XÂY DỰNG VĂN HÓA VÀ CHUẨN MỰC VĂN HÓA CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP.

        Xây dựng, phát triển văn hóa con người có vai trò vô cùng quan trọng đối với mục tiêu phát triển và tiến bộ xã hội, góp phần kiến tạo nền tảng tinh thần cho đất nước; tạo động lực, nguồn lực nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước và khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa. Chính vì thế, Đảng ta luôn chú trọng công tác xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa hiện nay. Trong định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Tăng đầu tư cho phát triển sự nghiệp văn hóa. Xây dựng, phát triển, tạo môi trường và điều kiện xã hội thuận lợi nhất để khơi dậy truyền thống yêu nước, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tài năng, trí tuệ, phẩm chất của con người Việt Nam là trung tâm, mục tiêu và động lực phát triển quan trọng nhất của đất nước. Như vậy, chúng ta thấy rằng, cùng với việc làm tốt công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh thì thực hiện hiệu quả định hướng phát triển văn hóa của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình phát triển chung của đất nước. Phát triển nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, trên nền tảng bản sắc riêng có; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển.

Tỉnh Phú Thọ hiện có 04 khu công nghiệp (KCN) và 02 cụm công nghiệp (CCN) do Ban Quản lý các KCN Phú Thọ quản lý đã đi vào hoạt động với 183 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh (90 doanh nghiệp FDI), trong đó có 150 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh ổn định (75 doanh nghiệp FDI); ngành nghề sản xuất kinh doanh chính trong KCN, CCN chủ yếu ở các lĩnh vực như sản xuất linh kiện điện tử, may mặc, sản xuất bao bì, vải bạt PP, PE, sản xuất vật liệu xây dựng, cơ khí …vv. Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2023 được thể hiện qua các chỉ tiêu chủ yếu như sau: Doanh thu ước đạt 52.196 tỷ đồng, bằng 148% so với cùng kỳ năm trước, đạt 87% so với kế hoạch năm; Nộp ngân sách nhà nước đạt 854 tỷ đồng, bằng 121% so với cùng kỳ năm trước, đạt 57% so với kế hoạch năm; Giá trị xuất khẩu ước đạt 7.203 triệu USD, bằng 88% so với cùng kỳ năm trước, đạt 60% so với kế hoạch năm; Tổng số lao động đến thời điểm báo cáo là 54.450 người, bằng 110% so với cùng kỳ năm trước, đạt 95,5% so với kế hoạch năm; Thu nhập bình quân là 7,1 triệu đồng/người/tháng, bằng 100% so với cùng kỳ năm trước.

          Cùng với sự ra đời và phát triển của các KCN, CCN; những năm qua đội ngũ công nhân lao động tăng nhanh về số lượng và chất lượng ngày càng được nâng lên rõ rệt; đời sống vật chất cũng như tinh thần của công nhân lao động làm việc trong các khu, cụm công nghiệp đã dần được cải thiện đáng kể, nhất là một bộ phận công nhân lao động có trình độ, tay nghề cao, làm việc trong các doanh nghiệp hoạt động ngày càng hiệu quả. Công tác xây dựng văn hóa và chuẩn mực văn hóa cho công nhân lao động nói chung, công nhân làm việc trong các khu, cụm công nghiệp nói riêng được các cấp, các ngành quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và đã đạt được một số kết quả nhất định. Tư tưởng, đạo đức, tác phong, lối sống và nếp sống là một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng chuẩn mực văn hóa đã có những chuyển biến tích cực; đại bộ phận công nhân lao động phấn khởi trước những thành tựu đổi mới của đất nước, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; có ý thức chấp hành kỷ luật, kỷ cương lao động, tự giác học tập để nâng cao trình độ; ý thức về giá trị của bản thân trong lao động, sản xuất được nâng lên, dần hình thành tác phong công nghiệp và bước đầu thích ứng với cơ chế thị trường….vv. Việc xây dựng văn hóa và chuẩn mực văn hóa cho công nhân lao động trong các KCN, CCN được công đoàn các cấp thường xuyên quan tâm và đã có những hoạt động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước, người sử dụng lao động tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan; xây dựng tủ sách pháp luật; các điều kiện cho công nhân về phương tiện làm việc, nhà ở; hỗ trợ học tập nâng cao trình độ, hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, ốm đau, hoạn nạn; phối hợp với người sử dụng lao động tuyên truyền và thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp. Công đoàn tỉnh Phú Thọ cũng đã triển khai thực hiện nhiều mô hình hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức chính trị, giáo dục, phổ biến pháp luật, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân như các chương trình văn hóa, văn nghệ, các giải thi đấu, giao lưu thể thao, các hoạt động xã hội, ... để từ đó giúp công nhân ổn định cuộc sống, có biện pháp tự bảo vệ mình, nâng cao sức khỏe, yên tâm lao động, sản xuất. Những hoạt động này đã được đa số các doanh nghiệp và công nhân ủng hộ, bước đầu mang lại kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên cùng với sự phát triển kinh tế, khi hàng chục ngàn công nhân trong và ngoài tỉnh về làm việc tại các doanh nghiệp trong KCN, CCN đã tạo ra sự giao lưu, giao thoa văn hóa, bên cạnh những yếu tố tích cực cũng tồn tại những yếu tố tiêu cực như mê tín dị đoan, tình trạng lệch chuẩn văn hóa, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Những vấn đề này nếu không giải quyết tốt sẽ tạo cơ hội cho các thế lực, đối tượng thù địch, phản động tìm cách xâm nhập, móc nối, chống phá, tuyên truyền sai lệch chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước; nhất là trong một bộ phận công nhân đời sống còn khó khăn nhằm phá hoại khối đại đoàn kết. Mặc dù đã có sự quan tâm đầu tư song các thiết chế văn hóa ( như trạm y tế, trường học, nhà văn hóa, câu lạc bộ, các thiết chế về văn hóa, ...) tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh vẫn chưa được hoàn thiện. Điều kiện sống của công nhân chưa được cải thiện đáng kể, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí còn mang tính mùa vụ. Nhiều công nhân sống trong các khu nhà trọ chật hẹp, sơ sài, thiếu thốn, mới chỉ đảm bảo nhu cầu ăn, nghỉ. Công nhân chủ yếu sử dụng điện thoại phục vụ cho mục đích giải trí, ít quan tâm chương trình thời sự, thông tin chính thống trên kênh phát thanh, truyền hình. Vì vậy, công nhân là đối tượng dễ bị lôi kéo vào các hoạt động thiếu lành mạnh; đã xuất hiện một bộ phận công nhân sa vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật như trộm cắp tài sản, đánh bạc và tổ chức đánh bạc, nghiện ma túy, hoạt động mại dâm, tín dụng đen, gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…vv. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp vì mục tiêu lợi nhuận trước mắt mà chưa dành kinh phí thỏa đáng cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa cho công nhân lao động; các thiết chế văn hóa cho công nhân vừa thiếu vừa yếu; các doanh nghiệp còn thiếu quỹ đất, trong khi đa số doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ. Một số nơi có KCN, CCN, chính quyền địa phương cũng chưa có sự quan tâm đúng mức để chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động; nhiều công nhân, lao động còn tranh thủ làm thêm giờ hoặc công việc khác nên không có nhiều thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao do doanh nghiệp tổ chức. 

Để việc xây dựng giai cấp công nhân lao động Phú Thọ thật sự lớn mạnh, toàn diện, trong đó công tác chăm lo xây dựng văn hóa và các chuẩn mực văn hóa cho công nhân tại các KCN, CCN trên địa bàn tỉnh là yêu cầu rất quan trọng, giúp tái tạo sức lao động, nâng cao năng suất, tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên quê hương Đất Tổ. Để hoàn thành tốt các mục tiêu này, cần xác định và tổ chức thực hiện tốt một số giải pháp sau:

- Một là, đảm bảo về đời sống vật chất cho công nhân lao động luôn ổn định và từng bước nâng cao; tiếp tục xây dựng môi trường văn hóa trong lao động, sản xuất kinh doanh với mục tiêu phát huy ý thức và tinh thần dân tộc, động viên công nhân lao động tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, khơi dậy khát vọng, học tập, đào tạo năng cao tay nghề, chủ động tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật, nhất là công nghệ số vào sản xuất để tăng thu nhập, không ngừng nâng cao chất lượng đời sống cho bản thân, gia đình và xã hội. Như vậy cần phải có cơ chế thu hút đầu tư, lựa chọn đầu tư đối với ngành nghề, doanh nghiệp và tạo điều kiện cho doanh nghệp phát triển ổn định, bền vững để tạo việc làm, thu nhập ổn định và từng bước nâng cao cho người lao động. Đồng thời tạo điều kiện về nhà ở, các tiện ích trong sinh hoạt và đời sống cho người lao động. Đúng như câu nói từ xưa truyền lại: “ Có thực mới vực được đạo”, “ An cư mới lạc nghiệp”

- Hai là, tăng cường đoàn kết, giao lưu trong công nhân, lao động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng nếp sống văn hóa theo định hướng của Đảng bằng các hình thức phù hợp. Hằng năm, tổ chức tập huấn cho công nhân các kỹ năng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát động phong trào thi đua học tập nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, văn hóa, kiến thức xã hội cho công nhân, nhân rộng gương người tốt, việc tốt. Công đoàn các cấp cần tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền xây dựng nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp, xây dựng hình ảnh người công nhân có lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí vượt khó, vươn lên, tích cực tham gia hoạt động văn hóa, thể thao, chấp hành nghiêm pháp luật, nội quy, quy định của doanh nghiệp và địa phương nơi cư trú, không mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật.

- Ba là, đẩy mạnh phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, rèn luyện thể dục, thể thao trong công nhân lao động. Công đoàn các cấp cần tăng cường tổ chức và hướng dẫn cơ sở tổ chức thường xuyên các hoạt động giao lưu văn nghệ, thể thao, tổ chức các cuộc thi dưới hình thức sân khấu hóa,… Ngoài ra, cần kịp thời tôn vinh những tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng đời sống văn hóa; bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp có nhiều đóng góp trong xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân.

- Bốn là, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa chính quyền các địa phương nơi có KCN, CCN với các doanh nghiệp, các ngành chức năng nhằm khai thác các nguồn lực xã hội phục vụ xây dựng, thực hiện các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, cần phát huy hiệu quả hệ thống thiết chế văn hóa sẵn có ở địa phương, tận dụng tối đa nhà văn hóa của khu dân cư nơi công nhân sinh sống, đào tạo hạt nhân cho phong trào văn hóa ở cơ sở. Công đoàn các cấp tích cực vận động các doanh nghiệp tiếp tục quan tâm, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, tổ chức các hoạt động nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong các doanh nghiệp. 

Lượt xem: 122
Tác giả: Lê Trung Kiên
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 315
Hôm qua : 1.050