Nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người nhiều lần nhắc nhở: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước” và “bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân”... Qua thời gian, tư tưởng về đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân của Người vẫn vẹn nguyên giá trị thời sự, ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.

Ngày 26/1/1964, Bác Hồ về thăm đồi cây Bạch Thạch của HTX Thắng Lợi, xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá) huyện Thanh Thủy. Ảnh tư liệu

Đầu năm nay, Bộ Nội vụ đã tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc đạo đức công vụ. Trong đó, quy định cụ thể đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức có nghĩa vụ và trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các chuẩn mực về đạo đức, giao tiếp, ứng xử, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đồng thời, nhấn mạnh việc xử lý các hành vi vi phạm về đạo đức công vụ, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, cấp có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật và xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trải qua nhiều kỳ Đại hội Đảng cũng như trong các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư gần đây đều chỉ rõ tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn; tham nhũng, tiêu cực vẫn còn nghiêm trọng, tập trung vào số đảng viên có chức vụ trong bộ máy nhà nước, kể cả một số cán bộ cao cấp. Trong thực tiễn, không ít cán bộ, công chức, viên chức bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử với người dân, tổ chức và đồng nghiệp, vẫn còn những hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự…

Cùng với việc xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn thì việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh để nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng nền văn hóa công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân đã và đang là yêu cầu cấp thiết, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt cho mỗi cán bộ, đảng viên, cơ quan, đơn vị trong giai đoạn hiện nay, khi toàn Đảng, toàn dân ta đang nỗ lực xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân,…

Trọn đời cống hiến hy sinh vì nước vì dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan niệm đạo đức là nền tảng và là sức mạnh của người cách mạng, coi đó là cái gốc của cây, ngọn nguồn của sông nước. Hiến pháp đầu tiên của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, đã thể hiện ý tưởng sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thiết lập một nền công vụ của dân, hoạt động vì nhân dân và chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân, đó là một nền công vụ hiện đại, dân chủ, có hiệu lực từ Trung ương đến cơ sở. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, cán bộ, công chức là công bộc, có bổn phận phục vụ nhân dân, vì thế đạo đức công chức thể hiện tính dân chủ trong công vụ mà công chức thực hiện đối với nhân dân, thể hiện qua những nguyên tắc đạo đức, chuẩn mực nhất định, đó là: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; phải có tinh thần trách nhiệm cao với công việc; chấp hành nghiêm kỷ luật và có tinh thần sáng tạo trong thi hành công vụ; có ý chí cầu tiến bộ, luôn luôn phấn đấu trong công việc; có tinh thần thân ái, hợp tác với đồng nghiệp trong thực hiện công việc. Những chuẩn mực đạo đức công vụ này có sự quan hệ, tác động qua lại lẫn nhau trong một hệ thống chuẩn mực thống nhất.

Đặc biệt đề cao các giá trị đạo đức và liêm chính, coi đây là những phẩm chất đạo đức cơ bản của người cán bộ cách mạng, trong tác phẩm “Đời sống mới” (tháng 3/1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập một cách trực tiếp, hệ thống, toàn diện đến đức liêm, chính của cán bộ, công chức. Theo Người, liêm trước hết là liêm khiết, không tham ô, luôn tôn trọng, giữ gìn của công và tài sản của nhân dân. Liêm còn là trong sạch, không tham lam. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” (năm 1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ, đảng viên phải thực hành chữ liêm. Theo Người, “Liêm là không tham địa vị. Không tham tiền tài. Không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình”. Về phương diện cá nhân, liêm mang lại sự “quang minh chính đại”, tâm lành, trí sáng, uy tín và sự tôn trọng từ những người xung quanh. Đức liêm của người cán bộ, đảng viên sẽ là tấm gương sáng cho nhân dân và góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với chế độ. Đối với dân tộc, liêm cùng với cần và kiệm sẽ giúp cho dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, trở thành một dân tộc văn minh và tiến bộ… Trong thi hành công vụ cũng như trong cuộc sống đời thường, cán bộ, công chức tuyệt đối không được tơ hào dù chỉ là “cái kim, sợi chỉ” của nhân dân và phải hết sức tiết kiệm, minh bạch trong việc chi dùng công quỹ. Để răn đe, ngăn chặn những hành vi bất liêm, ngày 26/01/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Quốc Lệnh, trong đó quy định tội trộm cắp của công phải bị tử hình, giống như tội phản quốc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, bất kể ai trong hệ thống công quyền cũng đều phải thực hành liêm chính, nhưng người lãnh đạo phải là tấm gương về sự liêm chính. Ngay từ năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 76-SL, ngày 20/5/1950, ban hành Bản Quy chế công chức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, áp dụng từ ngày 1/5/1950. Đây là văn bản có tính pháp lý đầu tiên đặt nền móng cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức. Trong đó, điều 2, mục II, chương 1, quy định rõ: “Công chức Việt Nam phải phục vụ nhân dân, trung thành với Chính phủ, tôn trọng kỷ luật, có tinh thần trách nhiệm và tránh làm những việc có hại đến thanh danh công chức hay đến sự hoạt động của bộ máy Nhà nước. Công chức Việt Nam phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”. Đây là lần đầu tiên, các giá trị đạo đức truyền thống mà liêm chính là giá trị cốt lõi, đã được thể chế hóa thành chuẩn mực pháp lý của công chức Việt Nam.

Trước khi đi xa, trong “Di chúc” thiêng liêng, Người căn dặn: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân”.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc cải cách chế độ công vụ hiện nay, là cơ sở để chúng ta tiếp tục xây dựng những chủ trương, chính sách phù hợp nhằm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Để đạt được mục tiêu này, yêu cầu có tính chất tiên quyết là xây dựng được đội ngũ cán bộ, công chức một cách toàn diện, cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu, phẩm chất, năng lực và phương pháp, tác phong làm việc, nhất là việc nâng cao đạo đức công vụ trong thời kỳ mới. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam là xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ, năng lực chuyên môn phù hợp, đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới...; khuyến khích cán bộ, công chức nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, hách dịch, cửa quyền; thực hành tiết kiệm…

Cùng chung với cả nước, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Phú Thọ đã tập trung nguồn lực cải cách hành chính, nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng văn hóa công vụ thiết thực góp phần tạo đột phá, phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các mục tiêu cụ thể với sáu nhiệm vụ trọng tâm, trong đó nhiệm vụ thứ năm được xác định: “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp. Phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong thi hành công vụ, xây dựng đội ngũ cán bộ công chức có phẩm chất, năng lực, tinh thần tận tụy, trách nhiệm để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó tập trung hiện đại hóa nền hành chính gắn với hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng phục vụ, mức độ hài lòng của người dân, tổ chức”…

Nhân viên Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Ninh Giang

Với sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền cộng hưởng cùng tinh thần tự giác, chủ động của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, những năm gần đây, Phú Thọ đã đạt được nhiều thành tích đáng ghi nhận trong việc nâng cao đạo đức công vụ, cải cách hành chính công. Theo báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2022, Phú Thọ đạt 44,2468/80 điểm, đứng thứ 10/61 tỉnh, thành phố (có hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang - không đưa vào đánh giá do dữ liệu khảo sát không chính xác) và dẫn đầu trong 14 tỉnh trung du, miền núi phía Bắc. Trong tám chỉ số thành phần, Phú Thọ có bốn chỉ số nằm trong nhóm điểm cao nhất, gồm: Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch; Quản trị điện tử…

Tập trung triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, trong thời gian tới, để tiếp tục vận dụng sáng tạo, hiệu quả những giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về nâng cao đạo đức công vụ, xây dựng nền văn hóa công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân, chúng ta cần tập trung phát huy hiệu quả hơn nữa vai trò lãnh đạo của các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội, của người dân trong việc nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức. Tổ chức Đảng các cấp và mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức thực hành liêm chính, thực hiện nghiêm đạo đức công vụ. Cùng với đó, tăng cường hơn nữa công tác giáo dục đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu trong thực thi công vụ, không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao đạo đức công vụ. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức về đạo đức cách mạng, về đạo đức công vụ. Đưa việc quán triệt và tổ chức thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trở thành công việc thường xuyên, hằng ngày, gắn với chức trách, nhiệm vụ của từng cán bộ, đảng viên. Đổi mới phong cách làm việc, nói đi đôi với làm, thực hiện nghiêm túc Quy định số 37-QÐ/TW, ngày 25/10/2021, của Ban Chấp hành Trung ương “Về những điều đảng viên không được làm”. Tiếp tục phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị theo Quy định số 08-QĐi/TW, ngày 25/10/2018, của Ban Chấp hành Trung ương “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”…

Mỗi cán bộ, công chức có tư cách đạo đức tốt sẽ góp phần xây dựng tổ chức vững mạnh, đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Trong công cuộc cải cách chế độ công vụ hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền công vụ liêm chính, chuyên nghiệp, phục vụ nhân dân vẫn còn vẹn nguyên giá trị, là kim chỉ nam định hướng cho toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục giành thắng lợi trong sự nghiệp đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, theo con đường mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn.

Vi Mạnh Hùng

Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy

Lượt xem: 803
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 24
Hôm qua : 1.194