự, bằng thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, đặt dấu chấm hết cho cuộc chiến tranh Đông Dương và sự đô hộ của thực dân Pháp đối với Việt Nam. Tiếp đến, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp một lần nữa thực hiện thành công chiến thắng lịch sử trước đế quốc Mỹ, thống nhất đất nước Việt Nam

IV. NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI, Ý NGHĨA VÀ BÀI HỌC LỊCH SỬ CỦA ĐIỆN BIÊN PHỦ

1. Nguyên nhân thắng lợi

Thắng lợi vẻ vang của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta là do các nhân tố cơ bản sau đây:

Một là, Đảng ta, đứng đầu là Hồ Chủ tịch đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, đúng đắn, sáng tạo. Kết hợp chặt chẽ nhiệm vụ chiến lược chống đế quốc và phong kiến, vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng chế độ mới. Ngay từ ngày đầu chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân thực hiện cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, dựa vào sức mình là chính; xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân gồm 3 thứ quân (bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích) làm nòng cốt cho toàn dân đánh giặc, kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; tiến công quân sự, địch vận và nổi dậy của quần chúng; đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, kinh tế, văn hoá, ngoại giao.

Hai là, Nhân dân ta rất anh hùng, từ nông thôn đến thành thị, từ miền núi đến miền xuôi, từ trẻ đến già nghe theo lời kêu gọi của Đảng và Bác Hồ đã phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, thi đua giết giặc lập công, đóng góp sức người, sức của bảo đảm đầy đủ mọi điều kiện cho chiến trường, tiếp thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng cho các lực lượng vũ trang ngoài mặt trận. 

Ba là, các lực lượng vũ trang nhân dân ta trưởng thành vượt bậc về tư tưởng chính trị, lực lượng, tổ chức chỉ huy, trình độ tác chiến, trang thiết bị quân sự và bảo đảm hậu cần cho chiến dịch quân sự quy mô lớn chưa từng có; chấp hành nghiêm mệnh lệnh chiến trường vượt qua mọi khó khăn, thử thách, mưu trí, sáng tạo, dũng cảm hy sinh lập nhiều chiến công trên khắp chiến trường Đông Dương, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở chiến trường Điện Biên Phủ. 

Bốn là, sự chi viện, cổ vũ và ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, phong trào đấu tranh vì hoà bình của nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Pháp, đặc biệt là của các nước trên bán đảo Đông Dương cùng chung chiến hào, đã tạo nên sức mạnh thời đại của chiến thắng lịch sử Điện Biên

Năm là, có sự liên minh chiến đấu keo sơn giữa ba dân tộc Việt Nam, Lào, Campuchia cùng chống một kẻ thù chung; có sự đồng tình, giúp đỡ của Trung Quốc, Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa, của các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp.

2. Ý nghĩa lịch sử

a. Đối với nhân dân ta

Một là, đánh giá về ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một nước thực dân hùng mạnh. Đó là, một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới"

Hai là, trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch, trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ba là, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả cách mạng Tháng Tám; một nửa nước được giải phóng, tạo cơ sở và điều kiện vững chắc để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bốn là, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

b. Đối với thế giới

Một là, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ giáng một đòn chí mạng vào nền móng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ, đánh sập thành luỹ của chủ nghĩa thực dân cũ ở vị trí xung yếu nhất, đánh dấu sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân cũ trên phạm vi toàn thế giới; báo hiệu sự thất bại chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chủ nghĩa thực dân mới do đế quốc Mỹ cầm đầu.

Hai là, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, chiến thắng của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới.

Ba là, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ của dân tộc ta đã chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định thắng lợi; đã thôi thúc và cổ vũ các nước thuộc địa ở châu Á, châu Phi, Mỹ la tinh đứng lên đấu tranh tự giải phóng, thoát khỏi ách xâm lược của chủ nghĩa thực dân, đế quốc.

3. Bài học lịch sử của Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một là, xây dựng Đảng ngang tầm với sứ mạng lãnh đạo cách mạng; giữ vững, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

Thực tiễn đã chứng tỏ, chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của đường lối đấu tranh cách mạng đúng đắn của Đảng, là tiếp nối của đường lối giải phóng dân tộc, giành độc lập thống nhất cho Tổ quốc, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng ta đã kiên trì đường lối “kháng chiến kiến quốc, nhất định thành công”  với tinh thần “thà hi sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đảng ta đã biết phát động chiến tranh, giải quyết chiến tranh, và kết thúc chiến tranh. Bài học này đã được Đảng ta vận dụng thành công trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước; giải phóng hoàn toàn miến Nam, thống nhất đất nước. Vì thế, phải nâng cao chất lượng công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, quản lý của các cấp chính quyền, vai trò gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Chủ động đấu tranh với các âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; đồng thời ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Phát huy vai trò của hệ thống chính trị, nhất là ở cơ sở vững mạnh để xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh.

Hai là, có đường lối kháng chiến độc lập tự chủ, đúng đắn, sáng tạo, quyết chiến quyết thắng

Đường lối quân sự phải phục tùng đường lối độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”. Trong chiến dịch Điện Biện Phủ ta luôn luôn chủ động, nắm chắc tình hình, phân tích đúng tình hình, đề ra chiến lược và sách lượcphương án tác chiến phù hợp, buộc địch đánh theo cách đánh của ta. Để bảo đảm đường lối đúng đắn, thì phải được xây dựng trên cơ sở kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phân tích một cách khách quan, khoa học bối cảnh mới của tình hình quốc tế, khu vực, trong nước; từ mục tiêu chung, mục tiêu cụ thể và quan điểm, phương châm chỉ đạo của Đảng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới... để tiếp tục lãnh đạo, tổ chức cho toàn quân, toàn dân tham gia bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách quân sự, quốc phòng làm nền tảng cho sự thống nhất ý chí, hành động của cả dân tộc. 

Tích cực xây dựng yếu tố tinh thần chịu đựng gian khổ, khắc phục khó khăn “gan không núng, chí không mòn” xả thân vì Tổ quốc của cán bộ chiến sĩ Điện Biên. Với tinh thần lạc quan “Dốc Pha Đin chị gánh anh thồ. Đèo Lũng Lô anh hò, chị hát” để góp phần làm nên chiến thắng.

Ba là, thực hiện vừa kháng chiến vừa kiến quốc xây dựng căn cứ địa hậu phương vững chắc. Đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững sự ổn định chính trị xã hội đất nước để tạo nên cái “cốt” vật chất và tinh thần của sức mạnh chiến tranh nhân dân Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh.

Bài học thể hiện: Bên cạnh việc phát triển kinh tế, coi đó là hoạt động trung tâm nhằm huy động mọi nguồn lực từ con người đến của cải vật chất, tài nguyên thiên nhiên để nâng cao đời sống nhân dân, tạo tiền đề quan trọng củng cố quân sự quốc phòng, cần chú trọng phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội. Bởi đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Như thế sẽ bảo đảm an ninh kinh tế, sự ổn định xã hội, nâng cao đời sống nhân dân đặc biệt là ở các địa bàn chiến lược. 

Bốn là, chăm lo xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc làm nền tảng, động lực phát huy sức mạnh chiến tranh nhân dân, động viên tổ chức lực lượng toàn dân đánh giặc, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.

Bởi đây vấn đề chiến lược có tầm quan trọng đặc biệt, là nhân tố bảo đảm sự sống còn của dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển và là cốt lõi của sức mạnh tổng hợp của chiến tranh nhân dân Việt Nam. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ta đã huy động được sức mạnh của toàn quân và toàn dân, từ tiền tuyến đến hậu phương vào trận quyết chiến Điện Biên Phủ. Lần đầu tiên chúng ta đã tập trung gần 5 sư đoàn chủ lực mạnh vào một trận đánh. Hàng chục vạn dân công, thanh niên xung phong tham gia làm đường, vận tải tiếp tế, phục vụ chiến dịch, bảo đảm hậu cần cho mặt trận xa hậu phương 500 km, trong điều kiện đường sá khó khăn, phương tiện vận tải thô sơ thiếu thốn, địch đánh phá ác liệt. Để sau này với phong trào : “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” “xe chưa qua, nhà không tiếc” ta huy động cả nước ra trận, hoàn thành mục tiêu đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Năm là, lấy nhỏ đánh lớn, phát huy sức mạnh của phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng và nghệ thuật quân sự của chiến tranh toàn dânCủng cố nền quốc phòng toàn dân và xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân vững mạnh. Theo đó, phải tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 8 (Khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Kẻ thù của chúng ta luôn là đế quốc và các thế lực có sức mạnh gấp nhiều lần, nhưng chúng ta vẫn chiến thắng, đó là triết lý lấy nhỏ đánh lớn của cha ông ta. Sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay hơn bao giờ hết là một sự nghiệp sâu rộng của toàn dân, do toàn dân và vì lợi ích của toàn dân. Sự nghiệp đó đòi hỏi tất yếu phải thực thi một cách toàn diện. Chỉ như vậy mới củng cố và tăng cường nền độc lập dân tộc, làm cho chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam thắng lợi. Tiếp tục xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đặc biệt coi trọng xây dựng về chính trị để thực sự là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước, nhân dân, lực lượng nòng cốt bảo vệ Tổ quốc.                   

Sáu là, đoàn kết liên minh với nhân dân Lào, Campuchia, thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tếtranh thủ sự ủng hộ đồng tình quốc tế vì hòa bình, hợp tác và phát triển;

Cùng với chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế, mở rộng hợp tác trên các lĩnh vực khác với tinh thần Việt Nam là bạn, đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, tham gia tích cực vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực. Chủ động nắm chắc tình hình, đánh giá và dự báo đúng tình hình để có chủ trương, phương hướng, giải pháp giải quyết một cách kịp thời, tích cực, từ xa, giành thắng lợi. Phối hợp và đẩy mạnh các hoạt động đối ngoại nhà nước, đối ngoại của Đảng và ngoại giao nhân dân. Tăng cường sự hiện diện của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là tại các cơ chế đa phương. Thực hiện tốt các thỏa thuận đã ký với các nước và các tổ chức quốc tế, khu vực.

V. PHÁT HUY TINH THẦN "QUYẾT CHIẾN, QUYẾT THẮNG" CỦA ĐIỆN BIÊN PHỦ TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ VỮNG CHẮC TỔ QUỐC VIỆT NAM XHCN       

Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh lập chiến công hiển hách, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội; giành được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua, đưa đất nước ta lên một tầm cao mới, thế và lực mới, chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế.

Hiện nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động. Tình hình Biển Đông luôn tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, nguy cơ mất ổn định. Các nước lớn tiếp tục gia tăng can dự, cạnh tranh ảnh hưởng với mức độ, quy mô khác nhau ở các khu vực. Chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột dân tộc, tôn giáo, hoạt động khủng bố vẫn diễn ra có thể gây mất ổn định ở khu vực và nhiều nơi trên thế giới. Các thế lực thù địch gia tăng thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình", bạo loạn lật đổ, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền. . . để chống phá Đảng, Nhà nước và sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta. Tình hình đó đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân không ngừng cảnh giác, phát huy nội lực, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh thời đại, tạo dựng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các thế hệ đi trước không cam chịu làm nô lệ đã phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, dũng cảm sáng tạo đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc. Các thế hệ ngày nay quyết tâm phát huy tinh thần Điện Biên Phủ, dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo trong sự nghiệp đổi mới, lập nên kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Tiếp tục xây dựng và củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng thế trận quốc phòng - an ninh vững chắc, nâng cao tiềm lực quốc phòng, chất lượng các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng - an ninh - kinh tế - đối ngoại. Chú trọng xây dựng các khu kinh tế - quốc phòng trên tuyến biên giới, vùng sâu, vùng xa, tạo thế trận quốc phòng - an ninh bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, xoá đói giảm nghèo, xây dựng “thế trận lòng dân" vững chắc ở các địa bàn chiến lược. Xây dựng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, có bản lĩnh chính trị vững vàng. trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân đủ sức hoàn thành mọi nhiệm vụ trong tình hình mới.

Kỷ niệm 67 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đời đời nhớ ơn Bác Hồ vĩ đại, nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc, nhớ ơn các Bà mẹ Việt Nam anh hùng và các chiến sĩ Điện Biên đã góp phần vào thắng lợi của chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc 30 năm kháng chiến chống đế quốc xâm lược.

 

Lượt xem: 1.207
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.055
Hôm qua : 897