Triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc
Ngày 2/10/2024, đồng chí Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị trực tiếp kết hợp trực tuyến triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID trên toàn quốc.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng các đại biểu thực hiện nghi thức bấm nút triển khai Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc (Ảnh: chinhphu.vn)
Dự hội nghị tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Nguyễn Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Lê Thành Long - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Đồng chí Bùi Văn Quang - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ. Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao việc triển khai thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp thông qua ứng dụng VNeID; đồng thời nhấn mạnh với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, các bộ, ngành đã củng cố, phát triển thành công các nền tảng, “biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể”.
Phân tích một số bài học kinh nghiệm, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh phải lấy chất lượng phục vụ, mức độ sử dụng và hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo đánh giá kết quả thực hiện. Hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, mạnh dạn thí điểm các mô hình mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn và xu thế phát triển với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi, vướng mắc phải tháo gỡ, thách thức phải vượt qua, thống nhất nhận thức, đồng tâm hành động”; quan trọng nhất là người đứng đầu phải quyết liệt, gương mẫu, tiên phong.
Thủ tướng nhấn mạnh mục tiêu mỗi công dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ BHYT đều sở hữu một Sổ sức khoẻ điện tử trên ứng dụng VNeID, tiến tới có bệnh án điện tử. Đến đầu năm 2025, 100% cơ sở y tế (công lập và tư nhân) và có 40 triệu người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử và 100% người dân có nhu cầu được cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID.
Trong thời gian tới, để triển khai thành công Sổ sức khoẻ điện tử, cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNEID trên cả nước, đem lại tiện ích thiết thực cho người dân, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện 5 “đẩy mạnh” gắn với 5 “bảo đảm” gồm: Đẩy mạnh chuyển đổi số mạnh mẽ về cả tư duy và hành động; đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước theo hướng hiện đại, công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia, chuyên ngành theo hướng tăng cường kết nối, liên thông, tích hợp, chia sẻ dữ liệu; đẩy mạnh triển khai các tiện ích trên nền tảng VNeID để người dân, doanh nghiệp hưởng thụ thật; đẩy mạnh thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội và hướng dẫn kỹ năng.
5 bảo đảm gồm: Bảo đảm sự tham gia đồng bộ của tất cả các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai; bảo đảm hạ tầng số, nền tảng số hoạt động ổn định, thông suốt (sóng không lõm, điện không thiếu); bảo đảm nhân lực để triển khai các ứng dụng, tiện ích, nền tảng số (đủ năng lực, đủ tâm, đủ tầm, có trách nhiệm); bảo đảm 100% người dân, doanh nghiệp có nhu cầu được tiếp cận dễ dàng, an toàn, tiện lợi, chi phí thấp và thu hút người dân tham gia góp ý trong quá trình thiết kế, sáng tạo; hướng đến cá nhân hóa các dịch vụ công trực tuyến được cung cấp; bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin, tính riêng tư của thông tin, dữ liệu.
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Phú Thọ
Thời gian qua, Bộ Y tế đã tạo lập hơn 32 triệu dữ liệu Sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có hơn 14 triệu công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh BHYT (đạt 98% số cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước) và đồng bộ liên thông qua Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tích hợp vào VNeID. Bộ Công an phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tạo lập và tích hợp 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn tải khám trên VNeID, sẵn sàng công bố trên toàn quốc.
Việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử giúp cho người dân có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, sử dụng giấy chuyển tuyến, giấy hẹn tái khám thông qua ứng dụng VNeID một cách dễ dàng, thuận tiện, giảm bớt những thủ tục hành chính phức tạp, rườm rà. Ước tính sẽ tiết kiệm khoảng 1.150 tỷ đồng tiền mua sổ y bạ cho 230 triệu lượt người khám bệnh.
Về triển khai cấp Phiếu lý lịch tư pháp, sau hơn 4 tháng triển khai thí điểm tại Hà Nội và Thừa Thiên Huế, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đem lại thuận tiện và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Ngày 24/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 656/TTg- KSTT về mở rộng thí điểm cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua ứng dụng VNeID toàn quốc từ ngày 1/10/2024 đến hết ngày 30/6/2025. Ước tính khi thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID sẽ giúp tiết kiệm khoảng 400 tỷ đồng mỗi năm cho người dân và xã hội.
Lệ Thủy