Phú Thọ thu hút doanh nghiệp FDI

 


Khu công nghiệp Phú Hà, Thị xã Phú Thọ thu hút nhiều dự án FDI với công nghệ mới, tạo việc làm cho lao động tại chỗ, góp phần dịch chuyển cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

Việc triển khai đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn sau đại dịch COVID - 19, tích cực đẩy mạnh sản xuất kinh doanh giúp sản xuất công nghiệp tỉnh Phú Thọ đang lấy lại đà tăng trưởng, trong đó có thu hút mời các DN FDI, góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội địa phương. 

 

Những năm gần đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nhưng tỉnh vẫn thực hiện hiệu quả khâu đột phá về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian và giải quyết nhanh các thủ tục về đầu tư… Để sản xuất công nghiệp lấy lại đà tăng trưởng, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh như: Hỗ trợ giải quyết thủ tục thông quan cho DN; gia hạn nợ thuế, miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; miễn giảm tiền lãi, cơ cấu lại các khoản nợ vay; giảm tiền điện, nước, viễn thông cho DN. Nhiều DN đã chủ động khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh với việc áp dụng giờ làm linh hoạt, đáp ứng thời hạn đơn hàng, chủ động cắt giảm chi phí sản xuất... 


Công nhân may tại dây chuyền của Công ty TNHH Seshin (Hàn Quốc), Khu công nghiệp Thụy Vân, thành phố Việt Trì.

Nhờ vậy, các DN vẫn duy trì sản xuất, góp phần quan trọng vào việc gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu, tăng hoạt động dịch vụ và nguồn thu cho ngân sách địa phương. Năm 2021, toàn tỉnh đã thu hút được 12 dự án FDI đăng ký mới với vốn đăng ký 800 triệu USD; 16 dự án FDI đăng ký tăng vốn và 6 lượt dự án được nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 500 triệu USD. Theo xếp hạng của Cục Đầu tư ngoài nước (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong năm 2021, Phú Thọ xếp thứ 14/63 tỉnh, thành cả nước về thu hút FDI. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa của tỉnh ước đạt 8,289 tỉ USD, tăng 76,8% so với năm 2020 - mức tăng kỷ lục, đưa Phú Thọ đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố có kim ngạch xuất khẩu cao trên cả nước, trong đó nhóm DN FDI đạt gần 1,2 tỉ USD. 

Thời gian qua, việc đầu tư các DN FDI tập trung vào Phú Thọ (chủ yếu các DN lắp ráp thiết bị điện tử, máy tính, công nghiệp phụ trợ…) đảm bảo đúng định hướng, đóng góp cho tăng trưởng xuất khẩu; tác động đến việc tăng thu ngân sách và tạo việc làm cho người lao động tại chỗ. Hiện nay, Phú Thọ đã có những đối tác đầu tư đến từ các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hoa Kỳ, Ấn Độ... Việc “đón sóng đầu tư” kịp thời đã thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước thay đổi hướng mục tiêu từ các địa phương khác về tỉnh, trong đó có nhiều chủ đầu tư lớn như Tập đoàn Sông Hồng Thủ Đô, Tập đoàn T&T Group, Tập đoàn TH... Hoạt động của DN FDI những năm qua đã mang lại nhiều kết quả nổi bật, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy đầu tư, xuất nhập khẩu và tăng thu ngân sách trên địa bàn, đóng góp tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỉ trọng công nghiệp, tạo hiệu ứng lan tỏa, nâng cao lợi thế cạnh tranh cho tỉnh. 

Dây chuyền sản xuất sản phẩm mì gói của Công ty TNHH Paldo Vina (Hàn Quốc), Cụm công nghiệp Đồng Lạng, huyện Phù Ninh.

Năm 2022, Phú Thọ hướng tới mục tiêu thu hút 30.000 – 40.000 tỉ đồng, trong đó, đầu tư FDI chiếm từ 500 triệu USD trở lên. Nhằm thu hút và tạo điều kiện cho các DN FDI phát triển hiệu quả, thật sự mang lại chất lượng, tỉnh tiếp tục phát huy lợi thế nổi trội về vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên và văn hóa độc đáo. Đồng thời sẵn sàng quỹ đất rộng với những địa hình khác nhau như: Đồng bằng, trung du, miền núi, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư triển khai các dự án phát triển công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Tập trung ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực: Nông - lâm nghiệp (ưu tiên dự án đầu tư vùng nguyên liệu gắn với chế biến, xuất khẩu: Chè, chuối, chăn nuôi bò, lợn chất lượng cao, chế biến gỗ xuất khẩu...); công nghiệp (các ngành công nghiệp mới, chế tạo, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao, điện tử, sản xuất phần mềm ứng dụng, dược phẩm, mỹ phẩm, các ngành công nghiệp phụ trợ…); thương mại, dịch vụ (ưu tiên các dự án đầu tư lĩnh vực khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, các trung tâm thương mại bán buôn, bán lẻ...).

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 7 KCN đã được Chính phủ phê duyệt (gồm 4 KCN đã đi vào hoạt động, 3 KCN còn lại đang thu hút nhà đầu tư hạ tầng) với tổng diện tích đất quy hoạch trên 2.200ha, tạo việc làm cho hơn 48.000 lao động, thu nhập bình quân khoảng 7,2 triệu đồng/người/tháng. Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp với Ban quản lý các KCN và các cơ quan liên quan triển khai rà soát các KCN để tích hợp vào quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050. Đến thời điểm hiện tại, Phú Thọ đã có 28 CCN đã được phê duyệt, bao gồm 22 CCN đã được thành lập, 17 CCN đã đi vào hoạt động với tổng 126 dự án đầu tư, hơn 490ha đất được quy hoạch, giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng/tháng. Sở Công Thương kịp thời nắm bắt tình hình sản xuất của các DN để có phương án tham mưu đề xuất, tháo gỡ khó khăn cho DN trong quá trình sản xuất kinh doanh; bám sát tiến độ triển khai thực hiện các KCN, CCN, các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh. 

Lượt xem: 2.693
Nguồn:Theo baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.653
Hôm qua : 1.870