Chữa “bệnh”... lười phấn đấu

Lười phấn đấu, vươn lên có thể xem là “bệnh” nguy hiểm bởi lẽ dễ “lây nhiễm”, dễ gây “biến chứng”, dễ phát sinh thành “dịch” nếu không được ngăn ngừa, phòng trừ hiệu quả. Qua “hội chẩn”, “chẩn đoán” cho thấy, “căn bệnh” này dễ mắc phải ở nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng (trong đó có cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên...) và ở nhiều mức độ, trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhất là trong quá trình học tập, làm việc, công tác.

Triệu chứng của “bệnh” lười phấn đấu thể hiện qua tư tưởng cầu an, luôn bằng lòng với hiện tại, không nhìn về phía trước, không chịu nỗ lực, rèn luyện, phấn đấu, cống hiến, vươn tới những giá trị to lớn hơn, đạt những kết quả, thành tích cao hơn, làm việc luôn bình bình, mờ nhạt. Không xác định được mục tiêu, động lực, hoài bão, ước mơ, thường xuyên “an phận thủ thường”, “chui mình” trong “vỏ ốc” mà không phấn đấu, không quan tâm tới mọi việc xung quanh, không có đóng góp gì cho sự tiến bộ của tập thể...

“Bệnh” lười phấn đấu cũng gây ra những tác hại, để lại nhiều “di chứng” ở các cấp độ khác nhau, nhẹ thì ảnh hưởng đến sự phát triển của cá nhân, nặng thì không thúc đẩy sự phát triển của địa phương, đơn vị, nặng hơn nữa có thể kìm hãm sự phát triển của đất nước, thậm chí tĩnh tại, tụt hậu so với các quốc gia tương đồng nếu triệt tiêu khát vọng vươn tới. Lười phấn đấu còn mang “vi- rút”, dễ “xâm nhập”, lây lan, dễ gây “biến chứng”, gắn liền với những “căn bệnh” khác như “trung bình chủ nghĩa”, bàng quan, thờ ơ, “dẫm chân tại chỗ”...

Vì thế, việc nhận diện, “chẩn đoán”, “điều trị”, khắc phục triệt để “bệnh” lười phấn đấu là cần thiết và nhất thiết, nhất là trong thời điểm đất nước ta đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam trên con đường đi lên chủ nghĩa xã hội như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nhấn mạnh. Thiết nghĩ, mỗi cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tăng cường hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nhân lên khát vọng cống hiến, khát vọng vươn tới của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân.

Dẫn dắt, định hướng, động viên, khích lệ, tạo động lực, phong trào thi đua trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là tinh thần không ngừng nỗ lực, phấn đấu, tiến lên phía trước, chiếm lĩnh những đỉnh cao mới, đạt được những thành tích mới trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao đời sống Nhân dân, quyết tâm “về đích”, hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và đại hội đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Thường xuyên nắm bắt, phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục, “điều trị” dứt điểm, kịp thời “căn bệnh” lười phấn đấu, không để tình trạng cán bộ, đảng viên và Nhân dân phai nhạt ý chí phấn đấu, triệt tiêu ý thức vươn lên, làm việc cầm chừng, trung bình chủ nghĩa. Mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị... cần tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng, lan tỏa những điều tích cực, những điển hình tiên tiến trong mọi lĩnh vực, thúc đẩy, nhân rộng, đưa khẩu hiệu “Người người thi đua, ngành ngành thi đua” thành hiện thực cuộc sống.

Hơn lúc nào hết, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua...”; phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, khát khao cống hiến, làm giàu thêm ước vọng vươn tới, mong muốn đóng góp nhiều hơn cho đất nước, quê hương. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể... không chỉ phát huy vai trò nêu gương mà còn thường xuyên là người “truyền lửa, truyền cảm hứng, năng lượng tích cực”, “thổi bùng” lên khát vọng phấn đấu trong mỗi tập thể, cá nhân...

Tiến Dũng

Lượt xem: 8
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 229
Hôm qua : 1.027