• :
  • :
Trang thông tin điện tử Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ - Đường dây nóng: 0210.3843021

Phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững

Phú Thọ được đánh giá là địa phương có nhiều sản phẩm hóa chất lớn nhất và hình thành sớm nhất trong cả nước. Trong giai đoạn hiện nay, đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội, tỉnh đã và đang tập trung nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng bền vững, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo ra các sản phẩm có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường.

Công ty cổ phần Đông Á đầu tư dây chuyền công nghệ “Điện phân màng trao đổi ion”, nâng công suất nhà máy lên 20.000 tấn xút quy đặc/năm.

Cải tiến công nghệ, nâng sức cạnh tranh

Trên địa bàn tỉnh hiện có trên 80 doanh nghiệp liên quan đến hoạt động hóa chất; trong đó có bốn doanh nghiệp sản xuất hoá chất là: Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì, Công ty cổ phần Đông Á, Tổng công ty Giấy Việt Nam và 26 doanh nghiệp kinh doanh hóa chất công nghiệp, còn lại gần 60 doanh nghiệp sử dụng hóa chất phục vụ làm nguyên liệu cho hoạt động sản xuất công nghiệp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp, ngành hóa chất của tỉnh đã phát triển đa dạng các phân ngành như hóa chất cơ bản, phân bón, khí công nghiệp, nguồn điện hóa học, với sản phẩm chủ lực là xút (NaOH), Clo (Cl2), axit Sunfuric (H2SO4), axit clohydric (HCl) và các sản phẩm hóa chất dùng để tẩy rửa, xử lý nước thải như Javen, PAC. Những phát triển vượt bậc của ngành công nghiệp hoá chất đã đóng góp đáng kể vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.Thích ứng với nhu cầu ngày càng cao của thị trường, những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã chú trọng đầu tư cải tiến công nghệ và thiết bị phục vụ sản xuất, nhờ vậy công suất hoạt động ngày càng cao, giữ vững chất lượng sản phẩm truyền thống, đồng thời không ngừng mở rộng và đa dạng hóa thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Điển hình như Công ty cổ phần Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, từ công suất ban đầu 100.000 tấn phân bón supe phốt phát/năm, 40.000 tấn axit Sunfuric/năm, sau bốn lần cải tạo mở rộng, nâng công suất thiết kế, đến nay Công ty đã sản xuất gần hai triệu tấn phân bón chứa lân/năm và 280.000 tấn axit Sunfuric/năm, đảm bảo chất lượng theo tiêu chuẩn đã công bố. Công ty cổ phần Hóa chất Việt Trì cũng đã liên tục cải tạo, đổi mới công nghệ, nâng công suất sản xuất các hóa chất từ 1.000 tấn/năm, tổng công suất sản xuất xút lên 40.000 tấn/năm chấm dứt công nghệ cũ lạc hậu từ những năm 1960. Công ty cổ phần Đông Á, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại nâng công suất các sản phẩm chủ lực như NaOH đạt 18.000 tấn/năm, HCl đạt 20.000 tấn/năm, Javen đạt 2.400 tấn/năm. Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đảm bảo sản xuất NaOH đạt 80 tấn/năm, HCl đạt 34 tấn/năm, NaClO đạt 26,2 tấn/năm, Clo là 49 tấn/năm. Bên cạnh đó, nhờ mở rộng thị trường, các doanh nghiệp kinh doanh hóa chất công nghiệp cũng đã tăng khối lượng kinh doanh lên 120.000 tấn/năm. Từ một xưởng sản xuất Javen nhỏ, Công ty cổ phần Đông Á đã phát triển vượt bậc trở thành một trong bốn đơn vị sản xuất Xút-Clo lớn nhất Việt Nam. Năm 2019, Công ty đã đưa vào hoạt động giai đoạn hai dây chuyền công nghệ “Điện phân màng trao đổi ion”, nâng công suất nhà máy lên 20.000 tấn xút quy đặc/năm. Năm 2021 Công ty sản xuất khoảng 87.000 tấn hóa chất các loại, doanh thu 350 tỉ đồng, nộp ngân sách Nhà nước 15,8 tỉ đồng. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của tỉnh là xây dựng ngành công nghiệp hóa chất có khả năng cạnh tranh cao trên thị trường trong và ngoài nước, Công ty cổ phần Đông Á đã từng bước cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, mẫu mã sản phẩm, nâng cao công suất để giảm giá thành. Ông Nguyễn Đức Trọng- Giám đốc Công ty cho biết: “Dự kiến, năm 2023 Công ty sẽ mở rộng nâng công suất nhà máy lên 40.000 tấn xút quy đặc/năm. Với các sản phẩm hóa chất đa dạng, Công ty sẽ là nhà cung cấp sản phẩm hóa chất cho nhiều doanh nghiệp, nhà máy…”.

Công ty CP Supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao đầu tư dây chuyền sản xuất phân bón hữu cơ hướng tới công nghệ xanh.

Hướng tới công nghiệp xanh

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đố Sở Công thương cho biết: “Ngành công nghiệp hoá chất đã có các bước phát triển vượt bậc và đạt được nhiều thành tựu to lớn, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, ngành cũng đã và đang đối mặt với những thách thức lớn về môi trường và xã hội, trong đó tiềm ẩn những rủi ro. Do hiện nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực hóa chất mặc dù đã chú trọng đầu tư, nhưng công nghệ cũ, quy mô sản xuất vừa và nhỏ, chưa có khả năng tạo bước phát triển đột phá; một số công trình, dự án hóa chất chậm tiến độ do gặp khó khăn về vốn, giá vật tư lên cao. Bên cạnh đó, sản phẩm phục vụ nội địa là chính, mẫu mã, chủng loại sản phẩm chưa đa dạng, chủ yếu là sản phẩm truyền thống. Quy mô sản xuất hầu hết thuộc loại nhỏ, các sản phẩm khác như pin, ắc quy mặc dù có những tiến bộ về công nghệ, song chưa phải là công nghệ tiên tiến của khu vực”.

Để phát triển ngành công nghiệp hóa chất có trọng tâm, trọng điểm theo hướng phát triển bền vững, công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành kế hoạch phát triển ngành Công nghiệp hóa chất tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2030, định hướng đến năm 2040. Theo đó, sẽ tiếp tục duy trì sản xuất các sản phẩm là thế mạnh của tỉnh đã đầu tư sản xuất (như xút, Clo, Javen, Axít Sunfuric...); tạo điều kiện cho sản xuất các loại hoá chất phục vụ nông nghiệp, phù hợp với nhu cầu phát triển nông nghiệp sạch. Cùng với đó, tỉnh sẽ khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nguyên liệu, sản phẩm trong lĩnh vực hoá dược. Đặc biệt tỉnh không thu hút các doanh nghiệp, không định hướng sản xuất hóa chất thuộc nhóm độc hại vào địa bàn thành phố Việt Trì, huyện Thanh Thủy, thị xã Phú Thọ và khu vực đầu nguồn nước, các con sông; tập trung xây dựng các dự án hóa chất có quy mô lớn, công nghệ hiện đại tại các khu, cụm công nghiệp; hình thành chuỗi tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất ngành công nghiệp hóa chất trong cả nước, để nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất hóa chất trên địa bàn. Tỉnh cũng sẽ xây dựng kế hoạch di dời các dự án sản xuất hoá chất tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng môi trường, môi sinh tại khu vực thành phố Việt trì vào các khu công nghiệp.

Cùng với đó, tỉnh cũng sẽ kiện toàn công tác quản lý nhà nước về công nghiệp, khắc phục sự chồng chéo, phối hợp thiếu đồng bộ, chưa hiệu quả giữa các ngành, các cấp gây cản trở cho phát triển ngành hóa chất; tập trung chỉ đạo hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thủ tục đầu tư, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với phát triển công nghiệp; xây dựng hệ thống chính sách ưu đãi, thông thoáng gắn với xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư từ nguồn vốn trong và ngoài nước cho phát triển công nghiệp vật liệu; có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuẩn bị mặt bằng, xây dựng hạ tầng khu cụm công nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, xúc tiến tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đổi mới công nghệ.

Giai đoạn 2021-2025, ngành công nghiệp hóa chất của tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm đạt 5,8-6,0%/năm và giai đoạn 2026-2030 đạt 10,05%/năm. Trong đó, các sản phẩm chủ lục, có thế mạnh như: PAC nâng công suất lên 350.000 tấn/năm; xút đạt công suất 550.000 tấn/năm. Sản phẩm phân hữu cơ, hữu cơ khoáng, hữu cơ khoáng vi sinh công suất cũng nâng công suất lên 50.000 - 100.000 tấn/năm. Đồng thời tỉnh cũng sẽ chú trọng phát triển mạnh các nhóm phân ngành hoá dược, điện hóa học, nhóm sản phẩm hoá chất tiêu dùng, tạo nền tảng sớm đưa Phú Thọ cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp.

Thúy Hằng

Lượt xem: 1.091
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 80
Hôm qua : 506