Trọng liêm sỉ, giữ danh dự

Trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng về mặt đạo đức, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”. Tiếc thay vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, thậm chí là những người giữ các chức vụ quan trọng trong Đảng, Chính phủ, địa phương, đơn vị do họ thiếu tính tiền phong gương mẫu, không tự soi, tự sửa dẫn đến không vượt qua chính mình mắc sai phạm phải chịu kỷ luật nghiêm minh, bị truy tố trước pháp luật, mất hết liêm sỉ, danh dự của bản thân, gây tổn hại lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ...

Phiên họp thứ 24 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: dangcongsan.vn

Mấy ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến phiên tòa xét xử sơ thẩm hai cựu bộ trưởng và 36 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan. Dẫu bức xúc, phẫn nộ trước các hành vi trục lợi cá nhân trong bối cảnh cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở cùng toàn dân đang căng mình chống lại dịch bệnh hoành hành nhưng cộng đồng cũng thực sự thấy cảm thông, chua xót trước những lời nói sau cùng thể hiện sự ân hận, day dứt cùng lời xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân trong nước mắt nghẹn ngào của các bị cáo từng một thời quyền cao chức trọng. Chắc chắn, các bị cáo sẽ nhận được bản án thích đáng vừa mang tính trừng phạt, răn đe, đồng thời thể hiện tính nhân văn sâu sắc của pháp luật Việt Nam tương ứng với mỗi hành vi vi phạm. Cùng với thiệt hại về kinh tế lên đến hàng nghìn tỷ đồng, trong vụ án này, hành vi vi phạm của những người từng là cán bộ, đảng viên, lãnh đạo cấp cao còn gây ra tổn thất lớn hơn, đó là đã tạo nên hình ảnh xấu, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước...

Cáo trạng của Viện Kiểm sát, các lời biện hộ của luật sư và bị cáo trong phần tranh tụng đã đưa ra rất nhiều lý do cho các hành vi vi phạm pháp luật của các cựu quan chức. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu sa, cốt lõi, cơ bản, trực tiếp nhất vẫn là: “Do suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”, như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc kết trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh”.

Tròn 40 năm trước, trên Tạp chí Cộng sản, số 2/1984, với bút danh Trọng Nghĩa, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã có bài viết “Chức vụ và uy tín”. Sáu năm sau, vẫn trên Tạp chí Cộng sản, số 2/1990, đồng chí Nguyễn Phú Trọng tiếp tục có bài viết “Cái làm nên uy tín đảng viên”.

Trong các bài viết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thông thường, bất cứ người lãnh đạo nào cũng phải có một uy tín nhất định; chức vụ càng cao thì uy tín càng lớn. Bởi vì không có uy tín thì không thể lãnh đạo, thuyết phục và tập hợp người khác được”; “Đã qua rồi cái thời hễ cứ là đảng viên, là cán bộ thì dường như có thể làm được mọi việc. Ngày nay, mỗi người cộng sản chỉ có thể khẳng định vai trò lãnh đạo và uy tín của mình trong quần chúng bằng sự kiên định, trí thông minh, sự hiểu biết và khả năng hoàn thành nhiệm vụ”.

Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc đến các phạm trù uy tín, danh dự, liêm sỉ của cán bộ, đảng viên. Gánh vác xứ mệnh người đứng đầu, chèo lái sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, Tổng Bí thư đặc biệt coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên. Đồng chí từng chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực”, “phải tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính tiền phong, gương mẫu, xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo các cấp, các ngành, cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Danh dự của mỗi cán bộ, đảng viên do nhiều yếu tố tạo nên, như phẩm chất, bản lĩnh chính trị, tư cách đạo đức, lối sống, trí tuệ, phong cách lãnh đạo, quản lý, phong cách làm việc, quan hệ, ứng xử trong công tác và thành tích cống hiến... Trong đó, liêm sỉ là yếu tố quan trọng mang tính chất quyết định đối với lương tâm, danh dự, uy tín của người lãnh đạo. “Liêm” chính là sự thanh liêm, chính trực, ngay thẳng, sự trong sạch, tuyệt đối không tham ô, tham nhũng, tiêu cực, là “luôn tôn trọng, giữ gìn của công và của nhân dân” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy, không hám danh, địa vị, không ham tiền tài, danh vọng, quang minh chính đại, không đố kỵ, bận tâm toan tính lợi ích nhỏ nhen, ích kỷ. Đây chính là thước đo đạo đức và bản lĩnh của cán bộ, đảng viên, nhất là khi được giao chức vụ, quyền hạn lãnh đạo, quản lý, nắm trong tay quyền hành, tiền của, tài sản công. Người có “liêm” sẽ không làm điều gì mờ ám, khuất tất, trái với đạo lý, lương tâm, nguyên tắc, quy định; biết phân biệt đúng sai, tốt, xấu, biết tự cảnh báo giới hạn, răn dạy mình tránh những điều xấu xa, tội lỗi. “Sỉ” là biết hổ thẹn khi làm việc xấu, làm sai, làm trái. Liêm sỉ là bản tính trong sạch, quyết không làm điều phải xấu hổ. Danh dự, liêm sỉ thuộc phạm trù đạo đức, lối sống và làm nên phẩm hạnh con người, là thước đo giá trị của mỗi người trong xã hội.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhấn mạnh: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”. Cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ, “không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người”. Người sống có liêm sỉ, danh dự là người trung hiếu, tiết nghĩa. Đó là nền tảng đạo đức của con người chân chính. Đối với người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, liêm sỉ, danh dự lại càng phải luôn luôn được coi trọng.

Phát biểu tại Phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (ngày 11/8/2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc nhở: “...đừng bị cám dỗ bởi những lợi ích xấu xa, những việc làm vô liêm sỉ"; “...tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!".

Cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta đã và đang bước vào giai đoạn quyết liệt, đạt nhiều kết quả toàn diện, tích cực. Chưa bao giờ “lò lửa chống tham nhũng” rực cháy như hiện nay với nhiều đối tượng từng là cán bộ, đảng viên giữ những chức vụ quan trọng trong cơ quan Đảng, Nhà nước bị phanh phui, vạch trần các hành vi vi phạm pháp luật, vướng vòng lao lý với các bản án thích đáng. Mừng vì Đảng thêm trong sạch, vững mạnh khi loại bỏ được các đối tượng suy thoái, biến chất, sâu mọt hại nước hại dân, đồng thời khẳng định quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Nhưng cũng buồn vì một số cán bộ, đảng viên đã không biết coi trọng liêm sỉ, giữ gìn danh dự, tạo ra hình ảnh xấu, ảnh hưởng đến uy tín, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Những lời nói cuối cùng ân hận muộn màng của các cựu quan chức đang đợi ngày phán quyết của pháp luật trong vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị liên quan thêm một lần nữa là tấm gương tày liếp cho những cán bộ, đảng viên cân nhắc, suy xét giữ gìn liêm sỉ, danh dự trước khi có ý định nhúng chàm, trục lợi cá nhân sai trái.

Vũ Thanh

Lượt xem: 68
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 415
Hôm qua : 1.473