Lợi ích bất ngờ từ thu phí điện tử không dừng
Nếu phải chọn những thành tựu nổi bật nhất của ngành giao thông vận tải trong 10 năm trở lại đây, chắc chắn không thể bỏ qua hệ thống thu phí ETC được triển khai thành công theo phương thức PPP.
“Một phần tất yếu” khi tham gia giao thông
Cho đến thời điểm này, ông Phạm Văn Khôi, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - nhà đầu tư Dự án nâng cấp, mở rộng cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn hết sức tâm đắc về quyết định bắt tay sớm với Công ty TNHH thu phí tự động VETC để triển khai thu phí điện tử không dừng – ETC tại trạm thu phí BOT Pháp Vân vào đầu tháng 6/2020.
Đến đầu tháng 5/2020, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và VETC đã chủ động tìm đến nhau để thực hiện kết nối vào hệ thống ETC thuộc Dự án thu phí tự động không dừng và kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, giai đoạn 1 áp dụng cho Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức Hợp đồng BOO (Dự án BOO1) do Liên danh TASCO -VETC là nhà đầu tư.
Mặc dù trong giai đoạn này, chỉ có 2/44 làn thu phí tại trạm thu phí BOT Pháp Vân được đưa vào hoạt động nhưng do cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình là tuyến đường huyết mạch ra vào trung tâm TP. Hà Nội, có lưu lượng phương tiện đi lại lớn nhất nhì cả nước. Bởi vậy, thông qua những lợi ích thiết thực từ việc triển khai thu phí ETC tại trạm thu phí này đã có tác động lớn tới các chủ phương tiện, thúc đẩy việc sử dụng thẻ ETC trên hệ thống đường cao tốc – loại công trình hiện đại, thu hút một lượng rất lớn các phương tiện cơ giới đường bộ tham gia lưu thông.
Từ cú hích tại trạm BOT Pháp Vân, một loạt nhà đầu tư cao tốc theo hình thức BOT khác cũng chuyển động theo như: Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) với các tuyến cao tốc: Nội Bài - Lào Cai; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây… dù mỗi tuyến cao tốc cũng chỉ triển khai được khoảng 2 làn ETC.
Đến tháng 7/2022, Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành tiếp tục phối hợp với VEC và VETC triển khai thu phí ETC liên thông trên toàn bộ tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ - Ninh Bình dài khoảng 80 km.
Sau một thời gian chuẩn bị, đến ngày 1/8/2022, toàn bộ tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình đã được vận hành thu phí ETC tại tất cả các làn xe, trừ 1 làn xe mỗi chiều để xử lý các trường hợp khẩn cấp.
Nhờ áp dụng công nghệ thu phí hiện đại nên hoạt động lưu thông của các phương tiện cơ giới trên tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình vận hành liên tục, nhanh chóng, hiệu quả và an toàn; đồng thời giảm ùn tắc giao thông tại các vị trí đặt trạm thu phí.
Theo ông Phạm Văn Khôi, đến tháng 6/2024, lưu lượng xe trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ đã lên tới 85.000 xe tiêu chuẩn/ngày đêm, vượt khoảng 40% công suất thiết kế. Vào những ngày cao điểm như Tết và các ngày nghỉ lễ kéo dài, có ngày lưu lượng xe lên tới 180.000 – 200.000 xe/ngày đêm.
“Nếu không áp dụng thu phí ETC thì chắc chắn tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình ùn tắc suốt ngày, khổ cả người tham gia giao thông và doanh nghiệp BOT, các cơ quan chức năng khi phải cử nhân sự đội nắng, đội mưa để thực hiện phân luồng”, ông Phạm Văn Khôi chia sẻ.
Bản thân Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và VEC cũng giảm được một lượng lớn chi phí vận hành thu phí bởi việc thu phí đã được VETC đảm trách.
Một lợi ích rất lớn khác mà ETC mang lại cho lãnh đạo nhà đầu tư các dự án BOT đường bộ chính là sự minh bạch. Trước khi áp dụng ETC dù tháng nào cũng phải ra văn bản nhắc nhở, yêu cầu nhân viên thu phí ký cam kết nhưng những lãnh đạo nhà đầu tư BOT như “ông chủ” tuyến cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ luôn canh cánh cán bộ thu phí “không giữ được mình”, rơi vào vòng lao lý, làm mất uy tín của doanh nghiệp.
“Nhờ ETC mà người dân nhìn những nhà đầu tư BOT chúng tôi với con mắt thiện cảm hơn, công chính hơn”, ông Phạm Văn Khôi đánh giá.
Vượt quá sự kỳ vọng
Nhờ những người “tiên phong” như Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành, VIDIFI, VETC… đã giúp hoạt động thu phí ETC thực sự đi vào cuộc sống, trở thành “một phần tất yếu” khi tham gia giao thông.
Theo ông Nguyễn Duy Lâm, Thứ trưởng Bộ GTVT, đến nay hệ thống thu phí điện tử không dừng trên toàn quốc đã hoàn thành công tác lắp đặt, đưa vào hoạt động đồng bộ đáp ứng tiến độ, chất lượng theo yêu cầu (các trạm thu phí đường bộ trên tuyến quốc lộ đã áp dụng thu phí không dừng tại toàn bộ các làn thu phí, chỉ duy trì 1 làn thu phí hỗn hợp/1 chiều xe chạy; tại các tuyến cao tốc tổ chức thu phí không dừng hoàn toàn).
Cụ thể, tính đến ngày 30/6/2024, toàn bộ 163 trạm thu phí trên toàn quốc (trong đó 73 trạm thu phí do Bộ GTVT quản lý; 61 trạm thu phí do địa phương quản lý và 29 trạm thu phí do VEC quản lý) đủ điều kiện triển khai với tổng số 925 làn thu phí đã được đầu tư, lắp đặt hoàn thiện thiết bị thu phí điện tử không dừng.
Trong quá trình vận hành hệ thống thu phí ETC, các nhà cung cấp dịch vụ không ngừng hoàn thiện hệ thống, nâng cao chất lượng dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của người sử dụng. Với kênh nạp tiền thuận tiện, đa dạng (nạp tiền trực tiếp tại điểm giao dịch, thông qua hệ thống tin nhắn, phần mềm dịch vụ, ví điện tử, kết nối liên thông giữa tài khoản giao thông với tài khoản ngân hàng của người sử dụng...) và hệ thống điểm dịch vụ chăm sóc khách hàng trải rộng trên toàn quốc nên đến thời điểm này dịch vụ thu phí không dừng đã trở thành quen thuộc đối với chủ các phương tiện tham gia giao thông.
Điều này thể hiện ở số lượng các phương tiện dán thẻ, mở tài khoản thu phí tham gia dịch vụ đã đạt trên 96% tổng số lượng phương tiện trên cả nước (trên 5,6 triệu phương tiện đã dán thẻ tham gia dịch vụ), số lượng giao dịch thông qua hệ thống thu phí không dừng chiếm tới 95% tổng số giao dịch qua các trạm thu phí trên toàn quốc.
Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương - Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore (NUS), những thành tựu kinh tế đặc sắc của công cuộc Đổi mới từ năm 1986 đến nay có động lực lớn đến từ đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng chiến lược, mà việc phát triển hệ thống đường cao tốc là một trong những trọng tâm hàng đầu.
Tính đến năm 2021, Việt Nam có 1.290 km đường cao tốc và đang đặt mục tiêu có 5.000 km vào năm 2030. Quá trình đó cũng gắn liền với việc chuyển đổi quyết liệt từ hệ thống thu phí thủ công (MTC) sang ETC trên các tuyến quốc lộ, cao tốc từ 2019 đến nay.
Những kết quả ấn tượng mang lại: giảm đáng kể thời gian di chuyển, loại bỏ tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các trạm thu phí, giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và giảm lượng khí thải tương đương CO2. Qua đó, hiệu quả vận chuyển, môi trường và sức khỏe cộng đồng được cải thiện rõ rệt.
Năm 2023, năm đầu tiên triển khai đầy đủ ETC trên đường cao tốc cả nước, tổng lượng khí thải CO2 giảm được lên tới 191.860 tấn, nhờ giảm 60.816 tấn xăng và nhiên liệu diesel tiêu thụ tại các trạm thu phí. Cùng năm đó, xã hội tiết kiệm được 93,3 triệu giờ cho nhân lực và 37,3 triệu giờ cho tuổi thọ của phương tiện. “Xét về giá trị tương đương bằng tiền, tổng chi phí tiết kiệm được cho năm 2023 qua bốn thước đo - năng lượng, nhân lực, tuổi thọ phương tiện và chi phí vận hành - lên tới 442,7 triệu USD. So với thời điểm bắt đầu thúc đẩy ETC năm 2019, lợi ích của việc giảm lượng khí thải tương đương CO2 và tổng tiết kiệm tương đương tiền đã tăng 14 lần. Tính chung cả giai đoạn 2019-2023, lợi ích mà Việt Nam có được từ việc triển khai ETC tương đương giá trị gần 1 tỷ USD”, nghiên cứu của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương cho biết.
Kết quả tích cực mà thu phí ETC mang lại nói trên đã vượt quá sự kỳ vọng của chính lãnh đạo ngành GTVT cũng như các nhà đầu tư BOT và người tham gia giao thông.
Hơn thế nữa, tài khoản VETC hiện nay vượt ra khỏi chức năng thanh toán đơn thuần, khi còn có thể trả phí gửi xe không dừng, không tiền mặt, minh bạch với hóa đơn truyền thẳng đến cơ quan thuế. Tài khoản giao thông VECT mở rộng thêm nhiều tiện ích thông minh như đặt chỗ gửi xe và nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân. Chính vì vậy mà hệ sinh thái của tài khoản giao thông VETC đang được khách hàng đánh giá ngày càng cao, giúp khách hàng tận hưởng chuyến đi trọn vẹn chỉ trên một nền tảng. Đến hiện tại, VETC đã cung cấp dịch vụ gửi xe không dừng tạị 143 bãi đỗ, trong đó 139 điểm triển khai tại nội thành Hà Nội và ghi nhận gần 400 ngàn lượt giao dịch.
“Nếu phải chọn 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành GTVT trong 10 năm trở lại đây chắc chắn không thể bỏ qua tác động tích cực sâu rộng của hệ thống thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ tự động không dừng được triển khai thành công theo phương thức PPP. Tác động của thu phí ETC sẽ còn lớn mạnh hơn với việc Quốc hội cho phép thu phí sử dụng đường bộ đối với toàn bộ hệ thống đường cao tốc do Nhà nước đầu tư”, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình đường bộ Việt Nam nhận định.
Điểm sáng đối tác công tư
Có nhiều nguyên nhân mang lại sự thành công vượt mong đợi của ETC: sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là của Thủ tướng Phạm Minh Chính; nỗ lực cao độ của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí ETC dù đang phải gánh những khoản mất cân đối tài chính lớn; sự thay đổi nhận thức của các nhà đầu tư tư BOT…
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, chính việc Chính phủ lựa chọn đầu tư hệ thống thu phí ETC theo phương thức PPP là một trong những yếu tố then chốt mang lại thành công bước đầu để ETC đi rộng, đi sâu, đi nhanh vào cuộc sống.
Trên thực tế, vào năm 2017 khi bắt tay vào triển khai thu phí ETC, Bộ GTVT đã cân nhắc nhiều phương án đầu tư nhưng cuối cùng quyết định chọn kêu gọi nhà đầu tư tư nhân (nhà cung cấp dịch vụ) để đầu tư toàn bộ hệ thống thu phí tự động không dừng (bao gồm cả Back-end, Frond-end, các trung tâm vận hành bảo trì, đường truyền…) và thực hiện công tác thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí. Nhà cung cấp dịch vụ sẽ được hưởng một phần chi phí từ doanh thu của dự án BOT để hoàn vốn đầu tư, duy trì vận hành.
Ưu điểm của phương án đầu tư hệ thống ETC theo hình thức PPP là nhà nước không cần bố trí ngân sách và thành lập thêm tổ chức sự nghiệp để quản lý hệ thống. Tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống cao, tính công khai minh bạch sẽ được tăng cường (qua sự kiểm soát hoạt động của đơn vị cung cấp dịch vụ), vai trò quản lý nhà nước trong việc giám sát công tác thu phí được tăng cường.
Phương thức đầu tư hệ thống ETC nói trên cũng phù hợp với chủ trương xã hội hóa theo Nghị quyết số 13- NQ/TW ngày 16/1/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI.
Trên thực tế, những thành công bước đầu của việc thu phí ETC trong 7 - 8 năm vừa qua đã chứng minh phương thức đầu tư PPP cho loại hình dịch vụ đặc biệt nói trên là hoàn toàn chính xác dù rằng đây là hoạt động chưa từng có tiền lệ. Trong quá trình thực hiện, tất cả các bên đều phải “qua sông, dò đá”, vừa làm vừa hoàn thiện.
“Sự tham gia của các công ty tư nhân trong việc triển khai và quản lý cơ sở hạ tầng ETC đã nâng cao hiệu quả, tốc độ triển khai và hoạt động. Quan hệ đối tác công tư ở Việt Nam đã thúc đẩy sự đổi mới và hiệu quả, tận dụng chuyên môn và nguồn lực của khu vực tư nhân để đẩy nhanh việc áp dụng và nâng cao hiệu quả của hệ thống”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Minh Khương phân tích.
Cần phải nói thêm rằng, nếu phải chỉ ra một hạn chế của thu phí ETC thì chính là việc tài khoản thu phí hiện mới chỉ phục vụ việc thanh toán phí dịch vụ sử dụng đường bộ chưa tạo được sự thuận lợi tối đa cho người sử dụng, chưa phát huy được hết hiệu quả của tài khoản giao thông và hiệu quả đầu tư của hệ thống.
Trong xu thế chung của việc ứng dụng giao thông thông minh đang thịnh hành trên thế giới, nhiều doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước có ý kiến đề xuất việc mở rộng dịch vụ trung gian thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí ETC đã đầu tư như: thu phí tại các cảng hàng không, thu phí cảng biển, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường, phí kiểm định…
Việc mở rộng thêm các dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí ETC sẽ mang lại nhiều lợi ích xã hội, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và hiệu quả đầu tư của các dự án thu phí ETC. Bên cạnh đó, việc mở rộng thêm dịch vụ mới trên nền tảng của hệ thống thu phí điện tử không dừng phù hợp với quy định tại Quyết định 19/2020/QĐ-TTg ngày 17/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng tại các trạm thu phí đường bộ trên toàn quốc.
Được biết, hiện Bộ GTVT đang khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về thanh toán điện tử giao thông đường bộ trình Thủ tướng phê duyệt, trong đó cho phép nà cung cấp dịch vụ thanh toán tiền sử dụng đường bộ trên cơ sở kế thừa quy định về nhà cung cấp dịch vụ thu phí theo Quyết định số 19/2020/QĐ-TTg được phép cung cấp thêm môt số dịch vụ trên cơ sở được Bộ GTVT chấp thuận.
“Chính sách này sẽ đảm bảo hài hòa quyền lợi, trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử; tạo sự linh hoạt cho chủ phương tiện trong kết nối với phương tiện thanh toán, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư cho các nhà đầu tư cung cấp dịch vụ thu phí ETC”, ông Nguyễn Duy Lâm cho biết.