Phát triển nhân lực cho chuyển đổi số doanh nghiệp
Xác định nhân lực số là khâu quan trọng để thực hiện chuyển đổi số hiệu quả và bền vững, tỉnh đã đẩy mạnh triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số. Trong đó, các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả quản trị, thúc đẩy tăng trưởng.
Công nhân Công ty CP Giấy Việt Trì được đào tạo, sử dụng nền tảng công nghệ số để vận hành dây chuyền sản xuất.
Đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, việc đẩy mạnh chuyển đổi số sẽ giúp đổi mới công tác quản lý, quản trị, phương thức kinh doanh, tham gia có hiệu quả vào các chuỗi giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh. Các doanh nghiệp đã dần triển khai chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và quản trị nội bộ; ứng dụng các phần mềm, giải pháp vào hoạt động quản lý bán hàng, bán hàng trực tuyến, đa kênh, tiếp thị, quản lý quan hệ khách hàng, quản trị kênh phân phối. Đến nay, 100% doanh nghiệp của tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử với trên 6.100 tổ chức, doanh nghiệp, hơn 1.100 hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai sử dụng hóa đơn điện tử. Chuyển đổi số làm thay đổi đáng kể phương thức sản xuất, từ đó đòi hỏi một lực lượng sản xuất, đặc biệt là lực lượng lao động tương ứng, đồng bộ về trình độ, nhận thức để triển khai, tổ chức thực hiện.
Trong môi trường chuyển đổi số doanh nghiệp, việc đào tạo kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực số là yếu tố then chốt trong xây dựng lực lượng nòng cốt. Trong đó, người lao động là những người trực tiếp tham gia vào việc lập kế hoạch, triển khai và ứng dụng công nghệ số vào công việc, quyết định sự thành công của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số. Nhiều cán bộ chuyên môn của các đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã được tham gia các lớp bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số; tham gia tập huấn, đào tạo kỹ năng sử dụng, khai thác các nền tảng số cho các doanh nghiệp... do các sở, ngành tổ chức. Nhiều doanh nghiệp tổ chức các hoạt động đào tạo nội bộ về ứng dụng công nghệ, kỹ năng nghề, thậm chí đào tạo lại cho người lao động.
Công ty CP Bia Hà Nội - Hồng Hà, thành phố Việt Trì đã tích cực số hoá dữ liệu và thực hiện các giải pháp chuyển đổi số. Ông Lê Văn Tĩnh - Giám đốc Công ty cho biết: “Công ty đã đầu tư nâng cấp nền tảng công nghệ, thiết bị nhằm đáp ứng việc truyền tải, lưu trữ dữ liệu, thông tin phục vụ công tác quản lý; sử dụng phần mềm kế toán và bán hàng liên thông, quản trị nhân sự phù hợp với hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty. Đồng thời sử dụng nhiều phần mềm đi cùng máy móc, thiết bị, các phần mềm này được sử dụng trong nhiều công đoạn khác nhau của quy trình sản xuất như: Nấu bia, lên men bia, lọc bia, chiết bia, kiểm tra chất lượng sản phẩm, phân tích chất lượng nguyên liệu. Để hệ thống vận hành tốt, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, Ban lãnh đạo Công ty quan tâm nâng cao nhận thức, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên, đặc biệt là đội ngũ nhân viên nghiệp vụ của các bộ phận có liên quan đến công nghệ, thiết bị, kỹ thuật, kế toán, tổ chức, tiếp thị, bán hàng”.
Chuyển đổi số mang lại nhiều cơ hội hơn cho doanh nghiệp và người lao động; tạo môi trường, điều kiện làm việc tốt hơn, năng suất chất lượng sản phẩm cao hơn. Cùng với đó, thu nhập của người lao động có trình độ, có kỹ năng nghề nghiệp cũng được cải thiện hơn.
Theo Kế hoạch số 1131/KH-UBND ngày 25/3/2024 của UBND tỉnh về chuyển đổi số tỉnh Phú Thọ năm 2024 có đặt ra các chỉ tiêu cụ thể về phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Về kinh tế số, phấn đấu tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận dùng thử các nền tảng chuyển đổi số đạt trên 90%, tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa thường xuyên sử dụng các nền tảng chuyển đổi số đạt trên 40%. Một trong các mục tiêu, giải pháp trọng tâm được đề cập là ban hành các chính sách, cơ chế khuyến khích phát triển doanh nghiệp số, chuyển đổi số trong doanh nghiệp và nguồn nhân lực số.
Cùng với nỗ lực của doanh nghiệp, sự đồng hành của các cấp chính quyền sẽ giúp doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nguồn nhân lực số, đáp ứng được các yêu cầu của vị trí việc làm trong điều kiện doanh nghiệp tham gia ngày một sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Nguyễn Huế