Từ “Zero COVID-19” sang “sống chung an toàn với dịch”

Người dân được lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc COVID-19 trên diện rộng.

 

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 8/9/2021 thừa nhận rất khó xóa bỏ dịch COVID-19, virus đã thâm nhập sâu trong cộng đồng và sẽ tồn tại lâu dài. Như vậy, WHO đã cho thấy sự thay đổi trong quan điểm ứng phó với dịch bệnh từ “Zero COVID-19” (Chiến lược dập tắt hoàn toàn dịch bệnh) sang “sống chung an toàn với COVID-19”. Thực tế đang ngày càng có nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi chiến lược phòng chống dịch bệnh theo hướng này, trong đó có Việt Nam. Sau gần hai năm xuất hiện với diễn biến phức tạp, bám sát chỉ đạo của Trung ương và linh động phản ứng nhanh trong tình hình thực tế, Phú Thọ đã và đang triển khai nhiều biện pháp hiệu quả để “sống chung an toàn với dịch”.

 

Luôn trong tâm thế sẵn sàng chủ động

 

Gần hai năm nay, Phú Thọ phải đối mặt với nhiều đợt dịch COVID-19 bùng phát và lây lan. Với sự chủ động trong phòng, chống dịch, tỉnh luôn nằm trong top tỉnh an toàn, là “vùng xanh” trong cả ba đợt dịch liên tiếp. Tuy nhiên, đợt dịch thứ 4 gây ra bởi biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, mạnh và khó lường, đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến chiến lược phòng, chống dịch của tỉnh.

 

Trước thời điểm dịch bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh vào giữa tháng 10/2021, Phú Thọ đã chủ động xây dựng kịch bản chi tiết và có sự chuẩn bị sẵn sàng để ứng phó. Ngay khi phát hiện có ca bệnh tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao (đêm 14/10), tỉnh đã tổ chức khoanh vùng, thần tốc lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc test nhanh cho 100% người dân tại khu vực phong tỏa. Đồng thời, tạm dừng hoạt động một số phân xưởng của các doanh nghiệp có ca bệnh liên quan để rà soát, truy vết, xử lý môi trường theo quy định. Ngay sau đó, nhận định “dịch đã ngấm rất sâu và rất lâu từ trước”, tỉnh lập tức chỉ đạo tất cả các địa phương có ca nhiễm tạm dừng các hoạt động dịch vụ, tập trung đông người và học tập trực tiếp để khoanh vùng, truy vết. Đặc biệt, triển khai lấy mẫu xét nghiệm test nhanh kháng nguyên cho toàn bộ người dân tại các địa phương có ca lây nhiễm, song song với việc xét nghiệm những khu vực nguy cơ cao để sàng lọc các ca nghi nhiễm trong cộng đồng, áp dụng nhanh các biện pháp xử trí kịp thời.

 

Đồng chí Nguyễn Huy Ngọc – TUV, Giám đốc Sở Y tế cho biết: Từ các bài học kinh nghiệm sau các đợt hỗ trợ địa phương khác chống dịch, ngành Y tế đã chủ động xây dựng và triển khai mô hình tháp ba tầng điều trị cho người mắc COVID-19. Trong đó, tầng 1 là các cơ sở thu dung, điều trị người bệnh không triệu chứng hoặc điều trị F0 tại nhà, được chính quyền địa phương theo dõi và giám sát chặt chẽ. Bên cạnh đó, kích hoạt mô hình trạm y tế lưu động, tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 để phục vụ công tác khám, chữa bệnh tại nhà. Tầng 2, kích hoạt Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 02 cấp tỉnh và các BVDC cấp huyện nhằm sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, song song với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu cách ly y tế tập trung số 02 (khu 7, xã Tiên Kiên, huyện Lâm Thao) nhằm chủ động ứng phó với các tình huống xảy ra. Tầng 3 là Bệnh viện dã chiến số 01 cấp tỉnh, đặt tại Trung tâm Hồi sức ICU cấp vùng, dùng để điều trị các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch không chỉ của tỉnh mà của cả các tỉnh lan cận như Tuyên Quang, Yên Bái, Lào Cai…

TP Việt Trì triển khai chiến dịch tiêm phòng vắc xin COVID-19 cho người dân toàn thành phố.

 

Cùng với công tác chống dịch, chiến dịch tiêm phòng vắc xin COVID-19 có quy mô lớn nhất từ trước tới nay cho toàn bộ người dân trên địa bàn tỉnh đã được triển khai nhằm sớm đạt miễn dịch cộng đồng. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêm hơn một triệu mũi vắc xin phòng COVID-19 cho người từ 18 tuổi trở lên, trong đó gần 880 nghìn người được tiêm mũi thứ nhất, hơn đạt tỷ lệ bao phủ trên 83%, 126 nghìn người được tiêm đủ hai mũi, nhờ vậy, cấp độ dịch toàn tỉnh vẫn đang ở cấp 2 – cấp nguy cơ trung bình theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ và Quyết định 4800/QĐ-BYT, ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế.

 

Thích ứng với “trạng thái bình thường mới”

 

Cùng với một kế hoạch chi tiết đáp ứng với từng tình huống cụ thể, Phú Thọ đã và đang áp dụng linh hoạt các Nghị quyết của Chính phủ vào thực tiễn cuộc sống để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, tiến tới “sống chung” với dịch.
Ngay khi Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", UBND tỉnh Phú Thọ đã ra Quyết định số 2684/QĐ-UBND về việc tạm dừng hoạt động 10 chốt kiểm soát dịch COVID-19 tại các cửa ngõ ra, vào tỉnh nhằm tạo sự thông thoáng cho nhu cầu đi lại, giao thương và khôi phục kinh tế. Tuy quyết định được đưa ra khi các ca nhiễm mới vẫn đang có chiều hướng gia tăng, nhưng đây là bước đi cần thiết và hợp lý nhằm huy động tối đa nhân lực để triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên toàn tỉnh, cũng như sẵn sàng chi viện cho các đơn vị, địa phương khi có yêu cầu. Cùng với đó, tăng cường công tác phòng chống dịch trên địa bàn trong đó cụ thể hóa bằng số liệu cho từng biện pháp ứng phó theo các cấp độ dịch để các địa phương chủ động và thống nhất trong chỉ đạo điều hành. Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền đến từng người dân về các biện pháp thích ứng, linh hoạt, sống chung an toàn với dịch; khuyến khích và hướng dẫn người dân tự xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên để chủ động phòng chống dịch bệnh.

 

Xác định để có nền tảng vững chắc cho việc thích ứng với “trạng thái bình thường mới”, điều kiện tiên quyết là phải đẩy nhanh tốc độ bao phủ vắc xin, tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch nhằm triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 với quy mô lớn nhất từ trước tới nay cho toàn bộ người dân, trong đó yêu cầu: Đến hết tháng 11/2021, trên 90% người dân trên 18 tuổi của tỉnh được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin; hết tháng 3/2022, phấn đấu 100% trẻ từ 12 đến 17 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh được tiếp cận tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó 95% trẻ được tiêm đủ 02 mũi.

 

Quan điểm “thần tốc truy vết, xét nghiệm nhanh, khoanh vùng gọn” nhằm sớm khống chế được dịch bệnh, duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội và ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân đã được khẳng định qua các chỉ đạo xuyên suốt từ tỉnh đến địa phương. Đặc biệt, tại hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, ngày 29/10, Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu một lần nữa khẳng định: “Cần quán triệt tốt các nguyên tắc trong phòng chống dịch, đặc biệt trong cách tiếp cận toàn dân với quan điểm “lấy xã phường là pháo đài, người dân là chiến sĩ”. Tiếp tục thực hiện tốt 3 trụ cột trong công tác phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Cách ly nhanh nhất, hẹp nhất, nghiêm ngặt nhất có thể; xét nghiệm thần tốc, nhanh hơn tốc độ lây lan của dịch, bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; điều trị tích cực từ sớm, từ xa, từ ngay tại cơ sở. Đồng thời, tiếp tục thực hiện hiệu quả phương châm 5K + vaccine + điều trị + công nghệ + đề cao ý thức người dân + các biện pháp cần thiết khác.”

 

Bên cạnh đó, dựa trên các nội dung chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 105/NQ-CP ngày 09/9/2021 về hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 nhằm khôi phục nền kinh tế, tỉnh giao việc cho từng sở, ngành tập trung giải quyết khó khăn, hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với đảm bảo an toàn phòng, chống dịch với phương châm “an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Tỉnh cũng đã thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhằm chủ động tiếp cận, nắm bắt thông tin, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, sớm đưa tỉnh trở lại “trạng thái bình thường mới”. Bên cạnh đó, chính thức đưa vào hoạt động Trang thông tin “Phú Thọ với Doanh nghiệp” trên ứng dụng Zalo để doanh nghiệp có thể gửi ý kiến trực tiếp đến Tổ công tác cũng như tiếp cận thông tin chính thống về các chủ trương chính sách, các giải pháp của tỉnh.

 

Có thể thấy, các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 đã được tỉnh thực hiện quyết liệt, bảo đảm hài hòa giữa bảo vệ sức khỏe của nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội. Việc thay đổi chiến lược sang sống chung an toàn với COVID-19 là bước chuyển hướng đúng đắn và rất kịp thời, phù hợp với những diễn biến về công tác phòng chống dịch hiện nay. Trong khi chưa có thuốc đặc trị, tuy tỷ lệ bao phủ vắc xin đang ngày một gia tăng, nhưng mỗi người dân tuyệt đối không được lơ là, chủ quan hay mất bình tĩnh mà phải nâng cao hơn nữa ý thức phòng, chống dịch; mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương cần phát huy tính chủ động, sáng tạo trong kiểm soát tình hình dịch bệnh, tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội; sớm đưa đời sống sinh hoạt của nhân dân dần về “trạng thái bình thường mới”. 

Lượt xem: 1.125
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 313
Hôm qua : 1.194