Đảm bảo tiện ích cho người dân, doanh nghiệp

Sử dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt (thanh toán điện tử) trong nộp phí, lệ phí của lĩnh vực dịch vụ công đang được người dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh sử dụng rộng rãi bởi tính hiệu quả, tiện lợi. Đây là một trong những giải pháp hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền số, chính quyền điện tử hiện đại, phục vụ người dân tốt hơn cũng như nâng cao công tác quản lý nhà nước trong dịch vụ công.

 

Người dân quét mã QR Code thanh toán phí, lệ phí trong thực hiện thủ tục hành chính tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thị trấn Thanh Ba, huyện Thanh Ba.

Đảm bảo tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thực hiện thanh toán điện tử trong dịch vụ công, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tiếp tục triển khai mở rộng thêm hình thức, phương thức mới, hiện đại. Trong đó, chú trọng phát triển các sản phẩm dịch vụ thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với điều kiện vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và có thể áp dụng đối với những đối tượng khách hàng chưa có tài khoản ngân hàng như: Thanh toán qua ví điện tử, dịch vụ Mobifone Money, thanh toán quét mã Qr code.

Đồng thời, các ngân hàng, tổ chức tín dụng cũng đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong giải pháp xác thực, nhận biết khách hàng bằng phương pháp điện tử, lấy đó làm cơ sở để phát triển thêm các phương thức thanh toán mới, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp như: Sản phẩm thẻ ngân hàng đa năng, đa dụng cho phép thực hiện các giao dịch thu, nộp thuế, thu phí cầu đường, nhận tiền bảo hiểm xã hội, nộp học phí, viện phí với nhiều hình thức thanh toán.

Để phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong dịch vụ công được thực hiện thông suốt, đảm bảo tiện ích xã hội, các ngân hàng, tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đã hoàn thiện kết nối hạ tầng thanh toán điện tử với các cơ quan Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước để phục vụ yêu cầu phối hợp thu ngân sách nhà nước.

Cục Thuế tỉnh đã triển khai ứng dụng thuế điện tử cho thiết bị di động (eTaxMobile) dành cho người nộp thuế là cá nhân trên địa bàn tỉnh. Theo tổng hợp báo cáo từ các Chi cục Thuế, đến nay, số lượng giao dịch nộp thuế qua app mobile là 9.106 giao dịch, trong đó có 6.688 giao dịch thành công; tổng số tiền thuế nộp qua app mobile hơn gần 37,8 tỉ đồng, trong đó số tiền nộp thành công hơn 19,4 tỉ đồng. Xu hướng nộp thuế điện tử qua thiết bị di động ngày càng tăng do tính tiện ích. Anh Tạ Anh Đạt, hộ kinh doanh tại phường Thọ Sơn, thành phố Việt Trì chia sẻ: “Việc sử dụng ứng dụng qua điện thoại di động giúp tôi tra cứu, cập nhật thông tin, tiến hành nộp thuế ở bất kỳ đâu mà không bị giới hạn không gian, thời gian, tiết kiệm chi phí...”.

Trong lĩnh vực hành chính công, thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt được đông đảo người dân, doanh nghiệp lựa chọn bởi rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính, đồng thời tạo thuận lợi trong quản lý, hướng tới mục tiêu chính quyền điện tử. Bên cạnh đó, các nhóm dịch vụ công đến nay đã được triển khai thanh toán bằng các phương thức điện tử, đem lại sự thuận tiện cho người dân như trong lĩnh vực điện, nước, cước viễn thông, học phí, viện phí, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm. Trong ngành Giáo dục, các giải pháp khuyến khích nộp học phí điện tử đã được triển khai, nâng cao tỉ lệ phụ huynh lựa chọn phương thức thanh toán học phí trực tuyến.

Đồng chí Đào Mạnh Thắng - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Việt Trì cho biết: Việc nộp học phí điện tử không dùng tiền mặt giúp các trường, cơ sở giáo dục đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí quản lý, kiểm đếm, in ấn hóa đơn, tiết kiệm chi phí, nhân lực, đảm bảo an toàn trong công tác quản lý tài chính. Các nhà trường đã lựa chọn, tiến hành ký hợp đồng với ngân hàng thương mại hoặc tổ chức dịch vụ thanh toán trung gian để được hướng dẫn, tư vấn thao tác quy trình thực hiện phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ học sinh biết và thực hiện.

Theo kế hoạch, đến năm 2025, toàn tỉnh có từ 90-100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức không dùng tiền mặt; 60% cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% số người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm, trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn đô thị được chi trả thông qua các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt. Để đạt mục tiêu nâng cao tỉ lệ người dân, doanh nghiệp sử dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong nhóm dịch vụ công, các cấp, ngành, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, thay đổi thói quen của người dân. Các đơn vị cung ứng dịch vụ công tiếp tục xây dựng, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu để kết nối, chia sẻ thông tin với hệ thống ngân hàng, các tổ chức tín dụng, nâng cao chất lượng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt... Các sở, ban, ngành tăng cường phối hợp, hợp tác thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong thu, nộp ngân sách nhà nước, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, trung gian thanh toán.

Lượt xem: 17
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.025
Hôm qua : 878