• :
  • :
Trang thông tin điện tử Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ - Đường dây nóng: 0210.3843021

Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt

Năm 2023, được xác định là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Với quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, hướng thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch, mua sắm thông qua các phương tiện thanh toán điện tử đang ngày càng trở nên phổ biến, mang lại nhiều lợi ích thiết thực, được đông đảo người dân ưu tiên lựa chọn.

Khách hàng sử dụng phương thức “quẹt thẻ” để thanh toán tiền mua sắm tại Co.opmart Việt Trì.

An toàn, tiện lợi

Sáng cuối tuần, quán phục vụ ăn sáng ở thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng của anh Nguyễn Văn Quyết thường rất đông khách hàng. Anh Quyết chia sẻ: “Hai năm gần đây, khách hàng của quán thường yêu cầu chuyển khoản để thanh toán tiền đồ ăn thức uống, vì vậy tôi đã tìm hiểu cập nhật công nghệ số thanh toán không dùng tiền mặt. Từ ngày tạo mã QR, tôi thấy rất tiện lợi cho khách lẫn cho mình. Khách hàng chỉ cần quét mã QR xong là tiền đã chuyển vào tài khoản mà chủ quán không phải vất vả tìm tiền lẻ trả lại”.

Trên thực tế, thanh toán qua mã QR, ví điện tử, Internet Banking, Mobile Banking… đã trở thành thói quen của nhiều người dân từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là khách hàng trẻ. Nếu như trước đây, mọi người luôn phải mang theo tiền mặt khi đi ăn uống, mua sắm thì hiện nay chỉ với một tấm thẻ ATM hay điện thoại di động sẽ thanh toán được mọi dịch vụ. Các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng và cả người bán hàng tại chợ truyền thống đã dần chấp nhận hình thức thanh toán không dùng tiền mặt. Điều này giúp tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả người bán và người mua. Thậm chí, gần đây phần lớn các khoản sinh hoạt chi tiêu trong gia đình như: Tiền điện, tiền nước, tiền mạng internet, tiền học phí của con… đều được người dân thanh toán qua ứng dụng trên điện thoại.

Phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành thói quen của nhiều người, nhất là sau đại dịch COVID-19. Bởi trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhiều hoạt động bị gián đoạn, để việc giao dịch, mua sắm không bị ảnh hưởng, người dân đã thay đổi thói quen từ thanh toán tiền mặt qua thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số. Qua đó, người dân đã thấy rõ lợi ích thiết thực của việc thanh toán điện tử dựa trên công nghệ số và tạo thành thói quen sử dụng hình thức thanh toán này trong giao dịch hàng ngày; trong đó, phổ biến nhất là trong thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, chi trả viện phí.

Quản lý và bán điện cho trên 430.000 khách hàng sử dụng điện, Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp với các nhà mạng và hệ thống ngân hàng cung cấp các dịch vụ thanh toán điện tử nhằm giúp khách hàng không tốn chi phí, thời gian đi lại mà vẫn chủ động thanh toán mọi lúc, mọi nơi một cách an toàn, chính xác. Hiện tại, trên 80% khách hàng tiến hành trả tiền điện qua ngân hàng điện tử hoặc các ví điện tử như Momo, VNPT money, Viettel money. Nhờ đó, đơn vị đã hạn chế được tình trạng khách hàng quên, chậm đóng tiền điện.

Viettel Phú Thọ hướng dẫn khách hàng đăng ký ứng dụng ViettelPay trên điện thoại di động để thanh toán tiền điện.

Đồng chí Nguyễn Quang Lâm - Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ khẳng định: “Không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho khách hàng, việc thanh toán không dùng tiền mặt còn giúp ngành điện tối ưu hóa nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động, tạo ra sự minh bạch và chống thất thu thuế cho Nhà nước”.

Trên địa bàn tỉnh hiện có bốn trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống cùng nhiều cửa hàng tiện lợi, tạp hóa phân bố ở khắp các huyện, thành, thị. Bắt kịp xu thế thanh toán tiêu dùng không dùng tiền mặt, các cơ sở kinh doanh, các siêu thị, cửa hàng tiện ích đã tích cực thực hiện chuyển đổi số thanh toán điện tử và ngay những người kinh doanh nhỏ lẻ, tiểu thương buôn bán tại chợ cũng chú trọng đến việc áp dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Chị Đỗ Thị Phượng ở xã Chân Mộng, huyện Đoan Hùng cho biết: Hầu hết các siêu thị, cửa hàng, cơ sở kinh doanh hiện nay đều chấp nhận thanh toán bằng hình thức chuyển khoản, quẹt thẻ ATM hoặc qua các app khác. Do vậy, khi đi mua sắm, tôi chỉ cần mang theo ít tiền mặt để trả khi mua những món hàng có giá trị nhỏ, còn lại hầu hết đều thực hiện thanh toán điện tử. Hình thức thanh toán này rất tiện lợi, nhanh gọn; đặc biệt là giúp tôi yên tâm khi đi ra ngoài vì không mang theo nhiều tiền mặt trong người.

Với trên 80% hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có điện thoại thông minh, việc sử dụng tài khoản ngân hàng hay “tài khoản tiền di động” giúp việc thanh toán diễn ra thuận lợi, an toàn cho cả người trả và đối tượng nhận tiền. Chỉ với vài thao tác dễ dàng, nhanh chóng trong ít giây, khách hàng không phải mất thời gian chờ đợi đưa tiền mặt hay nhận tiền thừa, người bán cũng không phải lo lắng như nhận phải tiền giả nhất là trong những giao dịch có giá trị lớn, các giao dịch ở xa.

Người dân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt tại các chợ truyền thống thông qua quét mã QR trên ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng.

Xu thế tất yếu

Để tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt, thúc đẩy thương mại điện tử, thương mại số, thời gian qua, tỉnh đã đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, mục đích của việc thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu phát triển thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, đẩy mạnh thanh toán điện tử đối với dịch vụ hành chính công. Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là trong việc thu, nộp ngân sách nhà nước; hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thanh toán số, không dùng tiền mặt.

Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã triển khai dịch vụ thanh toán điện tử trong thực hiện thủ tục hành chính thông qua các hình thức: Thanh toán thẻ qua máy POS đặt tại quầy thu phí, lệ phí của Trung tâm Hành chính công tỉnh; thực hiện thanh toán qua tài khoản thẻ, thiết thực góp phần tạo thuận tiện cho tổ chức, công dân trong việc thanh toán phí, lệ phí thủ tục hành chính bằng phương thức không dùng tiền mặt. Đây được xem là khâu rất quan trọng trong cải cách hành chính, là xu thế tất yếu nhằm xây dựng hệ thống quản trị tài chính công hiện đại, minh bạch.

Tại các địa phương, hoạt động triển khai thanh toán không dùng tiền mặt được quan tâm thực hiện bằng nhiều giải pháp, nổi bật là việc triển khai mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt trong trao đổi, mua bán tại các chợ trên địa bàn tỉnh. Với mục đích hình thành thói quen và góp phần xây dựng công dân số, đưa thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu đến người dân từ mô hình chợ thanh toán không dùng tiền mặt, tiểu thương, người dân có thể mua bán hàng tại chợ bằng cách quét mã QR hay chuyển tiền qua ứng dụng Viettel Money, VNPT Money của Viettel, VNPT nhanh, thuận tiện mà không cần phải thanh toán bằng tiền mặt, tránh rủi ro về tiền rách, tiền giả.

Với những tiện ích thiết thực, tỉnh ta đang đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, 50- 80% người dân từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 20 - 25%/năm, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng giao dịch qua kênh điện thoại di động đạt 50 - 80%/năm, tỉ lệ cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua các kênh thanh toán điện tử đạt 40%.

Thời gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy hình thức thanh toán không dùng tiền mặt phát triển trong hoạt động thương mại điện tử; tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp, người tiêu dùng sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt; phối hợp với các đơn vị liên quan để giải đáp thắc mắc, xử lý khiếu nại cho khách hàng khi có yêu cầu, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Lượt xem: 1.080
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 277
Hôm qua : 834