Thúc đẩy phát triển kinh tế số

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đánh dấu sự phát triển vượt bậc trong việc sử dụng dữ liệu vào các hoạt động của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Bắt nhịp xu thế đó, Phú Thọ đang đẩy mạnh phát triển kinh tế số để gia tăng giá trị sản xuất, nâng cao chất lượng tăng trưởng cũng như năng lực cạnh tranh của tỉnh.

 

Nhân viên Viettel Post Phú Thọ hướng dẫn người dân mua sắm trên sàn TMĐT Voso.vn

Thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đã xây dựng và triển khai một số chính sách nhằm thúc đẩy chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số, làm tiền đề để thúc đẩy phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Hạ tầng số với thành phần cốt lõi là hạ tầng viễn thông băng thông rộng đã kết nối đến từng gia đình, cá nhân, hạ tầng điện toán đám mây, nền tảng định danh, xác thực số đã và đang được thúc đẩy phát triển.

Đến nay, Cổng dịch vụ công và hệ thống một cửa điện tử đã được triển khai đồng bộ đến 100% các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh, hệ thống cung cấp 1.971 thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia. Trong năm 2022, hệ thống tiếp nhận 426 nghìn hồ sơ, đã giải quyết trên 418 nghìn hồ sơ, tỉ lệ trả đúng hạn 98,7%.Đáng chú ý, hệ thống nền tảng triển khai chuyển đổi số được chú trọng phát triển đồng bộ, rộng khắp, đảm bảo đáp ứng yêu cầu kết nối, lưu trữ, xử lý dữ liệu, thông tin và các chức năng về giám sát, bảo đảm an ninh, an toàn mạng. Hệ thống nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu của tỉnh được duy trì, đảm bảo kết nối, chia sẻ dữ liệu kịp thời, hiệu quả giữa các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của tỉnh với các cơ sở dữ liệu Trung ương. Hoạt động Trung tâm điều hành thông minh (IOC) của tỉnh được chú trọng, góp phần tích cực hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp, đảm bảo đầy đủ các điều kiện để tích hợp liên thông với trung tâm điều hành của Chính phủ. Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành được các cơ quan, đơn vị tích cực triển khai theo chỉ đạo của các bộ, ngành, từng bước đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng trong các cơ quan nhà nước và phục vụ yêu cầu của doanh nghiệp, người dân.

Theo đánh giá của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay tỉ lệ dân số của tỉnh có điện thoại thông minh đạt 80,07%, tỉ lệ hộ gia đình có đường Internet cáp quang băng rộng đạt 72,56%. Toàn tỉnh đã thành lập 1.564 tổ công nghệ số cộng đồng tại 100% các xã, phường, thị trấn nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận công nghệ, đồng thời truyền tải nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân, doanh nghiệp để thúc đẩy chuyển đổi số đến từng hộ gia đình, gắn với cuộc sống người dân; tạo lập hành vi, thói quen số cho người dân trên môi trường số, thúc đẩy người dân, doanh nghiệp tiên phong sử dụng nền tảng số, công nghệ số, qua đó trở thành tác nhân thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số phát triển mạnh mẽ.

Với mục tiêu ứng dụng sâu rộng công nghệ trong mọi hoạt động của nền kinh tế theo hướng hiệu quả hơn, tối ưu hơn, góp phần hình thành nền kinh tế số không biên giới, mang lại giá trị cao hơn, cùng với tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bắt nhịp với chuyển đổi số; hỗ trợ các doanh nghiệp thay đổi tư duy, xây dựng chiến lược chuyển đổi số, đặc biệt là đổi mới quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống sang mô hình theo hệ sinh thái, liên kết từ khâu sản xuất, thương mại, giúp tăng năng suất cũng như hiệu quả lao động, tỉnh đã tập trung mở rộng thị trường thương mại điện tử (TMĐT) cho các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của tỉnh…

Đến nay, tất cả các sản phẩm OCOP của tỉnh đạt từ ba sao trở lên được đưa lên các sàn thương mại điện tử (Postmart.vn; Voso.vn; giaothuong.net.vn…) và trang thông tin điện tử nongsan.phutho. gov.vn. Trong đó, riêng sàn giaothuong.net.vn đã có 302 gian với 945 sản phẩm dịch vụ của các các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh, lượt truy cập 5,5 triệu lượt. Sàn TMĐT Voso.vn của Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel hiện có hơn 60.000 nhà cung cấp với khoảng 200.000 sản phẩm, trong đó có hàng trăm gian hàng với hàng nghìn sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh Phú Thọ…

Người dân quét mã QR tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh đơn giản, thuận tiện.

Không chỉ hỗ trợ kết nối với các sàn TMĐT lớn trong nước; cung cấp giải pháp tìm kiếm trực tuyến các điểm mua sắm, tiêu dùng, ẩm thực, các sản phẩm công nghiệp chủ lực, sản phẩm nông sản tiêu biểu…, Phú Thọ cũng bắt kịp xu hướng bán hàng xuyên biên giới khi hỗ trợ doanh nghiệp tham gia giới thiệu sản phẩm qua kênh thương mại điện tử của Amazon Global Selling. Ngoài các doanh nghiệp tham gia giao dịch trên sàn Amazon.com như: Công ty TNHH chè Bảo Long, Công ty TNHH LV & Hòn ngọc Viễn Đông, HTX sản xuất và chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Long, HTX sản xuất tinh dầu quế Trung Sơn, Công ty TNHH Hà Trang, HTX sản xuất và chế biến nông, lâm nghiệp Trung Sơn… trong năm 2022, Sở Công thương đang hỗ trợ năm doanh nghiệp tham gia sàn TMĐT Ladaza…

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị cũng đang nỗ lực triển khai hệ thống hóa đơn điện tử; thiết lập và sử dụng hệ thống thư điện tử, xây dựng website thương mại điện tử, xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu, quản lý bán hàng, ứng dụng chữ ký số, sử dụng việc kê khai nộp thuế trực tuyến, kê khai hải quan, chuyển tiền qua ngân hàng, thanh toán trực tuyến và các giao dịch TMĐT. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động sử dụng tem điện tử xác thực hàng hóa, ứng dụng mã QR trong truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm, hàng hóa, giúp các đơn vị bảo vệ, nâng cao uy tín của sản phẩm, khẳng định vị thế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Đến thời điểm này, 100% doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn tỉnh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử với số lượng hóa đơn điện tử được Cục Thuế tỉnh tiếp nhận xử lý đạt trên 1,4 triệu hóa đơn. Phú Thọ là một trong sáu tỉnh, thành phố đầu tiên triển khai thực hiện thành công hệ thống hóa đơn điện tử giai đoạn một, qua đó tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian thanh toán. Năm 2022, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử viễn thông xuất khẩu các sản phẩm điện tử, máy tính và linh kiện với tổng giá trị 5,85 tỉ USD.

Về định hướng chuyển đổi số, lộ trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh, đồng chí Trịnh Hùng Sơn - TUV, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Để bắt kịp xu thế chung của cả nước, dù trong điều kiện của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn song với phương châm “toàn diện, kiên quyết, kiên trì”, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm, tỉnh Phú Thọ chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, tạo điều kiện và dẫn dắt kinh tế số, xã hội số phát triển. Năm 2022, tỉnh tập trung xây dựng kho dữ liệu và Cổng chuyển đổi số của tỉnh để lưu trữ, phân tích, tổng hợp, xử lý dữ liệu về kinh tế - xã hội phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của chính quyền; cung cấp dữ liệu mở và tiếp nhận thông tin phản hồi, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Thời gian tới, Phú Thọ tăng cường hợp tác giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước có nền tảng số trong việc nghiên cứu, phát triển các nền tảng số chất lượng cao, thu hút nguồn lực, tri thức, chuyển giao công nghệ số về tỉnh. Đồng thời thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, ứng dụng các công nghệ số mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ bản sao số, chuỗi khối, thực tế ảo/thực tế tăng cường, dữ liệu lớn, kết hợp với các công nghệ mở, mã nguồn mở để phát triển các nền tảng số phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số… từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Đinh Vũ

Lượt xem: 464
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.275
Hôm qua : 1.870