Triệt tiêu “bệnh”... đố kỵ !

Đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII của Đảng đã chỉ rõ, một bộ phận cán bộ, đảng viên có thái độ “ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”. Có thể nói, đ ây là một trong những biểu hiện suy thoái hàng đầu trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, cần phải chấn chỉnh, triệt tiêu.

Thói đố kỵ của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay có thể nhận diện rất rõ, mặc dù luôn được ẩn dấu rất... tinh vi. Đó là chuyện thấy ai có kết quả hơn mình thường tỏ ra khó chịu, coi đó là việc “ăn may, có quý nhân phù trợ”. Trong nhận xét đánh giá cán bộ, cấp dưới, đồng chí... còn chưa công tâm, khách quan, dẫn đến thiếu tinh thần hợp tác với những cá nhân năng động, “7 dám”; thậm chí tệ hại hơn còn có biểu hiện nâng đỡ, lôi kéo, bè cánh với những người cùng “cánh hẩu”, hay nịnh bợ, lấy lòng mình để cản trở những cá nhân tích cực, không muốn cho họ vươn lên. Một biểu hiện khác dễ thấy của thói ganh ghét, đố kỵ là những người hay ngồi lê mách lẻo, thích soi mói, nói xấu sau lưng người khác theo kiểu “vạch lá tìm sâu”, bằng mặt nhưng không bằng lòng...

Thói đố kỵ mang đến nhiều hệ luỵ tai hại. Những nơi để cho thói ganh ghét, đố kỵ tồn tại, lộng hành không những làm nản lòng, nhụt chí, cản trở con đường phấn đấu của những nhân tố tích cực mà còn gieo rắc sự hoài nghi, để ý, soi mói lẫn nhau trong nội bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến việc củng cố, vun đắp tinh thần đoàn kết, thống nhất của cơ quan, đơn vị, ở chi bộ, cấp uỷ Đảng. Nguy hại hơn, những kẻ mắc “bệnh” đố kỵ có thể lươn lẹo “quy chụp, biến báo” người tốt thành người bình thường, thậm chí tầm thường còn những kẻ “làng nhàng”, gian thần, “đầu môi chót lưỡi” dễ được cấp trên ưu ái trong cuộc sống, công tác... làn nản lòng những cá nhân có chí tiến thủ, làm cho nội bộ mất đoàn kết, tránh né lẫn nhau... Đây chính là một trong những nguy cơ chủ yếu làm xói mòn đạo đức, văn hóa trong bộ máy và làm cho sự suy thoái về đạo đức, lối sống ngày càng nghiêm trọng hơn.

Để trị bệnh đố kỵ mỗi cá nhân cần bền bỉ “tu tâm, tích đức”, rèn luyện bản lĩnh, trong lời nói, việc làm phải chỉn chu, chín chắn; sống chân thành, trung thực, không để những tư tưởng bon chen, ghen ghét người khác len lỏi vào suy nghĩ, khiến cho mình luôn rơi vào tâm trạng “ăn không ngon, ngủ không yên” vì không bằng họ. Cần biết chia sẻ, động viên kịp thời với kết quả, thành tích nổi bật của đồng chí, nghiệp, đồng đội; khuyến khích những việc làm tốt, những cá nhân tốt, những ý tưởng, hiến kế, giải pháp tốt cho tập thể.

Trên phương diện tập thể, cần chăm lo xây dựng bầu không khí thật sự đoàn kết, dân chủ, thân ái. Tập thể, cá nhân, chi bộ, chi uỷ, đảng viên... luôn tin tưởng, động viên, giúp đỡ nhau cùng hoàn thành tốt nhiệm vụ, cùng phấn đấu tiến bộ, trưởng thành. Chú trọng xây dựng văn hóa công sở lành mạnh, kết hợp hài hòa giữa phát huy dân chủ với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật, giữ gìn tình thương yêu lẫn nhau, tạo tiền đề, giải pháp góp phần phòng ngừa, ngăn chặn thói ganh ghét, đố kỵ...

Kiên quyết không để cho sự ganh ghét, đố kỵ như một “ung nhọt” lây lan, hủy hoại đạo đức, nhân cách cá nhân và làm hại đến tập thể !

Minh Tự

Lượt xem: 7
Nguồn:Baophutho.vn Sao chép liên kết
Tin tiêu điểm
Bản đồ các KCN tỉnh Phú Thọ
Bình chọn
Thông tin nào trên Cổng TTĐT mà bạn quan tâm nhất?
Thống kê truy cập
Hôm nay : 27
Hôm qua : 728