Trật tự cũ đang rạn vỡ: Việt Nam và thế giới trong cuộc “cách mạng không trung tâm”
Với cuộc “cách mạng không trung tâm” hiện nay, khi không cường quốc nào đủ khả năng thống lĩnh toàn bộ trật tự, các quốc gia ở giữa buộc phải tự viết lại công thức thành công. Trong thế giới này, “đứng giữa” không còn là trạng thái thụ động, mà là chiến lược “cây tre” chủ động, linh hoạt và có tính toán.
![]() ![]() |
Dòng chảy thương mại quốc tế đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách thuế quan mới của Mỹ. Ảnh: Đức Thanh |
Trong một thế giới đang bị chia cắt bởi bất ổn và chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, Mỹ - quốc gia từng là kiến trúc sư của trật tự thương mại tự do - đang tự cô lập chính mình. Cuộc chiến thương mại với Trung Quốc do Tổng thống Donald Trump phát động không còn là một chiến lược có phối hợp, mà biến thành một cuộc xung đột đơn phương, không đồng minh, không đối thoại và ngày càng ít chính danh.
Tổng thống Donald Trump đã áp thuế không chỉ lên Trung Quốc, mà còn lên cả các đối tác then chốt như Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada. Không có sự phân biệt giữa bạn và thù, giữa đồng minh chiến lược và đối thủ địa chính trị. Trong cách tiếp cận đó, Mỹ không chỉ đánh mất vai trò thủ lĩnh của một liên minh toàn cầu, mà còn làm sụp đổ nền tảng của các thiết chế hậu Thế chiến II vốn từng bảo đảm sự thịnh vượng xuyên biên giới.
Hành vi áp thuế trừng phạt lên đồng minh không khác gì một lời nhắn: “Hợp tác không còn là ưu tiên của chúng tôi - phục tùng mới là lựa chọn”. Chính điều đó đã khiến các nước quay đầu, không phải vì họ ủng hộ Trung Quốc, mà bởi họ không thể tiếp tục tin vào một nước Mỹ biến động như thị trường chứng khoán cứ mỗi kỳ bầu cử 4 năm.
Khi Mỹ từ chối vai trò dẫn dắt
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung không còn là câu chuyện song phương. Nó phản ánh một xu thế nguy hiểm hơn: Mỹ từ bỏ vai trò người dẫn dắt trật tự kinh tế toàn cầu và thay vào đó là sử dụng các công cụ thương mại như một thứ vũ khí để ép buộc các quốc gia khác, kể cả đồng minh.
Tổng thống Donald Trump không chỉ nhắm vào Trung Quốc, mà còn áp thuế lên EU, Nhật Bản, Canada và Hàn Quốc - những đối tác chiến lược sống còn của Mỹ. Chính sách đó không chỉ làm suy yếu hệ thống liên minh, đối tác tiềm năng, mà còn gây tổn hại đến niềm tin vào tính ổn định của thể chế toàn cầu. Khi các thiết chế như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) bị phớt lờ, luật chơi bị đảo lộn và các quyết định chính sách bị chi phối bởi động cơ chính trị nội địa, thì thế giới lâm vào tình trạng mỗi quốc gia tự lo thân mình.
Địa chính trị qua địa kinh tế
Ngày nay, các siêu cường chẳng những tăng cường địa chính trị, mà tiến hoá để chuyển hướng sử dụng công cụ kinh tế phục vụ địa chính trị, như an ninh quốc gia gắn với chuỗi cung ứng chip bán dẫn; quan hệ đồng minh, đối tác chiến lược gắn với thặng dư thương mại; hợp tác quốc tế bị định giá bằng thuế quan và đòn bẩy tài chính tiền tệ. Cạnh tranh Mỹ - Trung không còn là quân sự thuần túy, mà là “kinh tế + công nghệ + dữ liệu”.
Kinh tế trở thành chiến trường, công cụ và mục tiêu của cạnh tranh quyền lực. Ai kiểm soát được các dòng chảy tài chính, chuỗi cung ứng, công nghệ và dữ liệu…, thì sẽ nắm quyền lực toàn cầu.
Vấn đề nằm ở chỗ, các quyết định địa kinh tế ấy không còn được đưa ra bởi logic dài hạn, mà ngày càng bị chính trị hóa, ngắn hạn và thất thường. Điều này gây khó khăn không chỉ cho doanh nghiệp, mà cho cả các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt ở các quốc gia đang phát triển - nơi khoảng trống thể chế và sự phụ thuộc vẫn còn lớn.
Đối tác không phải con tin
Những gì đang diễn ra cho thấy, Tổng thống Donald Trump coi các liên minh và đối tác như một mối quan hệ kinh tế giao dịch thuần túy: “Họ cần ta, vì thế, ta có thể ép họ”. Đó là một sai lầm chiến lược, bởi sự tin cậy không thể ép buộc bằng thuế quan hay đe dọa an ninh. Khi các quốc gia cảm thấy mối quan hệ với Mỹ không còn dựa trên giá trị chung, mà chỉ còn lợi ích tạm thời, họ sẽ tìm kiếm lối thoát.
Thị trường, chứ không phải tự ái chính trị
Nền kinh tế thế giới không vận hành bằng tweet hay khẩu hiệu “Make America Great Again” (Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại). Nó vận hành bằng mạng lưới chuỗi cung ứng, lòng tin chính sách và tính dự đoán của thể chế. Trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump thường xuyên đảo ngược chính sách - hôm nay áp thuế, mai miễn trừ - các doanh nghiệp và quốc gia buộc phải tìm kiếm đối tác ổn định hơn.
Điều này phản ánh một thực tế đáng lo ngại là, Mỹ đang đánh đổi tính chính danh dài hạn lấy thắng lợi chính trị ngắn hạn. Nhưng lòng tin là thứ dễ mất, khó xây lại, đặc biệt trong thương mại - nơi các quyết định đầu tư dựa trên chu kỳ 10-20 năm, chứ không phải 4 năm bầu cử.
Trung Quốc: Không cần thuyết phục, chỉ cần chờ đợi
Trong khi Mỹ gây sức ép, Trung Quốc chọn cách “xây cầu, thay vì xây tường”. Thậm chí, Trung Quốc không chỉ “xây cầu”, mà còn có các biện pháp đáp trả âm thầm, nhưng sâu sắc như phát triển công nghệ bản địa, tăng tốc quốc tế hóa đồng nhân dân tệ.
Với cách tiếp cận “mềm mỏng” hơn, ít nhất trên hình thức, Bắc Kinh đang tạo ra một mạng lưới đối tác kinh tế không yêu cầu các nước chọn phe, nhưng vẫn kéo họ về phía mình thông qua các cam kết đầu tư, hạ tầng và công nghệ.
Trong cuộc “cách mạng không trung tâm”, những quốc gia biết giữ thế độc lập, sáng tạo, có chiến lược và biết điều phối rủi ro sẽ là người viết tiếp lịch sử.
Zhou Bo, nguyên đại tá quân đội Trung Quốc nhấn mạnh: “Các nước không cần chọn phe, có thể chọn theo vấn đề”. Điều này phản ánh thực tế ở nhiều nước Đông Nam Á, châu Phi, Mỹ La-tinh có xu hướng “hedging” (cân bằng chiến lược), tức không dứt khoát theo Mỹ hay Trung Quốc, mà linh hoạt tùy từng vấn đề để tối đa hóa lợi ích. Việc một quan chức quân đội lên tiếng phân tích vấn đề kinh tế - chính trị quốc tế trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ - Trung có thể mang nhiều ẩn ý sâu xa, phản ánh chiến lược truyền thông và chính sách “răn đe” có ý đồ. Nghịch lý là, Trung Quốc - nước có nhiều biện pháp bảo hộ và kiểm soát thị trường - lại có thể giành vai trò “người bảo vệ thương mại tự do” nhờ khoảng trống do Mỹ tạo ra.
Đây chính là cuộc “cách mạng không trung tâm”, khi không cường quốc nào đủ khả năng thống lĩnh toàn bộ trật tự và các quốc gia ở giữa - từ Ấn Độ, Brazil, ASEAN đến châu Phi - buộc phải tự viết lại công thức thành công. Trong thế giới này, “đứng giữa” không còn là trạng thái thụ động, mà là chiến lược “cây tre” chủ động, linh hoạt và có tính toán. Việt Nam sớm nhận ra và đã xác lập nguyên lý này hàng thập kỷ.
Vai trò của nhà nước: Từ gác cổng sang kiến tạo
Từ góc độ thể chế, câu hỏi lớn đặt ra là, liệu Nhà nước có thể duy trì tăng trưởng và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh chuỗi giá trị toàn cầu bị chia cắt? Trong số báo Đầu tư Xuân 2025, tôi cho rằng có, bởi nhà nước không chỉ là “người gác cổng thị trường” như cách hiểu truyền thống, mà phải là người kiến tạo rủi ro có kiểm soát, biết đầu tư vào năng lực nội sinh, đổi mới thể chế và tăng khả năng chống sốc.
Điều này đặc biệt quan trọng với Việt Nam – vốn phụ thuộc nhiều vào thương mại, công nghệ nhập khẩu và thị trường xuất khẩu lớn. Trong bối cảnh địa chính trị ngày càng bất định, việc củng cố năng lực đổi mới nội tại, cải cách thể chế và xây dựng niềm tin thị trường là cách tốt nhất để bảo vệ chủ quyền kinh tế, mà không cần phải chọn phe.
Bài học cho Việt Nam
Việt Nam đã đi lên nhờ hội nhập sâu rộng, mở cửa thị trường và thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Nhưng mô hình ấy đang đối diện với 3 thách thức lớn.
Một là, thế giới bị phân mảnh, chuỗi cung ứng ngày càng mang tính địa chính trị.
Hai là, cạnh tranh công nghệ và tài chính diễn ra trên nền tảng không rõ luật chơi.
Ba là, các thiết chế toàn cầu suy yếu, làm gia tăng rủi ro cho các nước, nhất là các nền kinh tế đang phát triển.
Để đối mặt với điều này, Việt Nam cần 3 chiến lược.
Thứ nhất, đa dạng hóa liên kết, không lệ thuộc vào một trục quyền lực duy nhất.
Thứ hai, đầu tư cho khoa học công nghệ và thể chế, tạo ra năng lực đổi mới từ bên trong.
Thứ ba, tham gia tích cực vào thiết lập luật chơi mới, nhất là trong các hiệp định khu vực và diễn đàn quốc tế. Ngoại giao độc lập - đa phương hóa thật sự: Không chọn phe, nhưng cũng không bị hút vào vùng ảnh hưởng nào.
Trong thế giới “không trung tâm”, tự chủ chiến lược, thậm chí tiên phong trong những lĩnh vực mới là điều kiện sống còn. Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Hội nhập quốc tế chuyển từ tiếp nhận sang đóng góp, từ hội nhập sâu rộng sang hội nhập đầy đủ, từ vị thế một quốc gia đi sau sang trạng thái một quốc gia vươn lên, tiên phong vào những lĩnh vực mới”.
Lời kết
Cuộc cách mạng toàn cầu đang diễn ra không có một thủ lĩnh rõ ràng. Không còn trung tâm nghĩa là không còn chỗ dựa chắc chắn. Nhưng cũng chính vì vậy, những quốc gia biết tự định vị, biết tự thích nghi và biết hành động chiến lược sẽ là người chiến thắng cuối cùng.
Trong cuộc “cách mạng không trung tâm”, những ai ngồi yên sẽ bị cuốn trôi. Những ai quá vội chọn phe có thể bị kẹt lại trong trật tự đang lỗi thời. Những quốc gia biết giữ thế độc lập, sáng tạo, có chiến lược và biết điều phối rủi ro sẽ là người viết tiếp lịch sử - không phải bằng khẩu hiệu, mà bằng năng lực.
Chúng ta từng tin rằng, luật chơi quốc tế là vĩnh viễn. Nhưng Tổng thống Donald Trump, chiến tranh tại Ukraine, khủng hoảng chuỗi cung ứng và sự đảo chiều của toàn cầu hóa đã cho thấy điều ngược lại. Luật chơi không còn bất biến. Nếu ta không viết lại, người khác sẽ viết thay, theo cách bất lợi cho ta.