• :
  • :
Trang thông tin điện tử Ban quản lý các khu công nghiệp Phú Thọ - Đường dây nóng: 0210.3843021

Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025)

Chiến dịch mang tên Bác

baophutho.vnSau khi giải phóng Tây Nguyên và các tỉnh ở miền Trung, vào đầu tháng 4/1975, các cánh quân của ta đều hướng về phía Nam chuẩn bị cho cuộc hội quân lớn để giải phóng Sài Gòn. Trước tình thế ngày càng khẩn trương, các vị tướng lĩnh chỉ huy chiến dịch cũng chuyển vào Nam Bộ và gặp nhau tại căn cứ của Miền ở khu vực Tà Thiết- Lộc Ninh.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). Ảnh tư liệu

Tại đây đã có mặt các đồng chí trong Trung ương Cục và Bộ Tư lệnh Miền gồm: Phạm Hùng, Nguyễn Văn Linh, Văn Tiến Dũng, Trần Nam Trung, Trần Văn Trà, Phan Văn Đảng, Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Xô, Lê Đức Anh, Lê Văn Tưởng, Đồng Văn Cống, Lê Ngọc Hiền, Đinh Đức Thiện, Lương Văn Nho. Chiều 7/4, đồng chí Lê Đức Thọ cũng đã vào tới Tà Thiết.

Ngày 8/4, trong cuộc họp đông đủ của Trung ương Cục, Quân ủy và Bộ Chỉ huy Miền, có thêm cán bộ của Bộ Tổng tư lệnh tham dự, đồng chí Lê Đức Thọ phổ biến nội dung Nghị quyết của Bộ Chính trị họp ngày 25/3 ở Hà Nội. Cuối cuộc họp, đồng chí phổ biến quyết định của Bộ Chính trị thành lập Bộ Tư lệnh chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định gồm các đồng chí: Văn Tiến Dũng, Tư lệnh; Phạm Hùng, Chính ủy; các Phó tư lệnh: Trần Văn Trà, Lê Đức Anh; Đinh Đức Thiện, Phó tư lệnh phụ trách hậu cần; Lê Ngọc Hiền, Tham mưu trưởng.

Sáng 22/4/1975, bổ sung thêm đồng chí Lê Trọng Tấn làm Phó tư lệnh; Lê Quang Hòa làm Phó chính ủy.

Bộ chỉ huy chiến dịch sử dụng các cơ quan tham mưu chính trị, hậu cần vốn có của Miền để làm việc, có tăng cường thêm một số cán bộ của Đoàn A75 vừa ở Tây Nguyên tới và từ Bộ Tổng Tham mưu phái vào.

Thời gian hết sức khẩn trương, Bộ Chính trị chỉ thị cuộc tổng công kích vào Sài Gòn càng sớm càng tốt.

Trong không khí náo nức, sôi động của chiến trường, lần lượt các Bộ tư lệnh quân chủng, binh chủng, quân đoàn đến sở chỉ huy chiến dịch nhận nhiệm vụ. Riêng đối với Quân đoàn 4, Quân đoàn 2, Sư đoàn 3, của Quân khu 5 đang chiến đấu ở cánh Đông, Bộ chỉ huy chiến dịch cử Đại tá Lương Văn Nho (sau này là Phó tư lệnh Quân khu 7) đi truyền đạt nhiệm vụ. Bản mệnh lệnh có chữ ký của đồng chí Phạm Hùng và Văn Tiến Dũng. Mệnh lệnh nêu rõ: Tất cả các binh đoàn thuộc cánh quân phía đông đều đặt dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lê Trọng Tấn, tác chiến theo kế hoạch thống nhất của Bộ Chỉ huy chiến dịch.

Sau khi thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn và điểm các cánh quân trên các hướng, các đồng chí trong Bộ Chỉ huy thao thức, trăn trở nhớ đến Bác Hồ, Người đã suốt đời hy sinh tất cả cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Nhớ tên Bác đã được đặt cho thành phố Sài Gòn, Bộ Chỉ huy chiến dịch nhất định đặt tên chiến dịch tổng công kích và nổi dậy giải phóng Sài Gòn với ý nghĩa và quy mô lớn nhất trong cuộc chiến tranh giải phóng đất nước, là Chiến dịch Hồ Chí Minh. Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương thông qua quyết tâm và kế hoạch giải phóng Sài Gòn-Gia Định. Hồi 17 giờ 50 phút ngày 14/4/1975, bức điện số 37/TK của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng gửi đến mặt trận Sài Gòn “đồng ý chiến dịch Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Quyết định của Bộ Chính trị được phổ biến nhanh chóng đến các mặt trận, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, đồng thời khẳng định ý chí quyết chiến quyết thắng của các cánh quân trong trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

Bộ đội lên máy bay vận tải vào miền Nam tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, giải phóng Sài Gòn. Ảnh tư liệu

Ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Chính trị, trực tiếp là Quân ủy Miền, các lực lượng vũ trang ta đã nổ súng trên nhiều mặt trận, đẩy lùi địch, chiếm lĩnh nhiều điểm cao, vị trí quan trọng có lợi thế chiến trường, tạo tiền đề vững chắc để thực thi toàn bộ chiến dịch.

Việc lấy tên chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là Chiến dịch Hồ Chí Minh xuất phát từ tình cảm, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, mà trước hết là nhân dân miền Nam đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đồng thời cũng thể hiện sự tri ân của dân tộc đối với vị lãnh tụ - một con người luôn dành tình cảm đặc biệt đối với vùng đất và con người Nam Bộ.

Như chúng ta đã biết, vào ngày 5/6/1911, từ bến cảng Sài Gòn Bác Hồ đã ra đi bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước. Từ ngày đó, Bác đã luôn hẹn có ngày trở lại Sài Gòn. Tuy nhiên điều đó Bác đã không thực hiện được.

Năm 1945, khi Cách mạng tháng Tám thành công thì ngay sau đó thực dân Pháp đã quay trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Từ ngày 23/9/1945, Nam Bộ đã nêu cao ngọn cờ kháng chiến cho đến khi có lệnh ngừng bắn để thi hành Hiệp định Giơnevơ. Theo Hiệp định này, cả nước ta sẽ tiến hành Tổng tuyển cử vào tháng 7/1956 để thống nhất Tổ quốc. Nhưng việc này đã không thực hiện được do Mỹ và tay sai đã cố tình phá hoại Hiệp định, âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Miền Nam lại chưa được đón Bác vào thăm. Trong những năm chiến tranh, miền Nam thành đồng Tổ quốc luôn nhận được sự quan tâm và tình cảm sâu sắc của Bác. Người luôn theo sát và cổ vũ từng bước đi của cách mạng miền Nam. Người là biểu tượng của ý chí quyết tâm và niềm tin tất thắng của toàn thể nhân dân Việt Nam trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Năm 1962, khi đón những người con của miền Nam anh hùng lần đầu tiên ra thăm miền Bắc, Bác nói: “Hình ảnh miền Nam luôn ở trong trái tim tôi”.

Như vậy, Sài Gòn là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Tên Bác gắn với một sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc, cho thấy tầm vóc to lớn của chiến dịch, tính triệt để và tất thắng của nó, đánh vào Sài Gòn như thế nào cho nhanh, chắc thắng, làm sụp đổ cả chế độ phản động, đập tan cả hệ thống tổ chức ngụy quân, ngụy quyền từ Trung ương đến tận cơ sở, phá tan bộ máy chiến tranh, với bản chất phản động hiếu chiến, ngoan cố của bè lũ tay sai, đè bẹp ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

Phương Đông

Lượt xem: 7
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 222
Hôm qua : 477