Đường đi của thủ tục đầu tư đặc biệt
Chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm”, thủ tục đầu tư đặc biệt đang được thiết kế theo đúng nguyên tắc đưa nhanh dự án vào triển khai, nhanh có sản phẩm. Tuy nhiên, áp lực hậu kiểm vẫn khá lớn.
TIN LIÊN QUAN
Áp dụng thủ tục đầu tư đặc biệt sẽ giúp đưa nhanh dự án vào triển khai. Trong ảnh: Nhà máy của Intel tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Thiết kế đường xanh
Theo Dự thảo Nghị định quy định chi tiết Luật Đầu tư về thủ tục đầu tư đặc biệt, kể từ ngày 15/1/2025, nhà đầu tư có thể đăng ký đầu tư theo thủ tục đầu tư đặc biệt. Nghị định này được xây dựng để thực hiện khoản 12, Điều 36a, Luật Đầu tư (được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 57/2024/QH15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu).
Trong hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo thủ tục này, nhà đầu tư phải có văn bản cam kết thực hiện một loạt nội dung.
Một là, các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định của pháp luật về xây dựng, bảo vệ môi trường, phòng cháy, chữa cháy.
Hai là, đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại điểm a khoản này.
Ba là, cam kết về việc đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định tại điểm a khoản này và trách nhiệm của nhà đầu tư trong trường hợp không thực hiện đúng nội dung cam kết.
Nhà đầu tư sẽ phải tự nhận dạng, dự báo các tác động đến môi trường và các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường tại đề xuất thực hiện dự án. Các nội dung cần phải làm rõ gồm các hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường; các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư; công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải...
Đi cùng với đó, biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cũng là nội dung cần được làm rõ, bên cạnh chương trình quản lý và giám sát môi trường.
Có điểm đáng lưu ý là, nếu nhà đầu tư đề xuất dự án đầu tư tương tự dự án đã được thực hiện ở Việt Nam hoặc nước ngoài, thì nhà đầu tư có thể nộp các tài liệu, hồ sơ đã được phê duyệt của dự án đó thay cho đề xuất dự án đầu tư. Tuy nhiên, hồ sơ này phải có đủ các nội dung theo yêu cầu.
Như vậy, nhà đầu tư chỉ cần nộp 1 bộ hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế. Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ban Quản lý sẽ phải hoàn tất việc đánh giá hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Trách nhiệm hậu kiểm là gì?
So với quy trình hiện tại, thời gian thực hiện dự án sẽ được rút ngắn khoảng 260 ngày, đây là điều ông Quảng Văn Viết Cương, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC) quan tâm nhất khi đọc Dự thảo.
“Với góc độ nhà đầu tư hạ tầng và nhà đầu tư thứ cấp, chúng tôi rất phấn khởi. Vì khi Luật 57/2024/QH15 được ban hành, chúng tôi chưa rõ đặc biệt theo mức độ nào. Chỉ mong các bộ, ngành, nhất là các Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất đừng... cột lại”, ông Cương thẳng thắn.
So với quy trình hiện tại, với thủ tục đầu tư đặc biệt, thời gian thực hiện Dự án sẽ được rút ngắn khoảng 260 ngày. Đây là điều được các nhà đầu tư rất trông đợi.
Trước đó, ông Cương và một số doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đã nghe nhiều ý kiến băn khoăn của nhiều Ban Quản lý về vai trò, trách nhiệm “hậu kiểm” của Ban Quản lý với các dự án thực hiện theo thủ tục đầu tư đặc biệt.
Theo Dự thảo, các Ban Quản lý sẽ có trách nhiệm theo dõi, đánh giá, phát hiện và thông báo cho nhà đầu tư những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư.
Cơ quan này cũng sẽ phải kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cam kết của nhà đầu tư; giải quyết theo thẩm quyền hoặc thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai, thực hiện dự án đầu tư...
Tuy nhiên, câu hỏi mà nhiều Ban Quản lý đặt ra, là có cần có ý kiến, có văn bản gì khi tiếp nhận hồ sơ hay không. Đặc biệt, với trường hợp tiếp nhận hồ sơ dự án tương tự đã được phê duyệt.
“Khi tiếp nhận hồ sơ này thì Ban Quản lý sẽ xem xét gì không, vì có thể các tiêu chuẩn, tiêu chí của Việt Nam khác với các nước”, bà Dương Xuân Nương, Phó trưởng ban Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai đặt câu hỏi.
Đây là lý do các Ban Quản lý đề xuất cần có thêm các biểu mẫu để đảm bảo yêu cầu hậu kiểm của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng không làm khó cho nhà đầu tư.
Phải nhắc lại, thủ tục đầu tư đặc biệt là quy định mới, mang tính đột phá, áp dụng đối với dự án đầu tư thuộc lĩnh vực công nghiệp bán dẫn, công nghệ cao... tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao và khu kinh tế. Ông Cương cho rằng, phần lớn các nhà đầu tư đều ý thức rõ trách nhiệm tuân thủ quy định pháp luật của nước sở tại, có đội ngũ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp.
Ông Cương và một số Ban Quản lý khu công nghiệp đề nghị làm rõ hơn trường hợp các dự án có nhu cầu diện tích đất lớn, không có quỹ đất đáp ứng ngay, mà cần phải điều chỉnh cục bộ các phân khu trong khu công nghiệp, khu chế xuất... để đáp ứng yêu cầu. Thực tế, khi xác định địa điểm đầu tư, nhà đầu tư thuộc diện này thường đã nghiên cứu, khảo sát và cân nhắc kỹ lưỡng, nên khó vận động dịch chuyển.
“Trong trường hợp này, nếu chủ đầu tư hạ tầng được chủ động điều chỉnh quy hoạch cục bộ theo nguyên tắc vẫn đảm bảo các hệ số, tiêu chí chung của khu thì sẽ thuận lợi hơn. Vì mục tiêu của thủ tục đầu tư luồng xanh là nhà đầu tư nhanh chóng cho ra sản phẩm”, ông Cương kiến nghị.
Hiện tại, Dự thảo đang đưa 2 phương án đánh giá sự phù hợp của dự án.
Phương án 1 là đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu của khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung và khu thương mại tự do.
Phương án 2 là đánh giá sự phù hợp của dự án với quy hoạch phân khu hoặc quy hoạch chi tiết khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu thương mại tự do và khu chức năng trong khu kinh tế được phê duyệt hoặc có hiệu lực theo quy định của pháp luật về quy hoạch đô thị và nông thôn.
Nhiều ý kiến đề nghị chọn phương án 1. Ngoài ra, vẫn còn một số băn khoăn về đối tượng áp dụng luồng xanh, khi thực tế nhiều dự án có nhiều mục tiêu thì sẽ xem xét thế nào, tránh trường hợp tỷ lệ đầu tư công nghệ cao lại thấp hơn các mục tiêu khác.