Tăng cơ hội tiếp cận việc làm cho người lao động

Để phát triển thị trường lao động thích ứng với quá trình chuyển đổi số, những năm qua, Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển hệ thống sàn giao dịch việc làm (GDVL). Trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động trên môi trường số.

Mỗi phiên GDVL trực tuyến thu hút 400-600 lao động trong tỉnh tham gia.

Hiện nay, các doanh nghiệp có xu hướng dịch chuyển từ môi trường làm việc truyền thống sang môi trường làm việc số để tạo sự thuận tiện, nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và chi phí, đồng thời đảm bảo sự liên thông giữa các vùng miền, tạo điều kiện cân bằng, ổn định thị trường lao động, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Xác định được tầm quan trọng của việc số hóa trong kết nối cung cầu giữa doanh nghiệp và người lao động, Trung tâm đã tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm bằng hình thức trực tuyến, thường xuyên cập nhật, đăng tải các thông tin việc làm, tuyển dụng trên Website, mạng xã hội.

So với sàn GDVL truyền thống, phiên GDVL trực tuyến có nhiều ưu điểm, đây là hoạt động diễn ra theo hai chiều, có sự tương tác trực tiếp giữa doanh nghiệp và người lao động với cán bộ phỏng vấn qua phần mềm hỗ trợ. Tại đây, người lao động có nhu cầu tìm việc, học nghề sẽ được tư vấn, giới thiệu, cung cấp thông tin thị trường lao động, các chế độ, chính sách về lĩnh vực việc làm, tiền lương bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Người lao động chỉ cần một phương tiện có kết nối internet là có thể tìm hiểu một cách đầy đủ nhất thông tin về doanh nghiệp và thực hiện trả lời phỏng vấn trực tuyến.

Sự linh hoạt, mở rộng trong tổ chức các phiên GDVL trực tuyến đã giúp người lao động và doanh nghiệp “tìm” được nhau. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã tổ chức được 10 phiên GDVL trực tuyến kết nối với các đơn vị tuyển dụng lao động của các tỉnh, thành phố trong khối, thu hút trên 3.000 lao động tham gia. Riêng trong tháng 11, Trung tâm tổ chức bốn phiên, trong đó mỗi phiên thu hút được 400-600 lao động tham gia, mở ra cơ hội có việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Hùng - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm - Giáo dục nghề nghiệp tỉnh, hình thức kết nối trực tuyến giữa doanh nghiệp và người lao động bắt đầu được tổ chức thực hiện từ năm 2012, song hoạt động này thực sự được “nở rộ” và thu hút nhiều doanh nghiệp, người lao động tham gia từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát. Hiện nay, trung bình mỗi năm, Trung tâm tổ chức từ 8-10 phiên GDVL trực tuyến thay vì 2-3 phiên như trước đây. Thông qua phiên giao dịch, nhiều lao động đã được tư vấn các thông tin về việc làm, hiểu rõ những thế mạnh, khả năng của bản thân trước yêu cầu của thị trường lao động để có lựa chọn phù hợp. Các doanh nghiệp cũng yên tâm về nguồn lao động khi có nhu cầu mở rộng quy mô sản xuất.

Bên cạnh tổ chức các phiên GDVL trực tuyến, Trung tâm thường xuyên cập nhật thông tin tuyển dụng, các nội dung liên quan đến việc làm như: Ngành nghề, công việc, doanh nghiệp tuyển dụng trong tỉnh và nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước lên Website chính thức tại địa chỉ “vieclamphutho.gov.vn”.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm Website có trên 100.000 lượt người truy cập và hơn 1.000 doanh nghiệp đã đăng ký đăng thông tin tuyển dụng. Cùng với đó, trên nền tảng mạng xã hội Facebook của Trung tâm cũng đã có hơn 3,2 nghìn lượt người theo dõi, trên 3,1 nghìn lượt thích để tìm kiếm thông tin, việc làm.

Việc ứng dụng số hóa thị trường lao động đã phát huy thế mạnh giúp các thông tin về cung - cầu lao động được truyền tải nhanh hơn đến mọi đối tượng, ở các khu vực khác nhau. Người lao động cũng dễ dàng tiếp cận, theo dõi được vị trí việc làm, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp một cách thường xuyên, liên tục, cập nhật có hệ thống và độ tin cậy cao, đóng góp tích cực vào công tác giải quyết việc làm tại địa phương.

Để công tác thông tin, tư vấn giới thiệu việc làm được thực hiện hiệu quả trên nền tảng số, Trung tâm đã chủ động kết nối với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, các trường học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh nghề, đồng thời liên kết với Ban Quản lý các khu công nghiệp, doanh nghiệp thường xuyên rà soát, nắm bắt tình hình sử dụng, kế hoạch tuyển dụng lao động nhằm bảo đảm cung ứng lao động kịp thời.

Trong thời gian tới, ngoài việc tổ chức các sàn GDVL thường xuyên theo kế hoạch, Trung tâm dự kiến tổ chức mỗi tháng từ 2-4 phiên GDVL trực tuyến kết nối với các tỉnh, thành phố để mở rộng cơ hội tìm kiếm việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh một cách thuận lợi, giảm thiểu tối đa chi phí phát sinh, nhất là các lao động có nhu cầu tìm việc làm ở xa. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn bộ hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống sàn GDVL, thúc đẩy các hoạt động GDVL trực tuyến để nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối giữa doanh nghiệp và người lao động.

Trung tâm cũng chú trọng công tác đào tạo, nâng cao kỹ năng giới thiệu, tư vấn việc làm cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, góp phần nâng cao hiệu quả kết nối cung cầu, giúp thị trường lao động từng bước đồng bộ, hiện đại, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Lượt xem: 211
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 235
Hôm qua : 1.050