Chuyển đổi số - Chìa khóa để phát triển
Chuyển đổi số được hiểu là ứng dụng những tiến bộ về công nghệ số vào mọi hoạt động của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp từ đó tạo ra chìa khóa cho sự phát triển với phương thức mới, những cơ hội và giá trị mới. Tỉnh Phú Thọ đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ theo ba trục: Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.
Kỹ sư Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao vận hành hệ thống sản suất phân bón tự động.
Doanh nghiệp bắt nhịp chuyển đổi số
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay, điều đó đòi hỏi các doanh nghiệp cần đổi mới mô hình, áp dụng chuyển đổi số vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, quảng bá giới thiệu sản phẩm, tương tác với thị trường và khách hàng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh mới. Qua thực tế triển khai đã bước đầu có những kết quả tích cực, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào sản xuất, kinh doanh, cùng với việc đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại, các doanh nghiệp đã ứng dụng hệ thống phần mềm quản lý sản xuất, quản trị tổng thể doanh nghiệp, kết nối thiết bị theo công nghệ IoT để quản lý tự động hoá dây chuyền sản xuất.
Là đơn vị có tác động mạnh mẽ đến nhiều mặt của đời sống xã hội cũng như sản xuất của các đơn vị, doanh nghiệp khác, Công ty Điện lực Phú Thọ sớm triển khai chuyển đổi số nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành, kinh doanh.
Hiện nay, Công ty đã hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu cho bảy phần mềm dùng chung lớn phục vụ công tác sản xuất, kinh doanh và quản lý vận hành lưới điện. Đầu tư tự động hóa mạch kết vòng lưới điện trung áp, điều khiển các thiết bị đóng cắt trên lưới điện về Trung tâm điều khiển xa, hệ thống lưới điện thông minh đã tự động phân lập sự cố, xác định điểm sự cố, khôi phục lưới, thực hiện chạy các bài toán vận hành tối ưu lưới điện trung áp...
Đối với lĩnh vực kinh doanh, khách hàng có thể tiếp cận, sử dụng dịch vụ ngành điện trực tuyến trong đăng ký cấp điện mới, thanh toán tiền điện, tra cứu thông tin mất điện, tiếp nhận giải quyết yêu cầu khách hàng qua nhiều kênh, trên website chăm sóc khách hàng, Cổng dịch vụ công Quốc gia, Zalo, Facebook...
Phó Giám đốc Công ty Điện lực Phú Thọ Trần Ngọc Hà cho biết: Công ty đã tăng cường công tác tự động hóa trong thu thập chỉ số điện khách hàng. Hơn 80% khách hàng được lắp đặt công tơ điện tử có chức năng đo đếm từ xa và bộ xử lý tập trung để giám sát dữ liệu công tơ, ghi chỉ số điện hằng tháng đảm bảo chính xác, minh bạch, thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, giám sát chỉ số, dễ dàng tra cứu, theo dõi điện năng tiêu thụ hằng ngày. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Công ty CP Gốm sứ CTH hoạt động trong lĩnh vực sản xuất gạch ốp lát cao cấp, vật liệu xây dựng, đóng trên địa bàn thị xã Phú Thọ. Nhận thức rõ việc chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với sự phát triển bền vững, Công ty đang triển khai thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản trị doanh nghiệp với việc xây dựng hệ thống ERP (Hoạch định nguồn lực của doanh nghiệp).
Từ quy trình quản lý chất lượng sản phẩm cho đến giải quyết các chế độ cho người lao động được Công ty số hóa để phân tích, làm cơ sở đưa ra những quyết định chính xác, kịp thời. Đặc biệt, dữ liệu được kiểm soát từ nguồn, các bước nghiệp vụ được thực hiện gần như tự động, do đó tiết kiệm nhiều về thời gian, chi phí. Sản phẩm của Công ty đang sang thị trường một số quốc gia, bởi vậy thực hiện chuyển đổi số đã tạo thuận lợi cho khách hàng trong đặt hàng, vận chuyển, phản hồi thông tin...
Đại diện các doanh nghiệp trải nghiệm, tìm hiểu giải pháp chuyển đổi số do các doanh nghiệp viễn thông cung cấp.
Hướng đến xây dựng chính quyền số
Để thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 55-NQ/TU, ngày 13/8/2021 về Đề án phát triển chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021- 2025, hướng đến 2030. Sau hai năm thực hiện Nghị quyết với nhiều giải pháp đồng bộ, cơ sở hạ tầng CNTT, hạ tầng số được đầu tư tập trung, thống nhất.
Các hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu, hệ thống mạng diện rộng, hệ thống hội nghị trực tuyến, Trung tâm Điều hành thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn thông tin, Trung tâm Dữ liệu số đang hoạt động ổn định, liên tục, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và khai thác sử dụng của chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số.
Phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh chuyển đổi số trong doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang khẳng định: Chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong các doanh nghiệp nói riêng vừa là nhiệm vụ quan trọng trước mắt vừa là chiến lược phát triển lâu dài, bởi vậy, chủ các doanh nghiệp cần nâng cao nhận thức, quyết tâm trong triển khai thực hiện chuyển đổi số, chấp nhận sự thay đổi, chủ động trong xây dựng kế hoạch, lựa chọn công nghệ, nền tảng số phù hợp với yêu cầu phát triển của doanh nghiệp. Quan điểm là làm tới đâu chắc đến đó, lấy kết quả, hiệu quả đo đếm được khi sử dụng dịch vụ, ứng dụng chuyển đổi số ban đầu để triển khai các bước tiếp theo. Tỉnh Phú Thọ cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh nói chung và chuyển đổi số nói riêng.
Các ngành, lĩnh vực của tỉnh đang chuyển mình trên không gian số, ngày càng nhiều người tiếp cận với phương thức sản xuất mới, các dịch vụ mới... Nhiều phần mềm ứng dụng chuyên như phần mềm HIS, LIS, PACS kết nối liên thông hai chiều với nhau để hỗ trợ và thực hiện các tác nghiệp về khám, chữa bệnh hoàn toàn trên môi trường mạng; phần mềm học bạ điện tử, các phần mềm kê khai và nộp thuế điện tử, thực hiện khai báo hải quan điện tử, kho bạc điện tử, bảo hiểm điện tử, đăng ký kinh doanh qua mạng; ứng dụng “Agritech - Chuỗi nông nghiệp số”, các ứng dụng thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt... giúp chuyển đổi số lan tỏa sâu rộng trong đời sống.
Việc xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu (CSDL) Quốc gia tạo nền tảng phát triển chính quyền số, đảm bảo kết nối liên thông, chia sẻ và thống nhất từ Trung ương tới địa phương. Kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh được triển khai xây dựng; các CSDL chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng trong cơ quan nhà nước. Để hoàn thiện CSDL về dân cư trên địa bàn tỉnh, đến nay đã cấp trên 1,2 triệu thẻ căn cước công dân, cấp 900.824 tài khoản định danh điện tử. Trong đó, đã kích hoạt 810.212 tài khoản, đạt 96,28%, toàn tỉnh đã nhập 1.129.270 dữ liệu hộ tịch trên nền CSDL Quốc gia về dân cư, đạt 96,06%.
Hưởng ứng Ngày chuyển đổi số Quốc gia năm 2023 với Chủ đề “Khai thác dữ liệu số để tạo ra giá trị”, trong quý IV/2023, các địa phương trong tỉnh sẽ tổ chức phát động Chiến dịch “Nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ công trực tuyến”, triển khai các mô hình hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thủ tục hành chính (TTHC), góp phần đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ TTHC, đảm bảo 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn, giảm thời gian xử lý hồ sơ trực tuyến so với nộp trực tiếp, hướng tới mục tiêu tỉ lệ hồ sơ TTHC được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC của tỉnh đạt hơn 80%.
Hệ thống thông tin giải quyết TTHC được triển khai đồng bộ, thống nhất, liên thông đến 100% các cơ quan nhà nước của tỉnh đến cấp huyện, xã, cung cấp 1.988 TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình 670 thủ tục (đạt 33,7%), dịch vụ công trực tuyến một phần 863 thủ tục (đạt 43,4%). Thực hiện kết nối liên thông 1.116 TTHC của tỉnh với Cổng dịch vụ công Quốc gia. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận và giải quyết trực tuyến đạt 69,86%, tăng 34,67% so với năm 2021, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong các giao dịch với cơ quan nhà nước.