TUYÊN TRUYỀN VỀ PHÒNG CHỐNG RÁC THẢI NHỰA
Những năm gần đây, rác thải nhựa đang là vấn đề nhức nhối mang tính toàn cầu. Mỗi năm lượng rác thải nhựa do con người thải ra đủ để phủ kín 4 lần diện tích bề mặt Trái đất, trong đó có 13 triệu tấn rác nhựa trôi nổi trên các đại dương. Theo thống kê của Bộ Tài Nguyên và Môi Trường, Việt Nam hiện nằm trong 4 quốc gia có lượng phế phẩm nhựa thải ra môi trường nhiều nhất thế giới, ước tính hơn 1,8 triệu tấn mỗi năm. Lượng nhựa tiêu thụ tính trên đầu người ở Việt Nam vào năm 1990 chỉ có 3,8 kg, nhưng đến năm 2015 con số này đã tăng đột biến lên 41 kg. Mặc dù hiện nay nhu cầu sử dụng sản phẩm nhựa của người dân còn cao nhưng khả năng xử lí rác thải nhựa ở Việt Nam vẫn rất hạn chế, chỉ khoảng 27% nhựa phế thải được tái chế đúng cách và hiệu quả. Không những thế, Việt Nam còn là 1 trong 5 nước có lượng rác thải nhựa đổ ra biển nhiều nhất thế giới, lên đến 0,73 triệu tấn mỗi năm. Nếu như không có hành động cụ thể, thiết thực nào để ngăn chặn tình trạng này, đến năm 2050, biển Việt Nam có nguy cơ chứa nhiều rác thải nhựa hơn sinh vật biển.
Ngày 05/02/2021 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 175/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021 - 2025"nhằm tăng cường phối hợp giữa các ban, bộ, ngành và địa phương cùng chung tay nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử trách nhiệm của toàn xã hội trong việc sử dụng, quản lý rác thải nhựa, bảo đảm phù hợp với thực tiễn và thực hiện có hiệu quả các mục tiêu chiến lược của Đảng, Nhà nước về quản lý và giảm thiểu rác thải nhựa;Thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết của Việt Nam với quốc tế trong giải quyết các vấn đề rác thải nhựa mà trọng tâm là rác thải nhựa đại dương, bảo đảm ngăn ngừa việc xả rác thải nhựa từ các nguồn thải trên đất liền và các hoạt động trên biển, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia tiên phong trong khu vực về giảm thiểu rác thải nhựa xả thải ra môi trường.
Để giải quyết được vấn đề rác thải nhựa trước hết đòi hỏi mỗicán bộ, công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng hành động cụ thể, thiết thực: Thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, các loại bao bì, túi ni-lông thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường. Tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống và làm việc bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; xử lý, lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng…
Để góp phần giảm thiểu tối đa tác hại của túi nilon nguời sử dụng cần hạn chế sử dụng túi nilon thông thuờng bằng cách sử dụng các loại bao bì, túi đựng hàng hóa bằng các loại sản phẩm, sản xuất vật liệu sinh học của một số doanh nghiệp, cơ sở đã thử nghiệm, sản xuất thành công và quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng về lợi ích, công năng sử dụng nhiều lần và có khả năng phân huỷ sinh học khi đi mua hàng; không nên dùng túi nilon rẻ tiền, có màu để đựng thực phẩm, đặc biệt là không được dùng để đựng thực phẩm nóng, có vị chua. Sau khi sử dụng xong không được tự ý đốt hay chôn lấp mà phải phân loại riêng túi nilon để công ty môi truờng thu gom và tiêu huỷ theo quy định
Phòng Kế hoạch & Môi trường